Sản phụ sinh 2 con cách nhau 1 tháng: Chuyên gia nói gì?

Sau 9 tháng mang thai, ngày 4/5, chị Lù Thị Biên, 27 tuổi, dân tộc La Chí, thôn Bản Pắng, xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang đã sinh một bé trai nặng 2,3kg. 29 ngày sau, chị lại tiếp tục sinh thêm một bé gái. Câu chuyện này khiến các bác sĩ, chuyên gia sản khoa ngạc nhiên.

Không biết mình đa thai

Theo lời kể của chị Biên, tính đến thời điểm này, vợ chồng chị có 4 cháu. Ngay sau khi sinh con thứ 2, chị Biên đã đi đặt vòng tránh thai. Nhưng thói quen đi làm nương, băng rừng, trèo đèo khiến vòng bị tuột lúc nào không hay. Đến khi phát hiện ra bụng mình càng ngày càng to, chị Biên mới biết mình “vỡ kế hoạch”. Tuy nhiên, cũng giống như 2 cháu đầu, trong quá trình mang thai đến gần ngày sinh, chị Biên không đến trạm y tế xã khám, siêu âm, tiêm phòng uốn ván hay uống viên sắt như những thai phụ khác. Thậm chí, đến ngày 4/5, chị cũng không lên trạm xá sinh con, mà nhờ chị dâu đỡ đẻ tại nhà. Bé Thèn Văn Chuyến chào đời cân nặng 2,3kg.

Sản phụ sinh 2 con cách nhau 1 tháng: Chuyên gia nói gì? - 1

Hai em bé song sinh đặc biệt: Bé sau cách bé trước 29 ngày. Ảnh: T.L

Sinh con xong được 13 ngày, chị Biên vẫn thấy bụng mình to bất thường. Cộng thêm việc bé Chuyến bị vàng da sơ sinh, vợ chồng chị quyết định bồng bế nhau lên Bệnh viện Đa khoa khu vực Hoàng Su Phì khám.

Chia sẻ với PV Báo GĐ&XH, BS Nguyễn Thị Hạnh - Giám đốc Bệnh viện - cho biết: Chị Biên đưa con đến khám đầu ở khoa Nhi, sau khi khám cho cháu, thấy bà mẹ có dấu hiệu bụng vẫn cứng và to nên được chuyển sang khoa Sản.

“Các bác sĩ thăm khám trực tiếp cho chị Biên, thấy sản phụ không có sản dịch như thông thường ở người mới sinh, cổ tử cung hé mở. Siêu âm cho thấy, trong tử cung chị Biên còn có một thai nhi nữa. Sau khi xác định qua hệ thống nhân viên y tế thôn, xã, xác định chị Biên vừa sinh bé Chuyến được 13 ngày tại nhà, các bác sĩ đã đề nghị chị Biên ở lại viện theo dõi, chờ sinh cháu tiếp theo”, BS Nguyễn Thị Hạnh nói.

Cũng theo BS Nguyễn Thị Hạnh, chị Biên sau khi nằm viện được mấy ngày nhưng không thấy dấu hiệu chuyển dạ nên hai vợ chồng lại trốn viện về nhà. Đến ngày 3/6, tức là 29 ngày sau khi sinh bé Chuyến, chị Biên lên cơn đau đẻ. Chị tiếp tục nhờ chị dâu đỡ đẻ và sinh hạ bé gái đặt tên là Thèn Thị Mây, nặng 2,5kg.

Trường hợp hi hữu

Giám đốc Trung tâm DS – KHHGĐ huyện Hoàng Su Phì, bà Hà Thị Thúy, khi trao đổi với PV Báo GĐ&XH đã khẳng định câu chuyện chị Biên, anh Đông sinh hai đứa con cách nhau 1 tháng là chuyện rất kỳ lạ nhưng chính xác.

Bà Thúy nói, xã Bản Máy nơi chị Biên sinh sống là xã vùng giáp biên giới đặc biệt khó khăn. Bản thân gia đình chị Biên cũng là hộ nghèo. Theo báo cáo của các cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số, chị Biên đã có 2 người con, có đặt vòng tránh thai sau khi sinh con thứ 2. “Chuyện “vỡ kế hoạch” do tuột vòng tránh thai đối với bà con vùng núi cao không hề xa lạ. Một phần do nhận thức của bà con trong việc thăm khám, chăm sóc SKSS còn hạn chế. Một phần nữa do đặc điểm địa hình đồi núi, chị em phải lên dốc xuống đèo, làm việc nặng liên tục nên nhiều trường hợp tuột vòng lúc nào không hay”, bà Hà Thị Thúy nói.

“Trên thực tế, công tác truyền thông, cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ, vận động người dân tới cơ sở y tế khám, sinh con tại trạm là rất khó khăn. Bản thân nhà chị Biên cách Trạm Y tế xã Bản Máy 6-7km thôi nhưng đi lại rất khó. Ngoài ra, phong tục người Mông, người La Chí tại đây không muốn người khác (trừ chồng) nhìn thấy “chỗ kín” của phụ nữ, kể cả nhân viên y tế, đặc biệt là nam bác sĩ. Đó cũng là lý do vì sao tỷ lệ bà con dân tộc sinh tại nhà, người nhà đỡ đẻ hiện rất cao”, bà Thúy chia sẻ thêm.

Theo BS Nguyễn Thị Hạnh, trường hợp song thai của sản phụ Biên là khác bọc ối, bánh rau riêng nên dù một thai nhi được sinh ra trước 13 ngày rồi, thai nhi còn lại trong bụng vẫn phát triển bình thường. BS Nguyễn Thị Hạnh cho biết, chị chưa bao giờ nghe đến hoặc chứng kiến một ca nào kỳ lạ như vậy.

Còn theo PGS.TS Vũ Bá Quyết - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương - ông đã từng nghe thế giới có chuyện song sinh không sinh cùng ngày, nhưng ở Việt Nam thì hơn 30 năm làm bác sĩ phụ sản, ông chưa từng thấy trường hợp nào như vậy.

Trao đổi cùng PV Báo GĐ&XH, Thầy thuốc Ưu tú, BSCKII Trần Ngọc Hà - Phó trưởng khoa Phụ Sản, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng - cho biết: Đây là trường hợp hi hữu, y văn Việt Nam chưa bao giờ ghi nhận một ca sinh nào kỳ lạ, hiếm gặp và khó giải thích như vậy.

Theo BSCKII Trần Ngọc Hà, bình thường, trong một ca sinh đôi, hai cháu chỉ cách nhau khoảng 10 phút, chậm hơn thì vài tiếng, có trường hợp cách nhau 1 ngày. Đây có thể là trường hợp người phụ nữ bị rối loạn kỳ rụng trứng, rụng trứng bất thường. Bình thường người phụ nữ chỉ rụng 1 trứng/1 chu kỳ, nhưng có người lại rụng 2,3 trứng thì đó là bất thường. Tuy nhiên, khi trứng và tinh trùng đã làm tổ ở trong tử cung, cổ tử cung sẽ sinh ra một nút nhầy, ngăn chặn các “dị vật” khác xâm nhập. Nếu có thêm một “tinh binh” nào “lẻn vào” để tiếp tục cùng một trứng khác thụ tinh (như hiện tượng bội thụ tinh khác kỳ) là rất khó.

BSCKII Trần Ngọc Hà cho rằng, phải xác định sản phụ Biên có gặp bất kỳ dị dạng tử cung, cổ tử cung nào hay không như tử cung đôi, 2 vòi trứng. Bởi trên thực tế, có những thai phụ có tử cung đôi (dù rất hiếm gặp), 2 vòi trứng, nên dù mang song thai, từng thai lại nằm trong một tử cung khác nhau. Trả lời câu hỏi này, BS Nguyễn Thị Hạnh cho biết: Các bác sĩ thăm khám trực tiếp cho sản phụ Biên xác định sản phụ này hoàn toàn bình thường, không gặp bất kỳ một dị dạng đường sinh dục nào.

Các chuyên gia sản khoa đề nghị cần đưa trường hợp sản phụ Lù Thị Biên vào y văn Việt Nam để nghiên cứu, tìm hiểu kỹ hơn. Được biết, đến nay, hai cháu Chuyến (đã được hơn 2 tháng tuổi), cháu Mây (được hơn 1 tháng tuổi) vẫn phát triển bình thường, khỏe mạnh. Bản thân chị Biên cũng đủ sữa nuôi hai cháu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh An (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN