Những con số đáng chú ý trong vụ án Trương Mỹ Lan giai đoạn 2

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc
Nữ miền Bắc

Bà Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 30.000 tỉ đồng từ phát hành trái phiếu; bà còn chỉ đạo rửa tiền hơn 445.000 tỉ đồng và chuyển trái phép hơn 4,5 tỉ USD qua biên giới...

Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, TAND TP.HCM đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử đối với bị cáo Trương Mỹ Lan cùng 33 người khác về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; rửa tiền; vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Phiên toà sẽ bắt đầu từ ngày 19-9 và dự kiến kết thúc vào ngày 19-10.

Tương tự như ở giai đoạn 1 của vụ án, những con số theo cáo buộc của VKS về hành vi phạm tội của bà Lan cùng các đồng phạm khiến nhiều ngỡ ngàng.

Chiếm đoạt hơn 30.000 tỉ đồng của 35.824 bị hại

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, khoảng tháng 8-2018, Ngân hàng SCB đang ở trong tình trạng bị các cơ quan quản lý thanh tra, kiểm tra. Việc xin cấp tín dụng từ Ngân hàng SCB của các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP) gặp khó khăn, kèm theo tình hình nợ xấu kéo dài.

Từ đó, bà Trương Mỹ Lan đã họp với các nhân sự chủ chốt của tập đoàn VTP và ngân hàng SCB để chọn và sử dụng bốn công ty thuộc Tập đoàn VTP để phát hành 25 mã trái phiếu “khống”; không có tài sản đảm bảo; với mục đích để tăng quy mô vốn, phát triển hoạt động kinh doanh, dự án đầu tư và cơ cấu lại các khoản nợ.

Phiên toà xét xử bà Trương Mỹ Lan trong vụ án thứ hai sẽ bắt đầu từ ngày 19-9. Ảnh: HOÀNG GIANG

Phiên toà xét xử bà Trương Mỹ Lan trong vụ án thứ hai sẽ bắt đầu từ ngày 19-9. Ảnh: HOÀNG GIANG

25 mã trái phiếu được phát hành bởi bốn công ty (An Đông, Quang Thuận, Sunny World và Setra) với tổng khối lượng 308.691.388 trái phiếu, có giá trị là 30.869 tỉ đồng.

Các gói trái phiếu của Công ty An Đông, Quang Thuận và Setra đã thông qua Công ty chứng khoán TVSI - đại diện tổ chức phát hành, trực tiếp ký kết hợp đồng bán trái phiếu; gói trái phiếu Sunny World được chuyển nhượng cho một ngân hàng để đầu tư, bán ra thị trường.

Các bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (đại diện Ngân hàng SCB), Nguyễn Tiến Thành (đại diện Công ty chứng khoán TVSI) phối hợp xây dựng chương trình đào tạo, sau đó Ngân hàng SCB đã tổ chức đào tạo cho 2.479 nhân viên/239 Chi nhánh, phòng giao dịch trong toàn hệ thống tư vấn, giới thiệu các nhà đầu tư thứ cấp (người dân) ký kết hợp đồng mua trái phiếu với Công ty Chứng khoán TVSI và một ngân hàng.

Theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, sau khi thu được tiền từ việc bán trái phiếu, các đối tượng đã thực hiện các giao dịch chuyển tiền cho các cá nhân được thuê để rút tiền tại Ngân hàng SCB Chi nhánh Sài Gòn, Bến Thành. Hành vi này nhằm che giấu, cắt đứt dòng tiền và sử dụng toàn bộ số tiền bán trái phiếu vào các mục đích như trả nợ vay ngân hàng; trả gốc, lãi trái phiếu; chi dự án; chuyển tiền ra nước ngoài và mục đích cá nhân khác của Trương Mỹ Lan, dẫn đến mất khả năng chi trả cho người mua trái phiếu.

Vận chuyển trái phép 4,5 tỉ USD qua biên giới

Quá trình điều tra, cơ quan tố tụng cũng xác định được trong khoảng thời gian từ năm 2012-2020, 23 công ty thuộc tập đoàn VTP đã thực hiện chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài về Việt Nam trái quy định với tổng số tiền là 4,5 tỉ USD, tương đương hơn 106.000 tỉ đồng. Trong đó, tiền chuyển ra nước ngoài là 1,5 tỉ USD, tiền nhận từ nước ngoài là 3 tỉ USD.

Các bị cáo là lãnh đạo tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 30.000 tỉ đồng thông qua phát hành trái phiếu và vận chuyển 4,5 tỉ USD trái phép qua biên giới. Ảnh: HOÀNG GIANG

Các bị cáo là lãnh đạo tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 30.000 tỉ đồng thông qua phát hành trái phiếu và vận chuyển 4,5 tỉ USD trái phép qua biên giới. Ảnh: HOÀNG GIANG

Để hợp thức hoá việc chuyển tiền ra nước ngoài và từ nước ngoài về Việt Nam, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập các hợp đồng “khống” về mua bán, chuyển nhượng cổ phần, vốn góp, vay tiền, tư vấn giữa các công ty ở Việt Nam với các công ty/tổ chức ở nước ngoài và sử dụng các công ty để lên phương án chạy dòng tiền, chuyển tiền qua lại với các đối tác nước ngoài thông qua các hợp đồng “khống”.

Việc chuyển tiền, nhận tiền từ nước ngoài được thực hiện tại 3 chi nhánh của Ngân hàng SCB gồm Sài Gòn, Cống Quỳnh và Bến Thành.

Hơn 445.000 tỉ đồng được "rửa tiền" ra sao?

Ngoài hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, bà Trương Mỹ Lan còn bị đưa ra xét xử về tội rửa tiền với số tiền bị cáo buộc là hơn 445.000 tỉ đồng.

Cụ thể, từ tháng 1-2018 đến tháng 10-2022, bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung phối hợp với Nguyễn Ngọc Dương, Nguyễn Phương Anh chuyển tiền ra khỏi hệ thống Ngân hàng SCB hoặc cho cá nhân, pháp nhân rút tiền mặt ra khỏi tài khoản nhằm cắt đứt dòng tiền để che giấu, hợp thức nguồn gốc bất hợp pháp số tiền 445.000.000 tỉ đồng do Trương Mỹ Lan phạm tội mà có.

Tiền rút ra khỏi ngân hàng được sử dụng vào các mục đích khác nhau, như: Trả gốc, lãi trái phiếu; chi trả nợ các khoản vay tại Ngân hàng SCB; chi phí lãi vay, chi phí hoạt động của Ngân hàng SCB; chi trả cho những người được thuê đứng tên làm giám đốc, cho những người ký chứng từ chạy dòng tiền; thanh toán các khoản chi cá nhân của Trương Mỹ Lan và Chu Lập Cơ...

Ông Chu Lập Cơ (chồng bà Trương Mỹ Lan) cũng bị cáo buộc giúp sức cho vợ rửa tiền, ông này đã mở và sử dụng ba thẻ thanh toán (Visa, Master) tại Ngân hàng SCB.

Trong quá trình sinh sống, lưu trú, đi lại tại Việt Nam và khi đi ra nước ngoài (Hồng Kông, Trung Quốc, Pháp, Anh, Ý...), từ ngày 1-1-2018 đến ngày 7-10-2022, ông Chu lập Cơ đã chi tiêu 225 tỉ đồng bằng các thẻ tín dụng nêu trên.

Trong tổng số tiền này, Chu Lập Cơ đã sử dụng hơn 33 tỉ đồng để thanh toán cá nhân khi đi nước ngoài. Quá trình điều tra, Chu Lập Cơ khai biết vợ chỉ đạo nhân viên nộp tiền vào tài khoản của mình để sử dụng và phải chịu trách nhiệm với số tiền hơn 33 tỉ đồng.

Xét xử vắng mặt 35.824 bị hại

Theo thông báo của TAND TP.HCM, quyết định đưa vụ án ra xét xử và các phụ lục danh sách bị hại, danh sách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án đã được TAND TP.HCM đăng công khai trên Trang thông tin điện tử TAND TP.HCM tại địa chỉ: https://hochiminhcity.toaan.gov.vn.

Do đó, toà án đề nghị bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan theo dõi thông tin về ngày, giờ xét xử vụ án và cập nhật diễn biến vụ án trên Trang thông tin điện tử TAND TP.HCM.

Đồng thời, tòa án sẽ tiến hành xét xử vắng mặt bị hại, đương sự nhưng vẫn sẽ đảm bảo quyền, lợi ích của các bị hại, đương sự theo đúng quy định của pháp luật. Việc xét xử vắng mặt các bị hại, đương sự không gây ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án và không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bị hại, đương sự.

Đối với các cá nhân sở hữu trái phiếu nhưng không thuộc sáu mã trái phiếu QT2018.12.01; ADC 2018.09; ADC 2018.09.01; ADC 2019.01; SET.H2025; SNW-2018.10 do các công ty An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra phát hành thì không nằm trong phạm vi xét xử đối với vụ án này.

Nguồn: [Link nguồn]

TAND TP HCM tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư liên quan gửi đơn yêu cầu bồi thường trước ngày 30-8-2024, sau thời hạn này, các yêu cầu sẽ được giải quyết qua vụ án dân sự khác, nếu cần thiết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HỮU ĐĂNG ([Tên nguồn])
Vụ án Vạn Thịnh Phát Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN