Nước Mỹ trước giờ “phán quyết”

Đây là thời điểm “phán quyết” cho các ứng cử viên trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Giờ là lúc họ đưa ra những tuyên bố cuối cùng trong những cuộc tiếp xúc cuối cùng để thuyết phục những cử tri còn do dự và giành lợi thế.

Với Tổng thống Barack Obama, ngày 3/11 (giờ Mỹ, 4/11 giờ VN) ông đã bay đến bốn bang Ohio, Wisconsin, Iowa và Virginia, những bang “chiến trường”, nơi cử tri còn do dự chưa biết bỏ phiếu cho ứng cử viên nào. Đối thủ Romney cũng lao đến các bang New Hampshire, Iowa và Colorado. Và họ đã bất ngờ chạm trán nhau ở thành phố Dubuque, phía đông bang Iowa.

Sáng 3/11, phóng viên đã có mặt tại Dubuque. Ở thành phố nhỏ 58.000 dân này, ông Romney đã đăng đàn ngay tại sân bay vào giữa trưa. Lúc 17h30, đến lượt ông Obama xuất hiện ở công viên Washington tại trung tâm thành phố.

Kêu gọi người dân bỏ phiếu

Lúc 12h, khoảng 2.000 cử tri Cộng hòa đã có mặt tại sân bay. Từ 9h, họ lũ lượt kéo tới đây xếp hàng chờ vào nhà chứa máy bay, nơi diễn ra cuộc tiếp xúc, bất chấp thời tiết giá lạnh. Đúng 12h, ông Romney xuất hiện đầy kịch tính. Chiếc máy bay chở hai vợ chồng ông từ từ tiến vào tòa nhà trong tiếng nhạc hùng tráng và tiếng hò reo vang dội của cử tri.

Nước Mỹ trước giờ “phán quyết” - 1

Tổng thống Barack Obama (trái) và ứng cử viên Romney - Ảnh: CI

Phát biểu trước đám đông cuồng nhiệt, ông Romney tỏ ra rất tự tin. Ông giới thiệu vợ mình là “đệ nhất phu nhân tương lai của nước Mỹ” và luôn nhấn mạnh: “Khi (chứ không phải nếu) thắng cử, tôi sẽ...”. Ông cáo buộc Tổng thống Obama không thực hiện các cam kết khi tranh cử, tăng thuế đối với tầng lớp trung lưu, chi tiêu quá tay khiến nợ Mỹ chồng chất, gây chia rẽ giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa.

“Khi vào Nhà Trắng, tôi sẽ tạo ra thay đổi thật sự ngay từ ngày đầu tiên. Tôi sẽ hợp tác với các lãnh đạo Đảng Dân chủ để phá vỡ thế bế tắc ở quốc hội - ông Romney khẳng định - Tôi sẽ tạo ra công ăn việc làm cho người dân”. Ông cũng cam kết giảm thuế cho tất cả dân Mỹ, hủy bỏ luật cải tổ y tế của ông Obama... Có một điều lạ là ông Romney sử dụng rất nhiều khẩu hiệu mà ông Obama đã sử dụng trong kỳ bầu cử 2008 như “thay đổi”, “tin tưởng”, “hi vọng”...

Ở “chiến trường” Dubuque, phe Dân chủ cũng tỏ ra cuồng nhiệt không kém. Càng về chiều, trời càng giá buốt, nhưng 5.000 cử tri Dân chủ vẫn kiên nhẫn chờ đợi ở công viên Washington từ 14h-17h30 để được gặp ông Obama. Sự mệt mỏi của những ngày tranh cử thể hiện rõ trên khuôn mặt ông Obama. Nhưng trước đám đông, ông vẫn tỏ ra hết sức mạnh mẽ khi nhấn mạnh các thành tựu mà mình đạt được trong bốn năm qua: chấm dứt chiến tranh Iraq, cải tổ hệ thống y tế theo hướng có lợi cho người nghèo, mở rộng chương trình cho vay sinh viên...

Ông Obama cũng không quên giáng cú “knock-out” cuối cùng khi cáo buộc đối thủ Romney là “kẻ hai mặt”. Ông nhắc nhở các cử tri rằng ông Romney từng thông qua luật y tế giống hệt luật y tế Mỹ hiện tại khi còn là thống đốc bang Massachusetts, nhưng vì mục tiêu chính trị nên giở giọng “lật lọng”. “Sau bốn năm, các bạn đã hiểu rõ con người tôi. Các bạn có thể không đồng ý với một số quyết định tôi đưa ra hay tốc độ đổi thay, nhưng các bạn biết tôi luôn trung thực” - ông Obama nhấn mạnh.

Bức tranh rối rắm

Một ngày trước cuộc bầu cử Mỹ 6/11, các khảo sát cũng phản ánh rõ sự so kè đầy căng thẳng giữa hai ứng cử viên. Khảo sát của báo Washington Post và Hãng tin ABC News cho thấy tỉ lệ ủng hộ hai ứng cử viên là ngang nhau: 48%-48%. Khảo sát của Reuters và Tổ chức IPSOS cũng cho kết quả gần tương tự: Obama 47% và Romney 46%.

Dù vậy, ông Obama đang có lợi thế tại tám bang “chiến trường” vốn quyết định kết quả bầu cử. Theo khảo sát của Reuters/IPSOS và Washington Post/ABC News, ông Obama dẫn trước ông Romney ở Ohio, nơi có 18 phiếu đại cử tri. Tại bang Florida, nơi có tới 29 phiếu đại cử tri, cuộc so găng đang rất quyết liệt. Nhưng ông Obama lại vượt trội ông Romney ở các bang Wisconsin, Nevada, New Hampshire... Do đó, cơ hội chiến thắng của ông Obama vẫn nhỉnh hơn.

Do cuộc đua sát sao và các khảo sát cũng có độ không chính xác nhất định, giới truyền thông Mỹ dự báo khả năng số phiếu của hai ứng cử viên ở một số bang chiến trường sẽ chênh lệch rất ít, dẫn đến việc phải kiểm phiếu lại hoặc Tòa án tối cao phải ra phán quyết ai chiến thắng như trường hợp George Bush/Al Gore năm 2000. Chưa kể còn có những rắc rối khác. Chẳng hạn, các cử tri đăng ký bỏ phiếu sớm nhưng lại quyết định bỏ phiếu ngày 6-11 thì họ sẽ phải bỏ phiếu bổ sung trong phong bì kín cho đến khi chứng minh được rằng mình chưa bỏ phiếu sớm.

Trao đổi với PV, chuyên gia Julia Clark thuộc Tổ chức IPSOS ở Washington DC thừa nhận đây là những khả năng hoàn toàn có thể xảy ra. Và khi đó, sẽ phải mất vài tuần để biết ai sẽ trở thành tân tổng thống Mỹ.

Nếu ông Obama và ông Romney có số phiếu đại cử tri ngang nhau?

Theo luật định, trong ngày bầu cử 6/11, ứng cử viên nào giành được quá bán tối thiểu 270 phiếu đại cử tri sẽ thắng cử.

Tuy nhiên, giám đốc chương trình luật bầu cử thuộc Trường đại học bang Ohio Edward Foley cho biết tuy hiếm khi xảy ra nhưng không loại trừ khả năng vào ngày 6-11, hai ứng cử viên Dân chủ và Cộng hòa đều nhận được số phiếu đại cử tri ngang bằng nhau: 269-269.

Tình huống hi hữu này từng xảy ra ít nhất một lần vào năm 1837. Nếu tình huống này xảy ra, điều luật bổ sung thứ 12 trong Hiến pháp Mỹ quy định: Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu chọn tổng thống và Thượng viện Mỹ sẽ bỏ phiếu chọn phó tổng thống.

Nếu kịch bản này lặp lại trong năm 2012 thì rất khó xử lý vì Hạ viện Mỹ hiện do Đảng Cộng hòa kiểm soát trong khi Thượng viện lại do Đảng Dân chủ nắm đa số.

Quy định oái oăm này sẽ dẫn đến tình huống tổng thống có thể sẽ là ông Romney của Đảng Cộng hòa và phó tổng thống có thể là ông Joe Biden, đương kim phó tổng thống và là người của Đảng Dân chủ. Chính quyền Romney - Biden có thể sẽ là đỉnh điểm tính chất phức tạp của luật bầu cử Mỹ.

(TTXVN)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hiếu Trung (Tuổi Trẻ)
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN