Quy trình tử hình bằng tiêm thuốc độc sẽ thực hiện như thế nào?

Khi thực hiện việc tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc đối với tử tù, cán bộ thi hành án thực hiện theo 3 bước, tiêm 3 loại thuốc khác nhau.

Quy trình tử hình bằng tiêm thuốc độc sẽ thực hiện như thế nào? - 1

Tử tù sẽ bị tiêm 3 loại thuốc (Ảnh minh họa).

Quy trình thi hành án bằng hình thức tiêm thuốc độc đối với tử tù

Ngày mai (17.11), cơ quan chức năng sẽ thi hành án tử hình với Nguyễn Hải Dương, kẻ chủ mưu vụ giết 6 người trong một gia đình ở Bình Phước gây chấn động dư luận cách đây 2 năm.

Ông Nguyễn Hữu Trí, Chánh án TAND tỉnh Bình Phước cho biết, ngày 17.11, tử tù Nguyễn Hải Dương sẽ bị tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc.

Liên quan tới việc tử hình Nguyễn Hải Dương, nhiều người thắc mắc, quy trình tử hình bằng tiêm thuốc độc sẽ được thực hiện như thế nào?

Trả lời câu hỏi trên, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty luật Minh Bạch) cho biết: Theo các văn bản pháp luật hiện hành, quy trình tử hình đối với tử tù sẽ được quy định tại Luật thi hành án Hình sự và Nghị định quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc (Nghị định 82/2011).

Cụ thể, Luật thi hành án Hình sự quy định, trước khi thi hành án, Hội đồng thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc phải kiểm tra hồ sơ lý lịch của người chấp hành án tử hình.

Trước khi bị đưa ra thi hành án tử hình, các tử tù sẽ được ăn, uống, viết thư, ghi âm lời nói gửi lại thân nhân.

Về trình tự thi hành án, theo quy định, tử tù sẽ được cảnh sát áp giải đến nơi làm việc của Hội đồng thi hành án tử hình. Sau đó, cán bộ chuyên môn thuộc Công an nhân dân hoặc Quân đội nhân dân lăn tay, kiểm tra danh bản, chỉ bản, đối chiếu với hồ sơ, tài liệu có liên quan... báo cáo Hội đồng thi hành án tử hình về kết quả kiểm tra.

“Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình sẽ công bố quyết định thi hành án với tử tù. Cảnh sát hỗ trợ tư pháp hoặc Cảnh vệ tư pháp có nhiệm vụ giao các quyết định trên cho người chấp hành án để người đó tự đọc. Quá trình công bố và đọc các quyết định phải được chụp ảnh, ghi hình, ghi âm và lưu vào hồ sơ”, luật sư Tuấn Anh cho biết.

Sau khi hoàn tất các thủ tục trên, Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình sẽ ra lệnh thi hành án tử hình. Sau khi thi hành án, bác sỹ pháp y xác định tình trạng của người đã bị thi hành án tử hình và báo cáo kết quả cho Hội đồng.

Tử tù bị tiêm 3 loại thuốc

Luật sư Trần Tuấn Anh cho biết, việc tử hình tử tù bằng tiêm thuốc độc được Chính phủ quy định cụ thể tại Nghị định 82/2011.

Theo đó, thuốc tiêm để sử dụng cho thi hành án tử hình gồm 3 loại là thuốc dùng để gây mê (Sodium thiopental), thuốc dùng để làm liệt hệ thần kinh và cơ bắp (Pancuronium bromide) và thuốc dùng để ngừng hoạt động của tim (Potassium chloride).

“Trước khi tiêm thuốc, tử tù sẽ được cán bộ thi hành án cố định vào giường với tư thế nằm ngửa, bảo đảm không làm cản trở sự lưu thông máu. Sau đó, cán bộ trực tiếp thi hành án tử hình sẽ xác định tĩnh mạch để thực hiện tiêm.

Tiếp theo cán bộ thi hành án sẽ đưa kim tiêm đã nối sẵn với ống truyền thuốc vào tĩnh mạch đã được xác định theo trình tự theo 3 bước.

Bước 1, sẽ tiêm 05 grams Sodium thiopental. Sau mũi tiêm gây mê này, cán bộ chuyên môn thực hiện thi hành án tử hình phải kiểm tra, nếu chưa bị mê thì tiếp tục thực hiện tiêm gây mê cho đến khi mê.

Bước 2, sẽ tiêm 100 miligrams Pancuronium bromide. Bước 3, cán bộ thi hành án tiêm 100 grams Potassium chloride.

Sau khi bác sĩ pháp y kết luận người bị thi hành án tử hình đã chết, theo lệnh của Chủ tịch Hội đồng thi hành án, cán bộ thi hành án tử hình ngừng truyền và đưa kim tiêm, đường ống dẫn ra khỏi người bị thi hành án tử hình”, luật sư Tuấn Anh cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Lực ([Tên nguồn])
Thảm sát 6 người chết ở Bình Phước Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN