Obama gặp Tập Cận Bình: Con dao hai lưỡi

Cuộc gặp không chính thức giữa Obama và Tập Cận Bình không đem lại gì nhiều cho Mỹ mà còn làm cho Trung Quốc càng tự tin hơn vào sức mạnh và "lợi ích cốt lõi" của mình.

Kể từ sau chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 2/1972 của Tổng thống Richard Nixon, các Tổng thống Mỹ sau này đều hy vọng việc xây dựng quan hệ cá nhân với các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ tăng cường quan hệ song phương và ghi điểm chính trị tại nước nhà.

Trong khi chuyến công du của Tổng thống Nixon được coi là một chiến thắng về ngoại giao, các đời Tổng thống sau này không gặt hái được thành công như vậy. Họ thường phát hiện ra rằng loại tương tác cá nhân Mỹ-Trung kiểu này có tác động rất nhỏ đến quan hệ hai nước, và cuộc gặp gần đây giữa Tổng thống Obama với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không phải là ngoại lệ.

Obama gặp Tập Cận Bình: Con dao hai lưỡi - 1

Chủ tịch Tập Cận Bình gặp gỡ Tổng thống Obama

Trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Obama lựa chọn hướng tiếp cận ở cấp thấp hơn. Năm 2009, ông Obama và cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào thông báo về Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ-Trung. Đối thoại này là một loạt các hội nghị thường kỳ giữa các quan chức cấp cao hai nước do Ngoại trưởng Hillary Clinton và Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner dẫn đầu nhằm giải quyết các vấn đề tranh chấp thông qua thảo luận ôn hòa.

Tuy nhiên phương pháp này không phát huy hiệu quả vì các xung đột lợi ích căn bản chứ không phải sự thiếu tiếp xúc trong quan hệ Mỹ-Trung. Washington cáo buộc Trung Quốc dính líu vào các vụ tấn công mạng nhắm vào hệ thống máy tính của các doanh nghiệp và chính phủ Mỹ, hậu thuẫn cho chương trình hạt nhân của Triều Tiên, ngăn chặn Mỹ thâm nhập thị trường Trung Quốc và gây căng thẳng trên khu vực Biển Đông và Hoa Đông. Kết quả là Washington muốn Bắc Kinh phải thực thi một loạt các thay đổi về mặt chính sách.

Obama gặp Tập Cận Bình: Con dao hai lưỡi - 2

Tàu Cảnh sát biển Nhật Bản ngăn chặn Hải giám Trung Quốc xâm nhập Senkaku

Còn về phía mình, Trung Quốc cho rằng Mỹ đang tìm cách kiềm chế và thay đổi hệ thống chính trị Trung Quốc nhằm hạn chế ảnh hưởng quốc tế của nước này. Bởi vậy, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi thực hiện “hình thức quan hệ nước lớn mới” trong đó Mỹ phải thừa nhận sức mạnh quân sự đang lên, sự phát triển kinh tế và vị thế ngoại giao của Trung Quốc.

Dưới sức ép ngày càng tăng của dư luận, quốc hội và giới truyền thông nhằm đáp trả thái độ “hung hăng” của Trung Quốc, Tổng thống Obama đã sắp xếp cuộc gặp “mặt đối mặt” với ông Tập Cận Bình.

Cuối tuần trước, hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau ở California để hội đàm “không chính thức” trong hai ngày. Thế nhưng kết quả đạt được có vẻ rất nghèo nàn. Tổng thống Obama chỉ có thể đưa ra một điểm thống nhất mơ hồ với ông Tập Cận Bình: “hợp tác với nhau và với các nước khác” để giảm thiểu phát thải khí HFC gây nên hiện tượng ấm lên toàn cầu. Cả hai bên cũng tuyên bố rằng Triều Tiên không nên sở hữu vũ khí hạt nhân.

Obama gặp Tập Cận Bình: Con dao hai lưỡi - 3

Hai nhà lãnh đạo chỉ thống nhất được vấn đề Triều Tiên và giảm thiểu khí HFC

Ông Tập Cận Bình có rất ít động lực để biến những tuyên bố về tình hữu nghị hồi cuối tuần qua thành hành động cụ thể. Còn ông Obama cần một chiến thắng về chính sách đối ngoại và quan hệ công chúng hơn.

Hiện Tổng thống Obama đang vướng vào nhiều vấn đề rắc rối khi phải giải quyết nhiều vấn đề trong nước đầy tranh cãi, chẳng hạn  như vấn đề thay đổi luật di trú. Trong khi đó, kể từ khi trở thành Chủ tịch Trung Quốc vào tháng 3/2013, Tập Cận Bình đã nhanh chóng củng cố quyền lực và không gặp nhiều vấn đề trong nước và trở nên tự tin hơn với những phát biểu thường gặp về sự phục hưng vĩ đại của Trung Quốc.

Tập Cận Bình cũng thường xuyên đòi Mỹ và các quốc gia láng giềng phải thừa nhận cái mà Trung Quốc cho là “lợi ích cốt lõi” của mình, trong đó có cả những tuyên bố chủ quyền mà Trung Quốc đang tranh chấp với Nhật Bản, Philippines và Việt Nam.

Obama gặp Tập Cận Bình: Con dao hai lưỡi - 4

Tàu chiến Trung Quốc xuất hiện trên Biển Đông

Chỉ với việc tham dự cuộc hội đàm này, Tập Cận Bình đã có được những gì mình muốn. Mục tiêu của ông Tập là đề cao sức mạnh và danh tiếng của Trung Quốc, và có vẻ như ông đã đạt được mục tiêu này mà vẫn né tránh được việc thảo luận chi tiết những vấn đề cụ thể.

Với dư luận Trung Quốc, Tập Cận Bình có thể sử dụng cuộc hội đàm này như một bằng chứng chứng tỏ rằng nỗ lực giành được sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế đối với Trung Quốc đang phát huy hiệu quả, rằng Trung Quốc có hướng tiếp cận duy nhất với các nhà lãnh đạo Mỹ, và rằng Washington có thể đánh giá quan hệ với Trung Quốc cao hơn so với các nước khác như Nhật Bản. Báo chí Trung Quốc rầm rộ đưa tin rằng Mỹ đã chấp nhận mô hình quan hệ nước lớn mới của Bắc Kinh.

Nhiều Tổng thống Mỹ rất muốn tái hiện thành công của Nixon trong cuộc gặp năm 1972 với lãnh đạo Trung Quốc. Tuy nhiên sức mạnh và thái độ của Trung Quốc ngày nay đã biến mong muốn đó thành nhiệm vụ bất khả thi.

Obama gặp Tập Cận Bình: Con dao hai lưỡi - 5

Có vẻ như Tổng thống Obama phải thực hiện một nhiệm vụ bất khả thi

Đáng lẽ Tổng thống Obama không nên kỳ vọng rằng quan hệ ngoại giao cá nhân sẽ đem tới những đột phá lớn và nói thẳng với người Mỹ về những căng thẳng ngày càng tăng với Bắc Kinh. Washington cũng nên đảm bảo với những đồng minh lâu đời trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan rằng các cuộc hội đàm Mỹ-Trung sẽ không ảnh hưởng đến lợi ích của họ.

Nói cho cùng, vì nhiều vấn đề bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay có liên quan đến nhiều quốc gia khác nên chính sách ngoại giao đa phương vẫn là sự lựa chọn tối ưu hơn là các cuộc gặp song phương không chính thức.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Thành (Tổng hợp) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN