"Tiền bạc không thể thay thế nghĩa vụ quân sự”

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng, không nên cho phép nộp tiền thay thế nghĩa vụ quân sự.

Thảo luận về dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi, bổ sung) tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 14/8, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng cho biết, cán bộ, công chức, viên chức không được miễn nghĩa vụ quân sự, nhưng trong quá trình tuyển quân vừa qua không tuyển. Từ năm sau nên tuyển, phải tuyển cán bộ công chức, viên chức, đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp vào phục vụ trong quân đội.

Phóng viên có cuộc trao đổi với Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh quân khu 4, đại biểu Quốc hội khóa 8, 9, 10.

"Tiền bạc không thể thay thế nghĩa vụ quân sự” - 1

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh quân khu 4, đại biểu Quốc hội khóa 8, 9, 10.

Thư ông, gần đây, nhân dịp Quốc hội chuẩn bị sửa đổi Luật nghĩa vụ quân sự, nhiều người đề xuất nên tính tới việc cho phép đóng một khoản tiền để không phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Ông có ủng hộ đề xuất này không?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Nghĩa vụ quân sự là nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ tổ quốc đối với bất cứ công dân nào. Để bảo vệ tổ quốc, mỗi người dân sẵn sàng đánh đổi xương máu của mình. Do vậy, không thể có tiền bạc nào thay thế nghĩa vụ quân sự, nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc.

Nếu ý có quy định nộp tiền thay thế nghĩa vụ quân sự, chắc chắn con nhà giàu không bao giờ đi nghĩa vụ quân sự, chỉ có con nhà nghèo đi nghĩa vụ quân sự. Còn con nhà giàu chỉ cần bỏ ra một khoản tiền là có thể ở nhà ăn chơi.

Nếu trong trường hợp thừa chỉ tiêu, không tuyển hết người, có thể dùng nhiều hình thức thay thế, lao động quân sự khác, đó là hoạt động mang tính chất quân sự, quốc phòng, không phải nộp bằng tiền.

Mới đây, Đại tướng Phùng Quang Thanh cho rằng nên tuyển, phải tuyển cán bộ công chức, viên chức, người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp vào phục vụ trong quân đội. Ông đánh giá thế nào về đề xuất này?

Tôi cho rằng, cần cân nhắc kỹ càng “cái lợi” của việc công chức vào quân đội đóng góp được nhiều hay làm công chức nhà nước đóng góp được nhiều hơn.

Ví dụ, một nhà khoa học đang nghiên cứu đề tài dang dở, hãy để họ nghiên cứu. Nếu đưa họ vào quân đội mà việc nghiên cứu đó tốt hơn, đề tài đó phục vụ tốt hơn cho quân đội thì nên triệu tập.

Lợi ích quốc gia phải là hàng đầu, công chức nhà nước, hay quân đội đều phục vụ lợi ích quốc gia. Do vậy, phải cân nhắc, người đó làm việc ở đâu đóng góp được nhiều hơn, hãy để họ làm ở đó.

Nhưng quan điểm chung của tôi, nghĩa vụ quân sự là nhiệm vụ thiêng liêng, nhất là trong tình hình đất nước còn đang có những vấn đề “nóng bỏng”. Do vậy, không nên phân biệt người đó là ai, làm gì, cứ đủ tiêu chuẩn, điều kiện là nhập ngũ bảo vệ tổ quốc.

Nếu tuyển người có trình độ cao đẳng đại học vào quân đội để nâng cao chất lượng bộ đội, đó là điều rất nên làm.

"Tiền bạc không thể thay thế nghĩa vụ quân sự” - 2

Các tân binh của quận Ba Đình, Hà Nội chuẩn bị lên đường nhập ngũ

Nhưng thưa ông, có ý kiến cho rằng, nếu là thời chiến đương nhiên ai cũng phải đi đánh giặc. Nhưng đất nước đang hòa bình, có thể nới lỏng quy định đối tượng tạm hoãn hoặc miễn nghĩa vụ quân sự?

Tôi còn nhớ trong một cuộc chiến, có người học quân sự được vài ngày đã phải ra trận. Lúc chiến tranh, không còn thời gian để đào tạo. Do vậy, người đó khó tránh khỏi thương vong và lực lượng quân đội không thể hùng mạnh.

Để có thể phát huy tác dụng lúc chiến tranh, ngay từ thời bình phải tuyển quân để rèn luyện, lúc chiến tranh đưa vào áp dụng ngay. Lúc chiến tranh mới điều động thì không còn tác dụng nữa.

Chiến tranh không ai muốn, nhưng cũng không biết khi nào xảy ra. Thời bình là lúc chuẩn bị tiềm lực, lực lượng để phục vụ cho lúc chiến tranh. Muốn đánh giặc giỏi, trong thời bình phải huấn luyện giỏi,  chuẩn bị tốt.

Có những người so sánh với các nước quốc tế, nhưng lưu ý mỗi nước có đặc điểm riêng. Ví dụ như Thụy Sỹ cả thế kỷ không phải trải qua chiến tranh phải khác với Việt Nam vài năm lại có cuộc chiến . Hiện nay, bảo vệ Biển Đông đang là vấn đề cấp thiết.

Nhưng thưa ông, hầu hết người học đại học, cao đẳng đều được dạy quân sự trong nhà trường, nghĩa là tất cả đều qua đào tạo rồi?

Học quân sự trong trường đại học chỉ có tính chất tìm hiểu khái niệm sơ đẳng. Tạo ra ý thức để mọi người thấy rằng, dù làm gì, học gì cũng nhớ đến nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc. Thời gian vài tuần học đó chưa thể giúp một người có thể cầm súng ra trận, cho nên phải nhập ngũ để rèn luyện.

Đi học quân sự để tránh thương vong bản thân, giúp đất nước hùng mạnh, ít đổ máu vẫn giành chiến tranh.

Có nên áp dụng quy định học xong phổ thông, vào ngay quân đội, sau khi hết nghĩa vụ trở về học đại học không? Bởi nhiều người lo ngại sẽ “rơi” kiến thức trong 2 năm tại ngũ, việc học khó khăn hơn?

Nếu học liên tục có thuận lợi hơn hơn người nhập ngũ 24 tháng rồi trở về đi học. Người nhập ngũ tất nhiên có khó khăn, kiến thức có thể quên đi ít nhiều.

Nhưng cũng phải thấy, 24 tháng là phạm vi hẹp trong sự nghiệp mấy chục năm đi làm của con người, nhưng lại là 24 tháng chuẩn bị cho công cuộc bảo vệ tổ quốc. Do vậy, cần chấp nhận bỏ việc nhỏ vì lợi ích lớn  hơn.

Hơn nữa, trong quân đội cũng là môi trường học tập, rèn luyện con người, sống có trách nhiệm, tình thương, đặt tổ quốc lên trên hết. Người ta thường nói quân đội là trường học lớn.

Ngoài ra, khi tôi chỉ huy trong quân đội, thấy có những chiến sỹ mang theo sách vở, mỗi khi rảnh lại lấy sách ra ôn luyện. Sau này, họ hoàn thành nhiệm vụ trong quân đội vẫn giữ được kiến thức tiếp tục học tập. Do vậy, vấn đề nằm ở ý chí của mỗi người.

Hiện nay, thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình có hai mức khác nhau là 18 và 24 tháng. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đề xuất thống nhất thời hạn là 24 tháng. Ông thấy sao?

Trình độ chiến sỹ bây giờ yêu cầu cao hơn. Cụ thể, chính trị kiên định hơn, thể lực tốt hơn, nghiệp vụ chiến thuật giỏi hơn... Thời nay khác với thời chống Mỹ, Pháp, điều kiện tác chiến bây giờ hiện đại hơn.

Thời hạn 18 tháng khó xây dựng được người tinh thông về quân sự, chính trị trong điều kiện tác chiến hiện đại. Bây giờ nếu quân đội không thiện chiến thương vong sẽ rất cao, tổn thất xương máu.

Tôi cho rằng, nên thống nhất 24 tháng, thậm chí một số ngành có thể lâu hơn nữa như tên lửa, hải quân, đặc công, phi công...

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng (thực hiện) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN