Nhiều điểm mới quan trọng về tuyển chọn nghĩa vụ công an

Sự kiện: Thời sự

Bộ Công an đề xuất thời hạn tham gia nghĩa vụ công an nhân dân sẽ rút ngắn còn 24 tháng, tiêu chuẩn tuyển chọn cũng khắt khe hơn.

Bộ Công an vừa đăng tải dự thảo lần hai Nghị định quy định về thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân (CAND) để thay thế Nghị định số 129/2015.

Theo dự thảo, nhiều nội dung liên quan đến công tác tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ CAND được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

Nhiều điểm mới quan trọng về tuyển chọn nghĩa vụ công an - 1

Có nhiều điểm mới quan trọng về tuyển chọn công dân tham gia nghĩa vụ CAND. Ảnh minh họa: Internet

Rút ngắn thời hạn tham gia nghĩa vụ

Theo Khoản 3 Điều 3 dự thảo, thời gian thực hiện nghĩa vụ tham gia CAND là 24 tháng và được kéo dài không quá 6 tháng theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Luật CAND năm 2018.

Thời gian thực hiện nghĩa vụ được tính từ ngày giao nhận công dân; trong trường hợp không giao nhận tập trung thì tính từ ngày đơn vị CAND tiếp nhận đến khi được cấp có thẩm quyền quyết định xuất ngũ.

Thời gian đào ngũ, thời gian chấp hành hình phạt tù không được tính vào thời gian thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.

Như vậy, so với quy định cũ, thời hạn tham gia nghĩa vụ công an đã được rút ngắn một năm. Cụ thể, theo quy định tại Nghị định 129/2015 thì thời gian trên phải là 36 tháng.

Đáng chú ý, Nghị định 129/2015 quy định có 4 loại giấy tờ công dân phải nộp cho cơ quan công an khi đăng ký dự tuyển. Để cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện nghĩa vụ, Bộ Công an đề nghị cắt giảm chỉ còn 2 loại.

Theo đó, công dân khi tham dự tuyển nộp cho công an cấp xã nơi công dân có hộ khẩu thường trú các giấy tờ sau: tờ khai thông tin đăng ký sơ tuyển theo mẫu của Bộ Công an có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú; giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự.

Tiêu chuẩn tuyển chọn khắt khe hơn

Đáng chú ý, Khoản 4 Điều 4 dự thảo quy định một trong năm tiêu chí để tuyển chọn công dân tham gia nghĩa vụ CAND là phải tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên.

Đối với các xã thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; đồng bào dân tộc thiểu số dưới 10.000 người thì được tuyển không quá 25% công dân tốt nghiệp trung học cơ sở.

So với Nghị định 129/2015, tiêu chuẩn tuyển chọn công dân tham gia nghĩa vụ CAND đã được nâng cao hơn.

Nếu như trước đây, các xã miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tuyển công dân tốt nghiệp trung học cơ sở thì nay con số này đã bị hạn chế chỉ còn không quá 25%.

Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung hai chữ “trở lên” đối với trình độ văn hóa của công dân tại các địa bàn không thuộc diện ưu tiên. Điều này rút gọn được câu chữ so với quy định cũ (ưu tiên tuyển chọn công dân đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học trở lên…) mà vẫn đảm bảo phạm vi bao hàm.

Theo giải thích của Bộ Công an, việc nâng cao tiêu chuẩn tuyển chọn như trên là để đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan và nâng cao chất lượng công dân được tuyển chọn, tạo nguồn cán bộ sử dụng lâu dài.

Ngoài ra, nhằm bảo đảm công bằng giữa công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự và công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia CAND, Bộ Công an cũng đề nghị bổ sung quy định về chế độ, chính sách đối với công dân trong thời gian thực hiện khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ.

Cụ thể, trong thời gian thực hiện khám sức khỏe tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia CAND theo lệnh gọi của Trưởng Công an cấp huyện công dân tham dự tuyển chọn được hưởng các chế độ, chính sách quy định đối với công dân trong thời gian thực hiện khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

“Nhiều người có chức quyền trốn tránh cho con đi nghĩa vụ quân sự“

“Nhiều người có chức có quyền tìm mọi cách trốn tránh cho con em đi nghĩa vụ quân sự“.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuyến Phan ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN