Nhà đầu tư “chạy”, công trình phơi sương
Tình hình kinh tế khó khăn chung đã khiến các nhà đầu tư rút lui, không tiếp tục thực hiện các dự án giao thông trọng điểm. Một trong số đó là tuyến đường Vành đai 2 và đường trên cao - 2 công trình được TP.HCM đặc biệt quan tâm, chú trọng.
Ngày 13/11, ông Phạm Văn Đông- Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách TP.HCM đã chủ trì cuộc họp về tình hình sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho lĩnh vực giao thông 10 tháng đầu năm.
Đường vành đai…đứt đoạn
Đường Vành đai 2 bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh, qua cầu Phú Mỹ xuống ngã tư Bình Thái, chạy đến ngã tư Gò Dưa nối vào Quốc lộ 1A, đi qua nút giao Tân Tạo, theo đường Hồ Học Lãm và Ba Tơ để khép vào đường Nguyễn Văn Linh. Cho đến nay, tuyến đường Vành đai 2 vẫn còn "hở" đoạn từ cầu Rạch Chiếc 2 đến nút giao thông Gò Dưa (dài 9 km) và từ ngã ba An Lập đến đường Nguyễn Văn Linh (dài 5,2 km).
Tuyến đường vành đai đứt đoạn trên bản đồ
Theo tìm hiểu của PV, vào tháng 07/2012, Sở GTVT TP.HCM trong tình thế buộc phải thông tin việc nhà đầu tư tuyến vành đai 2 là Công ty Cổ Phần Đầu Tư Hạ Tầng và Đô Thị Dầu Khí (Petroland) đã có văn bản báo cáo không tiếp tục triển khai dự án và kiến nghị chuyển cho công ty mẹ là Tổng Công ty xây lắp Dầu khí thực hiện. Mặc dù quy mô dự án đã được UBND thành phố thống nhất.
Văn bản đề nghị Tổng Công ty xây lắp Dầu khí trả lời về việc tiếp tục triển khai dự án cũng đã được phát đi nhưng mọi nỗ lực đều không cho kết quả tốt như mong đợi. Kết quả là thời hạn khép kín tuyến đường xương sống của thành phố vẫn còn bỏ ngỏ.
Khi tham gia vào tuyến vành đai 2 đoạn từ ngã ba An Lập đến đường Nguyễn Văn Linh, Petroland đã xin đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng- chuyển giao). Vốn đầu tư dự kiến vào khoảng hơn 8.000 tỷ đồng.
Tháng 6/2011, UBND TP.HCM đã yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2.000 đối với 2 khu đất nằm ở huyện Bình Chánh và Nhà Bè nhằm xem xét việc “đổi đất lấy hạ tầng” với Petroland.
Petroland cũng đã đề xuất với Trung tâm phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố về quỹ đất cho nhà đầu tư khai thác hoàn vốn trước khi cơ quan này trình UBND thành phố. Tuy nhiên, theo Sở GTVT đến nay vẫn chưa xác định được khu đất nào. Lý do vì một số nguyên nhân như vấn đề quy hoạch, đất đã được giao, quỹ đất không đủ cân đối vốn đầu tư xây dựng đường.
Minh chứng cho sự khó khăn, theo công bố kết quả kinh doanh đã hợp nhất quý IV và cả năm 2011 của Petroland, quý IV/2011 công ty này đạt 237,36 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 36% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp chỉ đạt 22,29 tỷ đồng, giảm mạnh 80,6% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, trong quý này, Petroland còn gánh thêm khoản chi phí tài chính tăng cao hơn 3 lần cùng kỳ đã khiến lợi nhuận sau thuế xuống thấp khi chỉ đạt 27 tỷ đồng.
Đường trên cao nằm chờ…
Đường trên cao số 1 có tổng mức đầu tư ban đầu dự kiến hơn 4.000 tỷ đồng. Công trình có tổng chiều dài 8 km, bắt đầu từ đường Cộng Hòa (gần vòng xoay Lăng Cha Cả) đi theo đường Bùi Thị Xuân chạy dọc theo Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, sau đó đến đường Nguyễn Hữu Cảnh (gần cầu Thị Nghè 2).
Nhà đầu tư dự án đường trên cao số 1 đã rút lui khi hạ tầng thành phố đang “khát” những công trình có khả năng đột phá
Đây là một trong số 4 đường trên cao tại TP HCM đã quy hoạch đến năm 2020, chức năng kết nối khu vực phía Tây bắc và sân bay Tân Sơn Nhất với trung tâm hiện hữu và khu đô thị Thủ Thiêm.
Dự án đã được UBND TP giao cho Công ty GS E&C (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư và đã được khởi động từ năm 2002. Nhưng về sau, do chi phí giải phóng mặt bằng cao và phải tập trung nguồn lực cho dự án xây dựng đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài nên chủ đầu tư này đã xin rút lui.
Xoay quanh nội dung về tình hình sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho lĩnh vực giao thông 10 tháng đầu năm, theo Sở GTVT, đầu tư hạ tầng thành phố đang phải đối mặt với hàng loạt bài toán hóc búa.
Hiện nay TP.HCM đang tập trung kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông đô thị như các dự án đường sắt đô thị, monorail, các đoạn tuyến đường vành đai số 2, các tuyến đường trên cao dưới hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BT (xây dựng - chuyển giao) , PPP (đối tác công tư).
Tuy nhiên, đặt thêm trạm thu phí để thực hiện dự án theo hình thức BOT sẽ không khả thi. Dự án BT cũng trong tình cảnh này vì quỹ đất thành phố không còn nhiều để giao cho nhà đầu tư khai thác thu hồi vốn.
Với hình thức đầu tư PPP, mặc dù Thủ tướng đã ban hành quyết định thực hiện thí điểm, nhưng cũng chỉ dừng ở bước tìm hiểu, chưa thể thực hiện phổ biến do còn nhiều vướng mắc.
Cảnh báo tình trạng nhà thầu “giật gấu vá vai” Do vậy, chỉ căn cứ vào luật đấu thầu và vốn điều lệ doanh nghiệp mà chưa xét năng lực thực tế vào thời điểm nộp hồ sơ dự thầu thì chưa đủ. Thiếu sót này dễ xảy ra trường hợp nhà thầu nhận cùng lúc nhiều công trình. Nhà thầu năng lực yếu sau khi trúng thầu dự án này lại ứng tiền ngân sách đem đi trả nợ cho dự án khác khiến tiến độ thi công trì trệ. |