Singapore phủ nhận thông tin có trường hợp nhiễm Ebola
Cơ quan chức năng Singapore ngày 14/8 cho biết kết quả xét nghiệm một phụ nữ tới từ Nigeria cho thấy bệnh nhân này không hề bị nhiễm virus Ebola như lo ngại ban đầu.
Trước đó, người phụ nữ Nigeria, khoảng 50 tuổi được xác định có thể nhiễm virus Ebola sau khi bay từ Nigeria tới Singapore và có biểu hiện sốt. Người phụ nữ này ngay lập tức đã được cách ly và đưa tới Bệnh viện Gleneagles sau đó chuyển tới Trung tâm bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Tan Tock Seng của Singapore.
Tuy nhiên giáo sư Philip Choo, Giám đốc điều hành Bệnh viện Tan Tock Seng cho biết đây chỉ là báo động nhầm và người phụ nữ này có thể xuất viện. Ông cho biết: “Chúng tôi đã có hồ sơ lịch sử bệnh án của bệnh nhân tại Nigeria, cô ấy chưa hề tiếp xúc với bất kỳ trường hợp nghi nhiễm Ebola nào ở đó cả.”
Tính tới thời điểm hiện tại, số người tử vong do dịch bệnh Ebola tại Tây Phi đã lên tới 1.069 người trong bối cảnh gia tăng lo ngại dịch bệnh này có thể lan tới khu vực Đông Phi và các quốc gia khác trên thế giới.
Guinea là quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Ebola
Guinea, quốc gia đầu tiên có trường hợp nhiễm Ebola đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế trước nguy cơ lây lan của dịch bệnh. Điều này đồng nghĩa với việc kiểm soát biên giới sẽ được thắt chặt hơn, cách ly những trường hợp nghi nhiễm Ebola và ban hành lệnh cấm mọi người di chuyển tới những địa phương khác. Trước đó, Tổng thống Nigeria cũng ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và cam kết chi 11 triệu USD trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh Ebola.
Cho đến nay chưa có loại thuốc chính thức nào chữa được Ebola, tuy nhiên trước tình hình cấp bách, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cho phép bệnh nhân nhiễm Ebola được sử dụng các loại thuốc chưa qua kiểm nghiệm trên người để điều trị bệnh. Hiện lô hàng đầu tiên của loại thuốc thử nghiệm ZMapp đã được vận chuyển từ Mỹ tới Liberia để điều trị cho 2 bác sĩ tại quốc gia này. Trước đó, loại thuốc ZMapp này từng cứu mạng 2 bác sĩ người Mỹ nhiễm Ebola.
Mặc dù hiện vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh việc sử dụng những loại thuốc chưa qua thử nghiệm trên người để điều trị virus Ebola, nhưng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định hành động này là không vi phạm đạo đức trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát mạnh mẽ, và đe dọa tới tính mạng của nhiều người khác.