Phạt lái xe say rượu: Trăm kiểu cãi chày
Khi đã uống “thả phanh”, bị CSGT thổi phạt, rất nhiều trường hợp vi phạm thường có biểu hiện bất hợp tác, lăng mạ; thậm chí chống đối người thực thi công vụ… đó là thực trạng khá phổ biến mà PV Báo GTVT ghi nhận trong những lần theo chân lực lượng CSGT Tp. Hồ Chí Minh đi kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn.
Đêm 18/5 vừa qua, vào dịp cuối tuần nên Đội CSGT An Lạc thuộc Phòng CSGT ĐB-ĐS phối hợp với CSCĐ Công an Tp. Hồ Chí Minh tăng cường lực lượng chia làm 2 tổ xử lý vi phạm nồng độ cồn tại vòng xoay An Lạc và ngã tư Gò Mây. Chỉ trong 1 giờ (từ 21 giờ 30 – 22 giờ 30), các tổ đã phát hiện gần 30 trường hợp lạm dụng bia, rượu quá nồng độ quy định.
Từ ra sức cãi...
Tại ngã tư Gò Mây, đa số trường hợp bị phát hiện có biểu hiện say xỉn, khi bị lực lượng CSGT yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn đã không chịu thổi vào máy đo hoặc thổi rất nhẹ, khiến các chiến sỹ CSGT phải kiên trì nhắc nhở và hướng dẫn cả chục lần mới thực hiện đúng cách. Ngang ngược hơn, “ma men” Lê Văn Sinh (SN 1970, thường trú phường 20, quận Tân Phú) không chịu ký biên bản mà còn lớn tiếng chỉ trích CSGT “làm khó dân”! Viện cớ đi đám phải uống rượu, bia, ông Sinh liên tục buông ra những lời lẽ tục tĩu chửi bới những người thực thi công vụ. “Cãi chày cãi cối” chán chê, thấy không có kết quả, ông này quay sang sinh sự, cầm cờ lê dọa dẫm một tài xế xe ôm. Mãi đến khi Trung tá Lại Văn Ba – Đội Trưởng Đội CSGT An Lạc điện gọi công an địa phương ra hỗ trợ, ông Sinh mới đành bỏ đi chỗ khác.
Trong khi tổ xử lý đang giải quyết trường hợp của ông Sinh thì “ma men” Trần Hữu Chính (SN 1972, quê Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu) cứ khăng khăng một mực rằng mình chỉ uống có vài ly, làm sao mà say được. “Các anh thổi phạt nhầm người rồi, tôi không say, tôi không có lỗi!” – ông Chính méo tiếng phản đối. Phải mất khoảng 15 phút các chiến sỹ CSGT vận động ông Chính chứng minh mình không say bằng cách thử nồng độ cồn, ông này mới chịu thổi vào máy đo, kết quả: nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở!
... đến phân bua
Vào một đêm “cao điểm” cách đây vài tháng, khi Phòng CSGT phối hợp với CSCĐ và PC 45 kiểm tra hành chính tại khu vực trung tâm thành phố thì gặp phải một "ma men". Người vi phạm là Trần Văn Hải (SN 1979, quê Thừa Thiên Huế, tạm trú phường Tân Thuận Tây, quận 7). Đúng là “nói với người say như vay không trả” nên mặc dù Trung tá Hà – Đội phó Đội CSGT Dẫn đoàn và Tổ công tác mất tới gần 2 giờ để giải thích “có tình, có lý” nhưng “ma men” này vẫn không chịu hiểu. Đến khi CSGT lập biên bản tạm giữ xe máy thì Hải giật tung cúc áo, văng tục, chửi thề thách đố nếu ai giám dắt xe của y đi, y sẽ “sống chết” đến cùng. “Các ông phạt thì tôi nộp tiền luôn, chứ không được quyền giữ xe của tôi” và dọa sẽ “xử” ai đụng vào xe của y. Ngay cả khi Công an quận 1 đến hỗ trợ đưa đối tượng về phường tạm giữ cho qua cơn say, tên này vẫn lớn tiếng thách thức và nằm ì trên xe máy. Phải đợi tới gần 3 giờ sáng, khi đối tượng có vẻ mỏi mệt, các chiến sỹ CSGT mới đưa được xe của y lên xe tải đặc chủng.
Một trường hợp khác bị CSGT lập biên bản vì “uống quá chén” tại quận 6; ngoài việc chửi bới các chiến sỹ thực thi công vụ, ông bố “giang hồ” còn gọi điện cho con trai đến định giở thói côn đồ với cả công an!
... và ngồi lỳ nhắn tin điện thoại
Trao đổi với chúng tôi về những khó khăn trong quá trình xử phạt “đệ tử lưu linh”, Thượng úy Dương Trung Hiếu – Đội CSGT An Lạc cho biết: “Trong các nhiệm vụ của CSGT thì việc xử lý vi phạm nồng độ cồn là phức tạp hơn cả. Vì khi say xỉn, thần kinh của người vi phạm rất không bình thường nên chuyện cự nự, phản kháng thô bạo rất dễ xảy ra. Các đối tượng thường manh động, dùng lời lẽ thóa mạ, hoặc có hành vi chống đối lực lượng chức năng. Điển hình như có lần chúng tôi phải “đánh vật” với một trường hợp tới 3 giờ sáng vì anh ta nhất quyết không ký biên bản và nói trong cốp xe có mấy chục ngàn đô, nếu mất CSGT phải chịu trách nhiệm. Khi đưa người và phương tiện về Công an phường xử lý, thì ra trong cốp xe anh này toàn là đô la âm phủ! Hay mới cách đây hơn một tuần, khi bị thổi phạt, một đối tượng đã tự đốt xe máy của mình…”
Theo Trung tá Lại Văn Ba, do nhiều đối tượng say xỉn thường hay có các biểu hiện chống đối người thi hành công vụ nên Công an thành phố đã bố trí tăng cường lực lượng CSCĐ để phối hợp với CSGT. Bên cạnh đó, lực lượng CSGT thường xuyên có sự phố hợp chặt chẽ với công an địa phương. “Trong thời gian tới, theo chỉ đạo của Công an thành phố, lực lượng CSGT nói chung và Đội An Lạc sẽ tiếp tục tăng cường nhiều tổ công tác và thiết bị để kiểm tra và xử lý vi phạm nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện lưu thông trên các tuyến đường, đặc biệt là những nơi TNGT tăng “nóng” do rượu, bia gây ra” – Trung tá Lại Văn Ba cho hay.