Phiên chợ độc nhất vô nhị giữa lòng Hà thành
Đã hàng trăm năm nay, cứ gần Tết âm lịch, trong lòng phố cổ Hà Nội lại có một phiên chợ đặc biệt chỉ duy nhất mở một lần trong năm. Không gian này dành riêng cho những người đam mê đồ sưu tầm đồ cổ.
Nằm ở ngã năm Hàng Mã, Hàng Cân, Hàng Lược, Hàng Đồng (Hà Nội), chợ mở cửa từ 20 tháng Chạp đến cuối năm, những con phố cổ còn lưu lại những nét cổ kính của Hà Nội ngàn năm văn hiến lại trở nên nhộn nhịp, đông đúc đến lạ thường. Phiên chợ đồ cổ đặc biệt là điểm hẹn của những người đam mê chơi, sưu tầm đồ cổ
Ông Trần Hải (quê Hưng Yên) - một tay chơi đồ cổ có tiếng đã gắn bó với phiên chợ này hơn 20 năm nay bày tỏ: "Năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp cận Tết từ 20 - 30 tháng Chạp hàng năm, tôi lại mang những món hàng đồ cổ của mình tới đây trưng bày, bán, mua... để thỏa niềm đam mê của mình, nhiều khi giá cả, lời lãi không quan trọng, quan trọng là được mở rộng giao lưu, sưu tầm đồ cổ với nhau".
Vì phiên chợ mở mỗi năm một lần nên thu hút được một lượng lớn khách. Có người đến cho vui, có người đến tìm mua món đồ mà bấy lâu nay cất công tìm kiếm. Điều đặc biệt tại phiên chợ này có rất nhiều người trẻ bày bán đồ cổ, họ muốn lưu giữ, tìm kiếm những tinh hoa văn hóa dân tộc qua mỗi món đồ cổ.
Chùm ảnh phiên chợ đồ cổ đặc biệt:
Đến đây người ta có thể tìm thấy cả một không gian văn hóa Hà Nội, với những món đồ cũ, đồ cổ hàng trăm năm tuổi
Những món đồ ở chợ đa dạng từ các loại đồ thờ, tượng phật bằng đồng, đỉnh đồng… đến các vật dụng hàng ngày có tuổi đời cao như ấm trà, đèn cổ, lư hương, tranh, đồng hồ… Tuy nhiên giá trị của chúng thế nào chỉ những người trong nghề mới biết được.
Chính vì vậy nhiều người đến mua không quan niệm đồ cổ thật hay giả, họ chỉ cần đến mua để lấy may.
Những người yêu thích đồ cổ tìm đến với nhau, mua bán, trao đổi. Bà Lan (bên phải), nhà ở Hàng Ngang (Hà Nội) mang đến bán cho chủ hàng những món đồ bằng sứ của gia đình.
Bà Lan cho hay: "Vì không biết món đồ của mình giá trị đến đâu chỉ biết nó nằm ở trong nhà đã lâu năm nên tôi mang ra bán xem được bao nhiêu tiền".
Cuộc mua bán tuy không thành công vì người mua trả rẻ, tuy nhiên cả người mua và người bán đều vui vẻ.
Ông Trần Hải (quê Hải Dương), một tay chơi đồ cổ có tiếng cho biết: "Đã hơn 20 năm nay, cứ dịp Tết cận kề, tôi lại mang những món đồ của mình đến đây bán, trưng bày...bán được giá hay không được giá không quan trọng với tôi vì đồ này vô giá lắm, nếu ai thích thì bán được giá cao còn không thì ngược lại".
Nhiều người đến đây để tìm lại không khí Hà Nội xưa, tìm cho mình món đồ ưng ý hay chỉ đơn giản là đi, nhìn, ngắm. Trong ảnh là một bức tranh cổ Huế được bày bán tại ngã năm phố cổ.
Đèn thờ thổ công thổ địa có giá khoảng 2 triệu đồng
Những chiếc lư hương nhỏ nhưng họa tiết tinh xảo
Tượng được đúc bằng đồng
Rất nhiều món đồ phong phú, đẹp mắt
Đôi bồ câu quấn quýt với nhau
Nhiều người trẻ cũng có thú sưu tầm đồ cổ, họ mang những món đồ của mình ra trưng bày, bán cốt là để gặp mặt, giao lưu với những người yêu thích đồ cổ.
Tìm cho mình một món đồ cổ yêu thích là thú vui mỗi dịp Tết đến xuân về.
Các mặt hàng bày bán ở đây tuy không hoàn toàn là đồ cổ nhưng điều đó không quan trọng lắm với những chủ kinh doanh, chơi đồ cổ.
Những chiếc bát, đĩa đời Lý, Trần, Lê...được bày bán ngay dưới lòng đường.
Theo nhiều người bán hàng hay đi mua hàng, phiên chợ này còn mang nhiều ý nghĩa tâm linh, việc trao đổi, mua, mua bán những món đồ cổ vào dịp cuối năm đầu năm mới để cầu mong sự may mắn.