QZ8501 “vọt lên như chiến đấu cơ, lao thẳng đứng xuống biển“

Các chuyên gia hàng không tin rằng QZ8501 đã gặp phải một hình thái thời tiết vô cùng cực đoan khiến nó vọt lên với tốc độ không tưởng và sau đó lao thẳng xuống phía dưới.

Ngày 2/1, nhiều chuyên gia hàng không đã đi đến nhất trí nhận định rằng chiếc máy bay xấu số QZ8501 của hãng hàng không AirAsia đã vọt lên cao như một chiến đấu cơ và sau đó rơi gần như thẳng đứng xuống biển như thể bị một bàn tay khổng lồ vô hình vít xuống.

Dựa trên những dữ liệu có được, các chuyên gia kế luận rằng chiếc Airbus A320 này đã gặp phải một hình thái thời tiết tồi tệ đến mức phi công không thể làm được gì để có thể cứu chiếc máy bay và 162 người trên đó.

Sau khi xem xét những dữ liệu rò rỉ từ nhóm điều tra vụ tai nạn, chuyên gia phân tích hàng không Indonesia Gerry Soejatman nói rằng chiếc máy bay này đã có những chuyển động “gần như phi logic”.

QZ8501 “vọt lên như chiến đấu cơ, lao thẳng đứng xuống biển“ - 1

Hình thái thời tiết cực đoan đã khiến QZ8501 có những chuyển động gần như "phi logic"

Ông Soejatman nói rằng chiếc QZ8501 đã vọt lên cao với một vận tốc mà phi công lái máy bay dân dụng không thể tưởng tượng được, rồi sau đó lao “như một khối kim loại bị ném thẳng từ trên trời xuống biển”.

Trong khi đó, chuyên gia hàng không người Úc Peter Marosszeky thuộc Đại học NSW cho rằng khi vọt lên độ cao vượt ngưỡng, chiếc máy bay này đã mất tốc độ và di chuyển với vận tốc cực kỳ thấp, chỉ khoảng 61 knot (113 km/h) khiến nó chúc mũi và lao thẳng xuống. Điều này lý giải tại sao xác chiếc máy bay chỉ nằm cách nơi nó mất tín hiệu chưa đầy 10 km.

Cả hai chuyên gia trên đều nhất trí rằng máy bay đã rơi gần như thẳng đứng, và thủ phạm là một hình thái thời tiết kỳ dị gây ra những lực tác động khủng khiếp lên thân chiếc máy bay.

Theo ông Soejatman, hình thái thời tiết kỳ dị này nhiều khả năng là một luồng không khí cực mạnh đi lên, tiếp theo ngay sau nó là một luồng không khí đi xuống cũng mạnh không kém.

QZ8501 “vọt lên như chiến đấu cơ, lao thẳng đứng xuống biển“ - 2

Tàu chiến Indonesia tham gia tìm kiếm chiếc máy bay

Ban đầu, luồng không khí đi lên “nhấc” chiếc máy bay vọt lên cao với vận tốc kinh hoàng lên đến 2,7 km/phút, tới độ cao mà “thao tác của phi công chiếc A320 không thể làm nổi”. Vận tốc vọt lên này càng lúc càng tăng, đạt đỉnh điểm tới 7,3 km/phút, còn cao hơn cả vận tốc của chiếc AF447 bị rơi xuống Đại Tây Dương năm 2009 khiến 228 người thiệt mạng.

Chuyên gia Marosszeky đồng ý rằng vận tốc vọt lên cao như vậy chứng tỏ máy bay đã gặp một “hình thái thời tiết nghiêm trọng”, bởi vận tốc này thường chỉ có thể đạt được bởi các chiến đấu cơ chứ không phải là máy bay dân sự.

Theo tờ Mirror của Anh, khi chiếc máy bay lao xuống biển trong điều kiện giông bão của ngày hôm đó, nó gần như bị những con sóng lớn nuốt chửng ngay lập tức, khiến tất cả những người trên máy bay không có cơ hội sống sót.

QZ8501 “vọt lên như chiến đấu cơ, lao thẳng đứng xuống biển“ - 3

Thi thể nạn nhân đầu tiên được nhận dạng và chôn cất

Thông tin trên được các chuyên gia đưa ra trong bối cảnh nạn nhân đầu tiên thiệt mạng trong thảm kịch hàng không này đã được nhận dạng và trao trả về cho gia đình để làm các thủ tục chôn cất, trong khi lực lượng cứu hộ đã tìm thêm được 2 thi thể nữa, nâng tổng số người được vớt lên cho đến nay là 9.

Thi thể của cô gái Hayati Lutfiah Hamid đã được các nhân viên y tế nhận dạng nhờ vào các vết sẹo phẫu thuật, chiếc vòng cổ, dấu vân tay và cả biển tên vẫn còn gắn trên đồng phục của cô. Sau khi được trao trả về cho gia đình, cô đã được yên nghỉ tại quê nhà.

Cho đến nay, lực lượng cứu hộ Indonesia vẫn chưa thể tiếp cận được với xác chiếc máy bay gặp nạn. Những nỗ lực của đội thợ lặn nhằm vớt hộp đen chứa những dữ liệu cực kỳ quan trọng để xác định nguyên nhân khiến máy bay gặp nạn vẫn chưa thành công vì biển động dữ dội. Đội cứu hộ cảnh báo rằng họ có thể phải mất một tuần mới mang được hộp đen máy bay lên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng ([Tên nguồn])
Máy bay AirAsia của Malaysia gặp nạn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN