Phút sinh tử dưới mái nhà thờ đổ sập

“Trong phút chốc, những tiếng va đập khủng khiếp, rồi tôi ngất lịm. Tỉnh lại, thấy khắp người đau đớn. Xung quanh là những tiếng kêu cứu, gào khóc...”

Một ngày sau vụ sập mái nhà thờ Ngọc Lâm (xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên), vùng quê vốn yên bình phủ đầy tang tóc. Nơi đây có đến hơn 90% người dân theo đạo, bởi thế, công trình nhà thờ là tâm nguyện, mong ước bấy lâu của người dân. Ngày thi công đổ mái nhà thờ, cả làng kéo nhau đến công trường, mỗi người mỗi việc, đầy phấn khởi.

Theo người dân xóm Ngọc Lâm, phần trụ móng và tường được xây dựng rất kiên cố. Phần móng này được đóng hàng trăm cột trụ bê tông sâu 3m để lèn đất. Tuy nhiên, khâu đóng dàn giáo để đổ mái không lường hết được trường hợp xấu xảy ra, vì thế cột chống sử dụng không đảm bảo yêu cầu. Khi đổ vữa, cột chống không chịu nổi trọng lượng của mái nên đã bị gãy, dẫn đến sập mái.

Phút sinh tử dưới mái nhà thờ đổ sập - 1

Hiện trường vụ sập

Hiện tại, đã xác định được danh tính 3 nạn nhân tử vong là Phạm Văn Lộc (36 tuổi), Bùi Văn Kế (48 tuổi) và Đặng Văn Biên (33 tuổi). Đây là những người con thương mến của xóm Ngọc Lâm, xã Linh Sơn. Lúc vụ sập diễn ra, cả ba đều ở phía trên mái nhà, bị chấn thương chủ yếu do va đập với khối bê tông.

Vừa thoát được lưỡi hái tử thần, anh Nguyễn Văn Quân (38 tuổi) khó khăn lắm mới nhớ lại phút giây kinh hoàng. Theo trí nhớ của anh Quân, lúc xảy ra sự cố, anh đang làm trên đỉnh mái nhà thờ. Bất ngờ anh thấy toàn bộ phần mái dưới chân sập xuống. Trong phút chốc, tôi nghe thấy những tiếng va đập khủng khiếp, khắp người đau đớn, ngất lịm. Lúc hồi tỉnh đã thấy mình ngã văng ra bên ngoài công trình. Cùng lúc đó, mọi người cả trên lẫn dưới vòm mái bị xô ngã lẫn lộn giữa bê tông, cốt pha trong tiếng kêu cứu, gào khóc đau đớn.

Phút sinh tử dưới mái nhà thờ đổ sập - 2

Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên còn 47 nạn nhân đang nằm điều trị

Tại Bệnh viện đa khoa Thái Nguyên, anh Phạm Văn Khoang vẫn đang phải nằm điều trị tại khoa hồ sức sau cấp cứu. Theo các bác sĩ, anh Khoang bị chấn thương xương khớp, tai trái chảy nhiều máu do bị thép đổ dầm mái sượt qua. Nhưng với mẹ anh Khoang, bà Nguyễn Thị Tín (54 tuổi), nỗi đau ấy chưa là gì so với ba gia đình trong xóm có người chết đang vật vã đau đớn. “Trong xóm, mấy nhà có người chết, nỗi đau chung ấy khiến chúng tôi không thể cầm lòng”, bà Tín rớm nước mắt nói.

Tại bệnh viện này, còn 47 nạn nhân đang nằm điều trị, trong đó, có những nạn nhân trong tình trạng nguy kịch. Có người bị chấn thương cột sống, vỡ gan, tràn khí màng phổi…

Thương tâm cho hoàn cảnh của anh Vũ Quang Thanh (34 tuổi), vẫn nằm bất tỉnh, khuôn mặt có rất nhiều vết xước, tay phải bị gãy phải bó bột. Đặc biệt, vùng sọ bị chấn thương nghiêm trọng, phải khâu hơn 20 mũi ở hai bên thái dương và sau gáy. Chị Nguyễn Thị Thanh, vợ anh nhìn chồng mà nước mắt giàn giụa, không nói lên lời.

Phút sinh tử dưới mái nhà thờ đổ sập - 3

Anh Thanh đang nằm điều trị tại bệnh viện

Bác sĩ Nguyễn Huy Sơn, Phó Giám Đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Nguyên cho biết, hơn 40 bệnh nhân trong vụ sập đang được các bác sĩ theo dõi tích cực diễn biến sức khỏe. Bệnh viện đã huy động khoảng 200 y, bác sĩ cùng hàng trăm sinh viên thực tập làm công tác sơ, cấp cứu và hỗ trợ bệnh nhân. Toàn bộ Ban Giám đốc bệnh viện đã trực tiếp xuống chỉ đạo công tác cấp cứu.

Theo tin từ UBND tỉnh Thái Nguyên, trước mắt tỉnh hỗ trợ 7 triệu đồng/trường hợp tử vong, các nạn nhân bị thương đang được điều trị được hỗ trợ 2 triệu đồng/ trường hợp. Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã ra văn bản gửi các ban ngành liên quan về việc triển khai thực hiện các biện pháp cứu nạn và khắc phục sau sự cố. Trong đó, yêu cầu các sở, ngành và UBND huyện Đồng Hỷ huy động nhân dân phối hợp với lực lượng quân đội, công an tham gia cứu nạn, tập trung cứu người và tài sản bị thiệt hại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN