Tăng, giảm giá xăng: Phải bí mật
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc bất ngờ tăng giá xăng ngày 28/3, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Võ Văn Quyền cho biết: Đã làm đúng quy định hiện hành để tránh việc đầu cơ.
Trái với mọi thông tin dự đoán, ngày 28/3, liên bộ Tài chính-Công thương bất ngờ tăng giá xăng dầu lên mức kỷ lục. Theo đó, giá xăng được điều chỉnh tăng thêm 1.430 đồng/lít lên mức 24.580 đồng; giá dầu diesel cũng được điều chỉnh tăng thêm 362 đồng, lên 21.912 đồng/lít. Dầu hỏa và madút tăng lần lượt 480 đồng và 807 đồng/lít.
Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 3/2013 của Bộ Công Thương chiều tối nay (1/4), Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Võ Văn Quyền lý giải: việc bất ngờ tăng giá xăng không báo trước để tránh tình trạng lợi dụng đầu cơ, tạo sự khan hiếm xăng dầu đợi thông tin tăng giá.
Ông Quyền khẳng định, các quy định về việc tăng giá, giảm giá, các tài liệu, báo cáo về giá xăng dầu đều được giữ bí mật.
Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Quyền, sau này khi xem xét sửa đổi Nghị định 84, liên bộ Tài chính - Công Thương sẽ tính đến việc thông báo công khai các số liệu này.
Thông tin về tăng, giảm giá xăng phải hoàn toàn bí mật (Ảnh minh họa)
Trả lời câu hỏi của phóng viên về lý do tăng giá xăng dầu để chống buôn lậu, ông Võ Văn Quyền cũng khẳng định không có quy định nào trong luật pháp cho phép tăng giá xăng dầu để chống buôn lậu.
“Việc tăng giá xăng để chống buôn lậu xăng dầu qua biên giới là một trong các căn cứ chứ không phải tất cả”, ông Quyền nói.
Thông tin thêm về tình hình buôn lậu xăng dầu qua biên giới, đại diện Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết: Trong vòng 2 tháng, lực lượng cảnh sát biển đã bắt giữ 917.000 lít xăng, 92.000 lít dầu.
Tác động của việc tăng giá xăng dầu ngày 28/3 đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 được Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước đánh giá không lớn. Theo đó, tác động lên vòng 1 tăng 0,127%; mức tác động vòng 2 chưa tính được do còn chịu tác động của kinh doanh của doanh nghiệp.