Những người làm bạn với mãnh thú

Đối với những người dày công chăm sóc thú, không gì sung sướng hơn giây phút được ngắm tận mắt những loài nguy hiểm như hà mã, hổ Đông Dương… chuyển dạ và sinh con.

“Đó, thấy chưa, hà mã con vừa lọt lòng, thân nó dính đầy máu, dây rốn dài loằng ngoằng” - ông Dương Thành Phi, Giám đốc Vườn thú Khu Du lịch Đại Nam (Bình Dương), chỉ vào đoạn phim hà mã đẻ, hồ hởi nói. Rồi mắt ông sáng lên khi đoạn phim chuyển sang cảnh hà mã con mở tròn mắt đón ánh nắng đầu đời vào sáng 4/7.

Dựng lều canh hà mã đẻ

Để có được những thước phim trên, ông Phi và nhiều nhân viên trong vườn thú phải dựng lều thức nguyên đêm gần khu vực hồ nuôi hà mã. Hà mã được xếp vào một trong những loài động vật nguy hiểm nhất châu Phi nên chiếc lều ông Phi trú ngụ phải ở một khoảng cách an toàn. Trước đó, từ trưa 2/7, hà mã mẹ (tên Lu) đã bỏ ăn, rỉ nước ối.

Nhận thấy dấu hiệu chuyển dạ của Lu, nhân viên vườn thú đã lùa hà mã bố (tên Bi) vào chuồng riêng để một mình “người vợ” vượt cạn dưới sự giám sát của nhân viên vườn thú. Ông Phi cho biết sau khi nghiên cứu nhiều tài liệu khoa học về bối cảnh sinh sản của hà mã, ông đinh ninh hà mã sẽ sinh dưới nước.

Vì thế, từ chập tối 3/7, bất chấp muỗi đốt, ông ngồi trong lều dõi mắt liên tục xuống làn nước theo dõi động tĩnh của Lu. Giữa bóng tối, trong cơn chuyển dạ, Lu không nằm yên một chỗ như thường ngày mà liên tục lật người qua lại rồi quần đảo khắp hồ nuôi.

Đến khuya 4/7, sau hàng chục giờ chuyển dạ, hà mã vẫn chưa sinh, ông Phi và các cán sự thú y bắt đầu lo. Những tình huống rủi ro như hà mã sinh ngược (phần đầu ra sau) hoặc hà mã con quá lớn không ra được… bắt đầu được tính tới. Các phương án giải quyết tình huống như lùa Lu vào chuồng ép, tiêm thuốc kích đẻ, can thiệp bằng biện pháp kỹ thuật khác để nới rộng bộ phận sinh dục nhằm đưa con ra ngoài cũng đã sẵn sàng.

Những người làm bạn với mãnh thú - 1

Anh Nguyễn Thanh Phương âu yếm Bi (một con hổ F2)

Tuy nhiên, bất ngờ hà mã không sinh dưới nước như dự đoán mà tiến lên bờ và rặn. Đến khoảng 1 giờ 30 phút rạng sáng 4/7, mọi người vui mừng khi nghe Lu rặn mạnh rồi đầu hà mã con ló ra. Mừng quýnh, ông Phi đưa máy quay ghi lại khoảnh khắc chào đời của hà mã nhí. Ngay sau khi sinh con, Lu cắn dây rốn cho con, liếm sạch con, dẫn con xuống nước tắm rồi cho con bú.

Hà mã con ra khỏi bụng mẹ trong khoảng thời gian chưa đầy 2 phút. Nhưng khoảng thời gian ngắn ngủi đó cũng đủ khiến nhóm nhân viên chăm sóc hà mã “sướng điên”. Khi tôi yêu cầu anh Mai Xuân Tình, kỹ sư sinh học, mô tả sự sung sướng ấy, anh hỏi ngược lại: “Anh đã có vợ con chưa? Khi con anh chào đời, anh cảm thấy thế nào thì lúc chứng kiến hà mã chui ra khỏi bụng mẹ, cảm giác của tôi cũng thế ấy”.

Ngoài hà mã và hổ Đông Dương, ông Dương Thành Phi cho biết tính đến nay, tại Vườn thú Khu Du lịch Đại Nam đã có 12 loài khác vượt cạn thành công, giúp vườn thú có thêm nhiều cá thể mới. Chỉ tính riêng rạng sáng 3/7, ngoài hà mã còn có khỉ sóc, voọc bạc đẻ con. Hiện hổ trắng, sư tử trắng trong vườn thú cũng đã có thai. Vườn có tất cả 65 loài với trên 500 cá thể.

Làm “vú em” cho hổ

Điều thú vị là hiện nay, nhiều hổ Đông Dương trong Vườn thú Khu Du lịch Đại Nam đã lên chức “ông bà”. Ban đầu, vườn thú chỉ có 9 con hổ (5 đực, 4 cái). Sau đó, chúng giao phối với nhau cho ra 15 con thế hệ F1. Nhiều “cuộc tình” giữa cá thể khác giới và không cùng huyết thống trong thế hệ F1 nảy nở và cho ra 4 cá thể F2. Ở vườn thú này, hổ Đông Dương hiện thuộc loại mắn đẻ nhất.

Có hổ cái đẻ một lượt đến 5 con. Sau nhiều năm giám sát hổ, ông Dương Thành Phi kết luận: “Loài hổ sung mãn nhất thế gian. Một con đực và một con cái có thể giao phối với nhau ròng rã 5-7 ngày”. Theo ông Phi, sau đợt giao phối kiểu “ma-ra-tông” này, nếu hơn 2 tháng sau mà hổ cái vẫn không cho hổ đực lại gần thì rất có thể nó đã đậu thai.

Những người làm bạn với mãnh thú - 2

Anh Nguyễn Văn Diện cho Lu và con ăn, tắm

Sau khi sinh con, nhiều hổ cái không đủ sữa nên nhân viên vườn thú phải mua sữa bột (loại cho trẻ em), đem pha rồi cho vào bình để hổ con bú giặm. Một trong những “vú em” bất đắc dĩ là chàng trai 27 tuổi Nguyễn Thanh Phương, nhân viên vườn thú. Phương cho biết anh đã 3 lần chứng kiến hổ Đông Dương đẻ. Lần gần nhất cách đây khoảng 4 tháng, Bi - tên một con hổ thế hệ F2 - ra đời. Phương dẫn tôi đi thăm Bi.

Vừa thấy tôi, Bi đã nhe răng hù dọa nhưng khi nghe anh Phương đánh tiếng “khịt khịt” thì Bi liền ngoe nguẩy đuôi, đưa chân ra bắt tay anh rồi trườn lên ôm người anh. “Bi là con của mẹ Misu và bố Tiger.

Mẹ Misu thiếu sữa nên tôi phải pha sữa cho bú giặm liên tục, đến khi Bi tập ăn được. Trước khi cho hổ con bú, tôi phải dùng rơm còn quyện mùi hổ mẹ chà xát vào lòng bàn tay để đánh lừa hổ con” - Phương kể. Đáng thương nhất trong làng hổ con là Tứ. Sau khi sinh Tứ, hổ mẹ bỏ mặc, không cho bú. Thế là ngày cũng như đêm, cứ 3 giờ một lần, Phương phải pha sữa cho Tứ bú. Tôi chọc Phương: “May mà cậu chưa có vợ, chứ có rồi mà đêm nào cũng thức cho hổ bú thì...”. Chàng trai trẻ đỏ mặt, cười.

Sống trong hồi hộp

Mãnh thú bình thường đã hung hăng; khi có con, yêu cầu bảo vệ con khiến chúng càng dữ tợn. Điều này khiến các nhân viên vườn thú luôn sống trong hồi hộp. Anh Nguyễn Văn Diện đã nhiều năm trực tiếp hái rau lang, cỏ voi cho hà mã ăn nhưng những ngày này, dù đứng cách hà mã 2 m, anh cũng sợ. Chiều 6/7, khi Diện đang tắm cho mẹ con hà mã, tôi giương máy ảnh định chụp hình thì hà mã mẹ lùa hà mã con vào lòng rồi mắt trợn tròn, há hốc miệng đe dọa.

Kỹ sư Mai Xuân Tình cho biết dù là loài ăn cỏ, có vẻ ì ạch nhưng hà mã được giới khoa học xếp vào một trong những loài thú nguy hiểm nhất. Có tài liệu còn cho biết số người bị hà mã quật xuống nước, nghiền chết còn nhiều hơn số người thiệt mạng bởi sư tử, voi... cộng lại.

Những người làm bạn với mãnh thú - 3

Cọp cái Đông Dương đang mang thai tại Vườn thú Khu Du lịch Đại Nam

Anh Nguyễn Thanh Phương cho biết thêm: Muốn cho hổ con bú thì phải tìm cách lùa hổ mẹ sang chuồng khác. Đối với hổ con, dù trực tiếp chăm bón nhưng khi hổ con càng lớn, anh càng phải cẩn trọng. “Như con Tứ, mình cho nó bú từ khi nó mới lọt lòng. Giờ nó lớn, răng nanh dài nhọn hoắt, mình không dám chơi với nó nữa” - anh Phương rụt vai.

Các nhân viên Vườn thú Khu Du lịch Đại Nam đều cẩn trọng trước mãnh thú một phần vì có đồng nghiệp của họ đã từng trả giá rất đắt. Vào tháng 9-2009, trong lúc trồng cây xanh trong chuồng của một con hổ trắng, anh Nguyễn Công Danh bị một con hổ vàng ở chuồng bên cạnh nhảy sang cắn chết. Anh Danh ra đi để lại 2 con nhỏ đang tuổi ăn học.

Cấp bách bảo tồn

Bà Đỗ Thị Thanh Huyền, quản lý chương trình giáo dục bảo tồn của Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR), cho biết hà mã là động vật nằm trong Sách đỏ thế giới, có nguy cơ tuyệt chủng cao. Trong khi đó, hổ Đông Dương hiện trong môi trường hoang dã ở Việt Nam cũng còn rất ít, có thể không quá 30 con.

Theo bà Huyền, nhiều chuyên gia cảnh báo hổ trong môi trường hoang dã ở Việt Nam có thể tuyệt chủng trong vòng 10 năm tới. Vì thế, các phương án bảo tồn những loài quý hiếm này cần được thực hiện cấp bách.

Gây nuôi và cho sinh sản động vật hoang dã có thể là một phương án bảo tồn hiệu quả, nếu được thực hiện một cách khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế và đặc biệt là được quản lý chặt chẽ.

Các chuyên gia vẫn đang tranh cãi về việc có nên cho gây nuôi động vật hoang dã hay không. WAR khuyến khích các hoạt động gây nuôi hợp pháp và có đóng góp cho bảo tồn. Ví dụ trường hợp nuôi cá sấu xiêm, loài này đã được gây nuôi thành công và thả về bàu Sấu tại Vườn Quốc gia Cát Tiên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Như Phú (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN