Sự thật điệp vụ của phim hay nhất Oscar 2013

Đằng sau bộ phim Argo vừa giành giải Phim hay nhất Oscar 85 là câu chuyện thật về kế hoạch giải thoát 6 người Mỹ ở Iran. Câu chuyện nghẹt thở này vừa được điệp viên CIA Tony Mendez, nguyên mẫu nam chính trong Argo, kể lại.

Tháng 11/1979, cách mạng Iran nổ ra, làn sóng chống Mỹ lan rộng. Đám đông người địa phương tràn vào Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Tehran.

Sáu nhân viên người Mỹ nấp trong phòng rồi sau đó thoát theo lối cửa sau của Đại sứ quán và trốn trong nhà riêng Đại sứ Canada. Họ có nguy cơ bị những người cách mạng Iran hoặc báo chí quốc tế phát hiện bất kỳ lúc nào.

Cả thế giới tập trung theo dõi số phận của 66 nhân viên Đại sứ quán Mỹ bị chế độ cách mạng mới của Iran giữ làm con tin. Trong số này, 13 người được thả sau khi bị giữ nửa tháng. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ lúc đó là Jimmy Carter gánh chịu áp lực phải bảo đảm toàn bộ con tin, kể cả 6 người mà phía Iran chưa biết, trở về nước an toàn.

Sự thật điệp vụ của phim hay nhất Oscar 2013 - 1

Một cảnh trong phim Argo

Tony Mendez phải tìm cách đưa 6 người ra khỏi Iran. Nhưng trước tiên, anh phải làm sao để bản thân mình không bị nghi ngờ khi nhập cảnh Iran để cứu họ.

“Chúng tôi xem xét mọi lý do giải thích sự có mặt của mình tại Tehran, nhưng không có lý do gì hợp lý cả”, cựu điệp viên 73 tuổi kể.

“Thông thường, chúng tôi sẽ chọn một vỏ bọc rất đơn giản, nhàm chán, dễ quên. Nhưng chúng tôi không thể giả làm giáo viên vì các trường quốc tế lúc đó đóng cửa. Chúng tôi cũng không thể giả làm kỹ thuật viên dầu khí. Chúng tôi cũng không thể vào vai các chuyên gia dinh dưỡng đi kiểm tra mùa màng”.

Khủng hoảng con tin ở Iran

Mendez cũng phải cân nhắc một thực tế là 6 người Mỹ đang trốn trong nhà riêng Đại sứ Canada ở Tehran không được đào tạo về những phi vụ bí mật. Tại thủ đô Ottawa của Canada, khi liên lạc với chính phủ nước này về vụ con tin, anh quyết định “đảo nghịch nguyên tắc và tạo ra sự sao lãng”.

Mendez nghĩ ra kế hoạch bay tới Tehran và giả vờ là thành viên đoàn làm phim tìm kiếm địa điểm quay cho một bộ phim khoa học viễn tưởng.

“Mọi người biết rằng người của Hollywood đi tới bất kỳ nơi đâu họ muốn, bất chấp thời gian trong lịch sử. Họ quên thực tế rằng có chính trị và sự nguy hiểm trên thế giới”, Mendez nói.

Sự thật điệp vụ của phim hay nhất Oscar 2013 - 2

Một cảnh trogn phim Argo

Tháng 1/1980, anh bay tới thành phố Los Angeles của Mỹ với 10.000 USD trong túi. CIA có lịch sử làm việc lâu đời với Hollywood, đặc biệt khi liên quan lĩnh vực cải trang.

Mendez thuê một người viết kịch bản và người này bắt tay ngay vào việc. Sau đó anh tìm một văn phòng cho công ty ma sản xuất phim tên là Studio 6 (được đặt tên theo số người mà anh sẽ giải cứu).

Trong vòng 2 ngày, kịch bản phim đã xong, với tiêu đề Argo. Cốt truyệt tương tự loạt phim khoa học viễn tưởng Star Wars – phim ăn khách nhất thời điểm đó. Bối cảnh chính là một nơi bí ẩn không xác định có một khu chợ đẹp kỳ lạ.

Studio 6 liên lạc với các tạp chí như Hollywood Reporter, Variety… để lăng-xê về bộ phim sắp quay. Mendez muốn mọi việc phải như thật, phòng trường hợp chế độ Iran kiểm tra bối cảnh.

Mendez mất vài tuần để thuyết phục các lãnh đạo của mình ở CIA cùng các thành viên chính phủ Canada và Mỹ ủng hộ kế hoạch của mình. Người ta lo ngại rằng, tình hình thực tế không thể dự đoán. Họ cũng mất nhiều thời gian thảo luận xem liệu con tin nên mang hộ chiếu giả của Mỹ, Canada hay tất cả mang hộ chiếu nước ngoài khác nhau.

Thất bại đồng nghĩa với việc chính phủ Canada, Mỹ sẽ rất mất mặt và tính mạng của 6 con tin gặp nguy hiểm khôn lường.

“Phi vụ này không có kế hoạch B. Thông thường phải có kế hoạch thoát thân, nhưng lần này khong có loại đó, kiểu như xe hơi đỗ bên ngoài, nổ máy sẵn”, Mendez nói.

Khi anh cuối cùng đã sẵn sàng tới Tehran, vợ anh, Jonna Mendez, cũng là nhân viên CIA, cũng không biết chồng mình nhận nhiệm vụ gì.

Tổng thống Carter được thông báo ngắn gọn về điệp vụ và gửi Mendez một bức thư đặc biệt với nội dung “Good luck” (Chúc may mắn). Việc một tổng thống liên lạc trực tiếp với điệp viên CIA là một điều cực kỳ không bình thường, Mendez nói.

Khi Mendez tới Tehran, thành phố này “giống như nơi tự do, miễn phí cho tất cả mọi người”, anh nhớ lại. “Buổi tối, lính Vệ binh Cách mạng tự giải trí bằng cách lái xe lòng vòng trên phố, bắn súng máy vào các tòa nhà. Những người cách mạng đình chỉ tất cả các kiểu hội họp, tập trung đông người”.

Bị xác định là công dân Mỹ trên đường phố Tehran lúc đó là rất nguy hiểm. Tuy nhiên, khi Mendez và đồng nghiệp Julio, một người nói tiếng Farsi (ngôn ngữ Iran), bị lạc đường và hỏi một thành viên Vệ binh Cách mạng tới Đại sứ quán Canada, họ đã gặp may. Mendez thể hiện vỏ bọc của mình một cách hoàn hảo: “Chúng tôi từ Hollywood tới. Chúng tôi cảm thấy hưng phấn hơn bất kỳ người nào khác”.

Thứ sáu ngày 25/1/1980, Mendez và đồng nghiệp cuối cùng gặp được các nhân viên Đại sứ quán Mỹ ở nhà riêng Đại sứ Canada ở Tehran, nơi họ ẩn náu đã được 86 ngày.
“Họ càng ngày càng lo lắng”, Mendez kể. Anh thông báo ngắn gọn cho họ về kế hoạch và đưa họ danh thiếp Studio 6 cùng quần áo để họ trông giống dân Hollywood hơn.

Chính phủ Canada đồng ý giải pháp dùng hộ chiếu Canada giả cho cả nhóm và Mendez mang theo huy hiệu lá phong để gắn vào vali, túi xách của họ.

Sự thật điệp vụ của phim hay nhất Oscar 2013 - 3

Tony Mendez hiện nay, Tony Mendez thời giải cứu con tin và Ben Affleck trong vai Mendez

48 giờ sau đó là tập luyện ứng phó các kỹ thuật thẩm vấn thù địch. Mọi người biết rằng, kế hoạch trốn thoát rất nguy hiểm, Mendez nhớ lại. “Người Iran có thể đã quyết định chặt đầu chúng tôi. Hoặc chúng tôi có thể bị kéo lê sau xe Jeep. Mọi điều đều có thể xảy ra”, anh nói.

Để họ thư giãn, Mendez có gắng tạo ra một trò chơi trong lúc chuẩn bị đào tẩu khỏi Iran. Tôi hy vọng cách đó có thể giúp họ thư giãn và thưởng thức chiến dịch. Nghe có vẻ mánh mung, nhưng bạn có thể khiến người khác sao lãng thông qua vui đùa dễ hơn nhiều thông qua sự sợ hãi. Với riêng một người trong nhóm, tôi phải dùng đến rượu, hiệu Cointreu, để khiến anh này vui vẻ cùng”.

Thứ hai ngày 28/1, nhóm ra sân bay Tehran để bắt chuyến bay 7 giờ tới thành phố Zurich của Thụy Sĩ. “Những khi tới trạm kiểm soát, chúng tôi không chắc mình có qua được hay không”, Mendez nói.

Mendez và đồng nghiệp quyết định đặt vé của Swissair, hãng hàng không anh coi là đáng tin cậy nhất và hiệu quả nhất. Dựa trên thông tin tình báo về nhân viên ở sân bay, nhóm được đặt vé bay vào sáng sớm. 

Mendez hy vọng rằng việc đến lúc sáng sớm có lợi vì những người cách mạng, nhân viên xuất nhập cảnh buồn ngủ, mệt mỏi sẽ ít chú ý tới nhóm. Và thực tế diễn ra đúng như vậy.

Máy bay cất cánh và tới sân bay Zurich. Sáu người Mỹ được quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ hộ tống tới nơi an toàn rồi về nước.

“Không có thời gian để nói lời cảm ơn, nên tôi và Julio đi ăn trưa”, Mendez nói.

Tháng 3/1980, sau khi gặp riêng với Tổng thống Carter trong phòng Oval, CIA trao cho Mendez một phần thưởng cao quý - huy chương Ngôi sao Tình báo. Nhưng vì điệp vụ thành công vừa qua là bí mật, anh được yêu cầu trả lại ngay lập tức. Người thân của anh cũng không được dự lễ trao thưởng.

Chiến dịch giải cứu được giữ bí mật suốt 17 năm. Nó nhạy cảm đến nỗi thậm chí không được in trong tạp chí nội bộ của CIA - Studies in Intelligence (Nghiên cứu tình báo).

Cuối cùng, George Tenet, Giám đốc CIA giai đoạn 1997 to 2004 khuyến khích Mendez chia sẻ câu chuyện về điệp vụ giải cứu táo bạo, trở thành cảm hứng để đạo diễn Ben Affleck làm bộ phim Argo và đóng luôn vai Mendez trong phim.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trúc Quỳnh (theo BBC, Hollywood Reporter) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN