Sai phạm tại lễ hội: Phạt khó lắm!

Theo Phó Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL, Thanh tra Bộ nếu đi kiểm tra phải gửi công văn xuống trước cho địa phương.

Mà việc báo trước cũng giống như việc nhà có khách, hễ khách báo đến chơi thì đương nhiên chủ nhà phải quét dọn nhà cửa cho sạch sẽ!

Số tiền phạt thu được mà đoàn thanh tra lễ hội đưa ra sau 36 đợt thanh tra 46 lễ hội tại 17 tỉnh, thành cả nước trong mùa lễ hội vừa qua là 2 triệu đồng khiến không ít người ngạc nhiên. Trả lời PV về con số trên, ông Phạm Xuân Phúc - Phó Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL cho biết số tiền đó không phải Thanh tra Bộ phạt mà do ban tổ chức lễ hội chùa Hương phạt.

Không chắc phạt về lỗi gì


- Phóng viên:
Đây là việc xử phạt cho hành vi gì, thưa ông?

Ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL: Chắc là họ phạt về hành vi bày bán hàng hóa, dịch vụ, xả rác… không đúng quy định trong lễ hội.

- Vậy các cuộc thanh tra của Bộ không phát hiện ra sai phạm, thưa ông?

Phạt lễ hội khó lắm. Năm trước trong công tác lễ hội cũng phạt được hơn 20 triệu đồng nhưng đó là do địa phương phạt còn chúng tôi không xử phạt được. Vì muốn phạt thì phải bắt được quả tang, lập được văn bản vi phạm hành chính… Nhưng các lễ hội chúng tôi đi thanh kiểm tra đều không thấy vi phạm gì cả.

- Trên báo chí, hình ảnh về các sai phạm về lễ hội vẫn được phản ánh. Phải chăng có sự khác biệt ở đây?

Cái khó chính là nằm ở đấy. Nhiều vấn đề sai phạm báo chí đăng lên, sau khoảng ba ngày gì đấy, chúng tôi xuống thì không có gì để làm nữa, vấn đề là phải bắt được quả tang. Nên nhà báo hay ai phát hiện ra sai phạm hãy gọi cho chúng tôi hoặc gọi cho ban tổ chức lễ hội, Thanh tra của Sở VH-TT&VH ở địa phương đó để xử lý.

Thanh tra để… chấn chỉnh

- Giả sử tôi là người phát hiện ra sai phạm nhưng khi gọi được cho người có trách nhiệm để xử lý thì mọi việc lại quá muộn?

Chính vì thế mà tôi nói rồi, phạt lễ hội rất khó. Chúng tôi đi thanh tra mà phát hiện sai phạm là chúng tôi phạt thẳng thừng ngay nên bây giờ hoạt động thanh tra chỉ nhắc nhở, chỉnh đốn là chính, làm sao cho giảm bớt tiêu cực, nhức nhối, tồn tại là được rồi.

Sai phạm tại lễ hội: Phạt khó lắm! - 1

Số lượng người dồn về trong một thời gian ngắn khiến công tác quản lý rất khó khăn. (Ảnh chụp tại đền Trần, Nam Định). Ảnh: Viết Thịnh

- Người dân đi thì thấy sai phạm nhưng thanh tra đi thì không, có lý do gì đặc biệt không, thưa ông?

Thanh tra Bộ đi kiểm tra phải có kế hoạch xuống cho địa phương rồi gửi công văn xuống cho địa phương. Nếu không gửi công văn xuống cho địa phương thì người ta không bố trí lực lượng, không bố trí được người có trách nhiệm làm việc với mình nên rất khó bắt quả tang.

- Thanh tra có báo trước, như vậy không còn yếu tố bất ngờ nữa?

Việc báo trước giống như việc nhà có khách. Tôi bảo mai tôi xuống chơi nhà anh, anh là chủ nhà thì đương nhiên anh sẽ bảo vợ con quét dọn nhà cửa cho sạch sẽ để đón bạn. Cho nên công tác thanh tra lễ hội rất khó. Kiểm tra đột xuất chúng tôi cũng làm nhiều nhưng người vi phạm rất tinh, nên những hành vi mà chúng tôi có thể phạt như rút thẻ, xem bói, đốt đồ mã… khi chúng tôi đến thì hầu như không gặp được. Mà có gặp cũng không có chế tài để xử lý. Như vàng mã chẳng hạn, Chính phủ không cấm sản xuất đồ mã, không cấm vận chuyển đồ mã, không cấm đưa đồ mã vào nơi thờ tự, chúng tôi vào thấy người ta cúng đó nhưng họ không đốt thì không phạt được.

- Như vậy theo ông, công tác thanh tra hiện nay có tác dụng gì?

Như tôi đã nói, thanh tra chủ yếu là kiểm tra nhắc nhở thôi. Điều này cũng có tác động tích cực, sau nhiều năm Bộ tập trung chấn chỉnh những hành vi tiêu cực, tồn tại đã có chiều hướng giảm.

- Xin cảm ơn ông.

Hàng chục đoàn thanh tra mà xử phạt được có 2 triệu đồng kể cũng buồn cười nhưng tôi không trách họ, bởi cũng là một thực trạng chung. Thanh tra kiểu như thế làm sao tìm được vi phạm! Lễ hội thì có nơi có dấu hiệu hỏng rồi, không cứu chữa được. Mà chữa thì thành kiểu đối phó, thụ động. Con số đó cũng phơi bày một phần thực tế hiện nay của công tác thanh kiểm tra, nếu không thay đổi cách làm thì kết quả cũng không có gì mới.

GS NGÔ ĐỨC THỊNH, Ủy viên  Hội đồng Di sản Quốc gia

Tôi không rõ số tiền 2 triệu đồng tiền phạt mà Bộ VH-TT&DL đề cập đến là phạt ở lỗi gì, tuy nhiên trong lễ hội vừa qua ban tổ chức lễ hội chùa Hương đã phạt hơn 10 triệu đồng, chủ yếu là các lỗi về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông NGUYỄN CHÍ THANH, Trưởng ban Quản lý di tích chùa Hương

Ở lễ hội không phải cái gì chúng tôi cũng phạt được, như cờ bạc phải công an phạt, vệ sinh thực phẩm là thanh tra y tế phạt.

Ông PHẠM XUÂN PHÚC, Phó Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Viết Thịnh (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN