Nỗi đau của người cha bế đứa con bất động vì sởi

Sự kiện: Dịch sởi

Người đàn ông chừng 40 tuổi (quê Hưng Yên) bế đứa con bất động trên tay, mắt anh đỏ hoe. Cháu bé đã vĩnh viễn ra đi vì bệnh sởi.

Ngày 16/4, trong lúc Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đi kiểm tra tình hình bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi Trung ương cũng là lúc người đàn ông chừng 40 tuổi (quê Hưng Yên) bế đứa con bất động trên tay. Mắt anh đỏ hoe. Mẹ cháu bé đi ngay phía sau, chị không nhấc nổi bước chân rồi cứ thế xỉu dần. Từ nay, cháu bé mãi rời xa bố mẹ vì bệnh sởi.

Nước mắt chực trào nhưng người đàn ông ấy không khóc thành lời. Anh gượng gạo vỗ về động viên người vợ trẻ. Đúng lúc chúng tôi xuất hiện, mẹ cháu P. (8 tháng tuổi, Văn Lâm, Hưng Yên) đang ngất lịm đi. Bố bé P. phải dìu vợ về phòng nằm. Nén đau buồn, anh thu dọn đồ đạc, làm thủ tục rồi lặng lẽ bế đứa con ra về.

11 giờ 30 phút, cánh cổng Khoa Truyền nhiễm mở ra, hàng dài người lẳng lặng mang cơm vào cho hơn 200 ông bố bà mẹ đang cùng con chống chọi với bệnh sởi.

Bước chân vào phòng bệnh tầng 2 Khoa Truyền nhiễm, chúng tôi chỉ nghe thấy tiếng thở rít và tiếng máy móc kêu.

Tại phòng bệnh 118, anh Lê Văn Hải đang bế cháu Tùng (8 tháng tuổi, Ninh Bình) trên tay. Bụng cháu luôn phập phồng, mắt lơ mơ ngủ, xung quanh người là dây truyền và bình oxy.

Nỗi đau của người cha bế đứa con bất động vì sởi - 1

Anh Lê Văn Hải đang bế đứa con bị sởi biến chứng rất nặng

Tiếng rên của cháu Tùng (con của anh Hải) ngân lên từng hồi, 2 tay co quắp,  người co rúm lại khiến người chứng kiến không khỏi nấc nghẹn.

Anh Hải cho biết, con trai anh bị lây sởi trong lúc đang điều trị bệnh rối loạn chuyển hóa tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Không ngờ mới có 1 tuần mà bé đã biến chứng nặng và nhanh đến vậy.

Cạnh giường bé Tùng là  bé Thành Nam (6 tháng tuổi, Gia Lâm, Hà Nội). Hai hôm trước, cháu Nam vẫn tỉnh táo, nằm nghe mẹ đọc truyện. Nhưng hôm nay cháu Nam đã li bì, thiếp đi, đôi mắt khẽ hở. Cháu Nam tiếp tục phải thở máy.

Nỗi đau của người cha bế đứa con bất động vì sởi - 2

Chị Hiền (mẹ của cháu Nam) cũng không còn bình tĩnh để trò chuyện với chúng tôi như hôm trước.

Chị Hiền (mẹ của cháu Nam) cũng không còn bình tĩnh để trò chuyện với chúng tôi như hôm trước. Chị ôm ghì đứa con trai mắt khép hờ và khóc.

Nhìn cháu, giọng tôi nghẹn lại… “Hôm nay chị không đọc truyện cho cháu nữa à?”

Như chạm nỗi đau của một người mẹ bất lực trước đứa con bị sởi biến chứng, mắt chị Hiền cũng ngân ngấn, không nói câu nào. Dòng nước mắt chảy dài sau lớp khẩu trang…

Trong Khoa Truyền nhiễm, có hàng trăm bà mẹ vẫn lo lắng không nguôi. Họ lo, bệnh sởi sẽ làm con của họ yếu đi. Và đến một ngày, đứa con bé bỏng ấy không đủ sức chống đỡ với dịch bệnh sẽ phải rời xa họ.

Nỗi đau của người cha bế đứa con bất động vì sởi - 3

Những ông bố thấp thỏm đợi giờ vào thăm con

Đến thời điểm này, Bệnh viện Nhi Trung ương đã có tới 103 trẻ tử vong liên quan đến sởi, trong đó có 25 trẻ tử vong do sởi và 78 trẻ tử vong do các biến chứng của sởi. Hiện số bệnh nhi đang nằm điều trị do sởi là 250 trẻ. 

Tại khoa Truyền nhiễm đang có 250 trẻ mắc bệnh sởi nằm điều trị. Bệnh viện Nhi đã phải dành gần chục phòng cho các cháu mắc sởi nặng thở máy.

Theo PGS.TS Lê Thanh Hải - Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương, lần này nhiều cháu vào nhập viện, các bác sĩ phải nhường phòng cho các cháu. Đây là kết quả của việc không tiêm phòng sởi từ thế hệ trước. Mẹ không tiêm phòng nên con không có miễn dịch sởi. Điều này lý giải tại sao, các cháu dưới 9 tháng tuổi, khi chưa đến lịch tiêm phòng sởi bị nhiễm bệnh và có thể tử vong.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Trịnh ([Tên nguồn])
Dịch sởi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN