Nô lệ tình dục: Lịch sử của sự đọa đày

“Câu chuyện của những người ‘phụ nữ giải khuây’ này cần phải được ghi nhận như bất cứ câu chuyện lịch sử nào khác trong Thế chiến 2, chỉ khác đó là lịch sử của sự đày đọa.”

>>Kỳ 1: Nô lệ tình dục: Di sản đau thương

Trong nhiều năm trời, một số nạn nhân sống sót qua giai đoạn kinh hoàng này đã dũng cảm kể lại những câu chuyện bắt cóc, ép buộc, cưỡng hiếp và lạm dụng cho phần còn lại của thế giới với mong muốn nhận được lời xin lỗi chính thức, thế nhưng chính phủ Nhật Bản vẫn không muốn chính thức thừa nhận những tội ác này và bồi thường thỏa đáng cho các nạn nhân.

Tìm một chỗ đứng trong lịch sử

Suốt thời gian qua, vấn đề nô lệ tình dục đã không chỉ bị các quan chức chính phủ phớt lờ mà còn bị che giấu ngay cả ở các quốc gia có những phụ nữ bị ép buộc làm “phụ nữ giải khuây”. Chẳng hạn ở Indonesia, trong khi những nạn nhân này và gia đình họ nhận được rất ít tiền bồi thường từ chính phủ thì những câu chuyện của họ lại bị cả xã hội gạt bỏ.

Theo nhà báo Hilde Janssen đến từ Hà Lan, những câu chuyện của các nô lệ tình dục này bị phớt lờ vì đó là nỗi hổ thẹn trong con mắt của cả xã hội. Việc nói đến tình dục là một điều tương đối cấm kỵ trong văn hóa Indonesia, thế nên các “phụ nữ giải khuây” này cảm thấy quá tội lỗi và xấu hổ khi kể lại những ký ức kinh hoàng của mình.

Nô lệ tình dục: Lịch sử của sự đọa đày - 1

Những nô lệ tình dục tại một nhà thổ của quân đội Nhật

Trong một hội thảo do Ủy ban Quốc gia về Quyền Phụ nữ được tổ chức ở Indonesia, nhà báo Janssen lên tiếng: “Câu chuyện của những người ‘phụ nữ giải khuây’ này cần phải được ghi nhận như bất cứ câu chuyện lịch sử nào khác trong Thế chiến 2, chỉ khác đó là lịch sử của sự đày đọa.”

Theo các chuyên gia nghiên cứu lịch sử, các tài liệu và chứng cứ lưu trữ hiện nay cho thấy hệ thống “trạm giải khuây” này đã được quân đội Nhật lập ra nằm trong chiến lược chiến tranh phục vụ cho binh lính để tránh các vụ cưỡng hiếp người dân sở tại làm “mất đi hình ảnh của đế quốc Nhật Bản”. Để thực hiện chiến lược phòng ngừa tội ác đó, họ đã thực hiện một tội ác cũng dã man không kém, đó là bắt cóc, cưỡng ép những người phụ nữ vào trong các nhà thổ quân đội để mua vui cho binh lính.

Từ ngày 8-12/12/2000, Tòa án Tội phạm Chiến tranh quốc tế về Nô lệ tình dục trong Quân đội Nhật đã được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản. Tại phiên tòa do một số tổ chức bảo vệ nhân quyền và nữ quyền ở châu Á tổ chức này, 35 nô lệ tình dục đến từ các quốc gia châu Á Thái Bình Dương đã ra làm chứng.

Nô lệ tình dục: Lịch sử của sự đọa đày - 2

Tòa án Tội phạm Chiến tranh quốc tế về Nô lệ tình dục trong Quân đội Nhật tại Tokyo

Ngày 4/12/2001, tòa án ra phán quyết tại Hague, Hà Lan rằng cựu Nhật Hoàng Hirohito và một số quan chức cấp cao của Nhật Bản đã phạm tội ác chống lại loài người đối với hệ thống “phụ nữ giải khuây” này, đồng thời yêu cầu Nhật Bản xin lỗi và bồi thường cho các nạn nhân còn sống. Thế nhưng các nạn nhân nô lệ tình dục này vẫn không nhận được lời xin lỗi chính thức và số tiền bồi thường cũng không đến được tay họ.

Chẳng hạn như ở Indonesia, từ năm 1997-2009, Nhật Bản đã trả 4,4 triệu đô-la tiền đền bù cho nạn nhân nô lệ tình dục ở nước này thông qua Quỹ Phụ nữ châu Á. Chính phủ Indonesia đã dùng số tiền này để xây các nhà dưỡng lão mà không trả trực tiếp cho các nạn nhân.

Nô lệ tình dục: Lịch sử của sự đọa đày - 3

Các nạn nhân nô lệ tình dục Hàn Quốc yêu cầu được xin lỗi

Một số nạn nhân đã từ chối nhận tiền đền bù trước khi chính phủ Nhật Bản chính thức lên tiếng xin lỗi, và một nạn nhân tiêu biểu là bà Mardiyem, người đã tích cực lên tiếng bảo vệ quyền lợi cho các nạn nhân nô lệ tình dục, người đã qua đời năm 1997 mà không nhận được bất cứ khoản bồi thường hay lời xin lỗi nào.

Dẫu biết rằng lịch sử luôn được viết ra theo cách nhìn của người chiến thắng để ngợi ca vinh quang của quốc gia, tuy nhiên, những câu chuyện đau thương mà các nạn nhân nô lệ tình dục đã trực tiếp trải qua trong các nhà thổ của quân đội Nhật Bản phải xứng đáng có một chỗ đứng trong lịch sử, như lời một chuyên gia nghiên cứu lịch sử đã thốt lên: “Chúng ta không thể bỏ rơi nạn nhân bởi một quốc gia vĩ đại rút ra bài học từ các nạn nhân, phục hồi nhân phẩm cho họ và đảm bảo rằng những điều tương tự sẽ không bao giờ còn xảy ra.”

____________________

Chính quyền Nhật Bản và dư luận thế giới phản ứng như thế nào trước những đòi hỏi chính đáng này của các nạn nhân nô lệ tình dục? Mời bạn đón đọc phần 3 vào 19h ngày 10/6/2013.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bảo Thành (Tổng hợp) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN