Người Trung Quốc nói gì về cuộc chiến 17/2/1979?

Sự kiện: Thời sự

Sau 40 năm, ngày càng có nhiều người Trung Quốc, nhất là các học giả và những người lính đã từng tham gia cuộc chiến tranh năm ấy nhận rõ sự thực, dũng cảm nói lên những tiếng nói phản bác lại những điều mà họ đã ngộ nhận; công bố và phân tích về những thực tế phũ phàng của “cuộc chiến.

Đã 40 năm trôi qua kể từ khi Trung Quốc huy động 60 vạn quân gồm nhiều quân đoàn chủ lực với sự yểm trợ của hàng ngàn xe tăng, trọng pháo ồ ạt mở cuộc tiến công xâm lược vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta ngày 17/2/1979. Luận điệu mà chính quyền Bắc Kinh đưa ra khi đó là, họ tiến hành cái gọi là “Chiến tranh phản kích tự vệ” để đáp trả “những hành động khiêu khích chống Trung Quốc của Việt Nam”, “chi viện cuộc kháng chiến của nhân dân Campuchia”....Rằng, họ đã giành chiến thắng và cuộc chiến “phản kích tự vệ” đó đã đạt được mục đích đề ra”.v.v. và v.v..

Người Trung Quốc nói gì về cuộc chiến 17/2/1979? - 1

Tuy nhiên, sau 40 năm, ngày càng có nhiều người Trung Quốc, nhất là các học giả và những người lính đã từng tham gia cuộc chiến tranh năm ấy nhận rõ sự thực, dũng cảm nói lên những tiếng nói phản bác lại những điều mà họ đã ngộ nhận; công bố và phân tích về những thực tế phũ phàng của “cuộc chiến tranh vô nghĩa” trái đạo lý ấy.

Ngày 16/2/1979, Hội nghị những người lãnh đạo số 1 (Bí thư) các tỉnh ủy kết thúc; sáng sớm ngày 17/2 cuộc “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” bắt đầu.

Cuộc chiến tranh diễn ra trên 3 mặt trận (chiến khu): Cam Đường – Lào Cai – Sapa; Sóc Giang – Cao Bằng – Đông Khê và Đồng Đăng – Lạng Sơn – Lộc Bình. Theo số liệu của Trung Quốc, số quân được triển khai tại biên giới khoảng 60 vạn, 1.000 xe tăng, nhưng lực lượng vượt biên giới tham gia chiến đấu thực tế chỉ khoảng một nửa (30 vạn).

Thiệt hại lớn ngoài dự kiến

Theo tài liệu “Chiến tranh Trung – Việt, bước ngoặt của Chiến tranh Lạnh”, mức độ đẫm máu, ác liệt của cuộc chiến tranh này đến giờ vẫn khiến người ta “rùng mình kinh sợ”.

Hai bên trong thời gian ngắn thây chất như núi, máu chảy thành sông mà phần lớn là của người Việt Nam vì ưu thế chiến tranh trước sau đều thuộc về phía Trung Quốc. Trung Quốc dùng 30 vạn người để đánh 10 vạn người Việt Nam.

Trong các trận đánh tiến công cụ thể, Trung Quốc thường sử dụng binh lực đông gấp từ 5 đến 7 lần để bao vây tấn công quân Việt Nam. Trung Quốc cũng chiếm ưu thế áp đảo về hỏa khí, đạn dược. Do máy bay, tên lửa, xe tăng không đảm đương vai chính trong chiến tranh nên pháo cỡ nòng lớn trở thành vũ khí sát thương có hiệu quả nhất của cả hai bên.

Trong cuộc chiến tranh này Trung Quốc đã lần lượt đưa vào lãnh thổ Việt Nam 48 trung đoàn pháo binh với hơn 2.880 khẩu pháo cỡ nòng lớn; trong khi Việt Nam chỉ có 9 trung đoàn pháo với 324 khẩu pháo cỡ lớn chống lại. Quân Trung Quốc đã bắn 883.381 quả đạn cỡ trên 82mm, lượng đạn bắn bình quân mỗi ngày nhiều gấp 6 lần Chiến tranh Triều Tiên; phía Việt Nam chỉ bắn lượng đạn không tới 1/10 số đạn Trung Quốc đã bắn”.

Cũng theo số liệu tổng kết của Cục Hậu cần Quân khu Côn Minh: “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” Tháng 2 năm 1979 chỉ kéo dài 1 tháng (họ tính từ 17/2 đến 16/3/1979), nhưng tổng cộng đã tiêu hao 1,06 triệu quả đạn pháo các cỡ, 23,8 ngàn tấn đạn, 55 triệu viên đạn nhọn; 268 xe quân sự (trong đó có 48 xe tăng) bị phá hủy, hư hỏng; bị chết 8.531 người, bị thương hơn 23.000, bị bắt làm tù binh 239, bình quân mỗi ngày có 1 trung đoàn bị loại khỏi vòng chiến.

Người Trung Quốc nói gì về cuộc chiến 17/2/1979? - 2

Lính Trung Quốc bị bắt làm tù binh.

“Thương vong lớn ngoài dự đoán là một trong những nguyên nhân khiến Trung Quốc phải kết thúc sớm cuộc chiến. Trong 2 ngày đầu, Trung Quốc đã mất hơn 4.000 quân, đến mức quân y không kịp trở tay, nhiều người bị thương rồi chết cho mất máu vì không được cấp cứu.

Khi bước vào giai đoạn tác chiến giằng co, tỷ lệ thương vong rất cao, thường là 90% đối với các đại đội xung kích, những đại đội này khi rút quân chỉ còn hơn chục người sống sót, mỗi tiểu đội chỉ còn 1-2 người”…

Dù huyênh hoang về thắng lợi trong chiến tranh, nhưng tài liệu của Trung Quốc cũng phải thừa nhận: “Điều không thể phủ nhận là người Việt Nam không im lặng chịu trận. Binh sĩ Việt Nam kinh nghiệm phong phú, từng trải chiến trận trong 3 ngày đầu tiên đã khiến quân đội Trung Quốc thương vong nặng nề, 10 sĩ quan chỉ huy cấp sư đoàn bị chết, chiếm một nửa tổng số cán bộ cấp sư đoàn bị chết trong toàn bộ cuộc chiến tranh; nhất là ở khu vực Cao Bằng, du kích Việt Nam đã giáng cho lực lượng vận tải hậu cần những đòn đau.

Người Việt Nam sử dụng chiến thuật phục kích, tập kích khiến lực lượng tiến công của quân đội Trung Quốc trở nên khá hỗn loạn. Ở các đơn vị tác chiến quân đoàn 13, 43 và 54 thậm chí xảy ra sự kiện khi bị phục kích sĩ quan bỏ lại đơn vị tháo chạy; một tiểu đoàn của trung đoàn 448, quân đoàn 50 bị bao vây có 219 người bị bắt làm tù binh, trong khi phía Việt Nam không có bất cứ trung đoàn nào có số người bị Trung Quốc bắt nhiều như thế”.

Cuộc chiến phi nghĩa theo ý đồ cá nhân

Trang web Honggehui của Trung Quốc ngày 25/2/2014 đăng bài “35 năm Chiến tranh Trung – Việt: ai là người thắng?”.

Tác giả bài báo bày tỏ nghi ngờ về luận điệu tuyên truyền Trung Quốc tiến hành chiến tranh đánh Việt Nam là để “Phản kích tự vệ”, cho rằng: “Mấy chữ Phản kích tự vệ sử dụng khi đó có lẽ rất không thiết thực. Đánh nhau, mọi người đều biết, cần phải tránh đánh cả hai phía, đó là việc lớn mà binh gia phải xét đến đầu tiên. Vì sao Việt Nam lại vừa giúp lực lượng nổi dậy của Hun Sen đánh Polpot, lại đồng thời khiêu khích Trung Quốc ở biên giới? Điều này rất không hợp lẽ thường!”

Khi đó tuyên truyền Việt Nam gây bao nhiêu vụ khiêu khích. Cứ cho là tuyên truyền hoàn toàn có thực đi chăng nữa thì họ cũng đâu có đánh sang đất ta? Sự việc hoàn toàn có thể giải quyết thông qua các con đường ngoại giao, chính trị. Lẽ nào chúng ta chỉ vì người hàng xóm đổ nước rửa chân trước cửa nhà mình mà dỡ nhà người ta, đốt nhà họ? Lẽ nào chỉ vì người bạn học thụi mình một quả mà mang dao ra đâm họ mười mấy nhát? Phát động một cuộc chiến tranh, đi “dạy một bài học” cho người bạn nhỏ không hề xâm lược nước mình, liệu có thể gọi đó là “tự vệ” được sao?...

Tác giả cho rằng, trên thực tế, cuộc chiến tranh năm 1979 hoàn toàn là phóng đại sự việc cho thích ứng với nhu cầu của người Mỹ, chỉ gây thiệt hại đau khổ mà không hề có chút lợi gì cho nhân dân hai nước Trung – Việt... Cuộc chiến tranh này khiến Trung Quốc cởi bỏ sự ràng buộc của ý thức hệ, một cuộc chiến đã khiến Trung Quốc được ngả vào hệ thống kinh tế thế giới do phương Tây chủ đạo, giành được cơ hội phát triển hiếm có. Xét về ý nghĩa đó, cuộc “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” không có gì khác là bản báo công. Thậm chí có tin đồn nói, ông X. (ám chỉ Đặng Tiểu Bình) chạy sang Mỹ nói sẽ “dạy cho Việt Nam một bài học”, nói nào là “trẻ con không vâng lời, phải quất vào mông”. Đó là những lời lẽ gì vậy? Chỉ vì Trung Quốc nước lớn hơn Việt Nam thì có tư cách dạy dỗ nước nhỏ sao?...

Người Trung Quốc nói gì về cuộc chiến 17/2/1979? - 3

Thực ra, ý đồ thực sự của người nào đó dạy dỗ người bạn nhỏ Việt Nam vốn không nằm ở chỗ “tự vệ”. Đánh xong, quân quyền đã nắm được; Hoa Quốc Phong, Uông Đông Hưng đều bị rớt đài. Đối ngoại làm hài lòng người Mỹ; đối nội thì di chuyển được mâu thuẫn xã hội, loại bỏ được những người khác chính kiến, thế thì ngu gì mà không đánh...Như lời tướng Lưu Á Châu đã nói: phát động chiến tranh Trung – Việt là vì “cần phải xác lập quyền uy tuyệt đối trong đảng. Muốn đánh nhau, muốn cải cách thì phải có quyền uy; biện pháp xác lập quyền uy nhanh nhất là đánh nhau”. Cuộc chiến tranh này là đánh vì người Mỹ. Vả lại, người nào đó quả thật còn rất thích dạy dỗ người khác”.

Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Cao Thiện Văn, nhà phân tích hàng đầu của Công ty “An Tín Chứng khoán” Thiên Tân (Essence Securities) ngày 28/7/2018 đã có bài diễn thuyết trong hơn 70 phút với chủ đề chính là quan hệ Trung – Mỹ và Chiến tranh thương mại Trung – Mỹ được đưa lên Youtube và được nhiều trang mạng đăng lại.

Tiến sĩ Cao Thiện Văn công khai nói: “Tiến hành cái gọi là “Chiến tranh phản kích tự vệ” đánh Việt Nam khi xưa là bản lập công về ngoại giao để Mỹ chấp nhận Trung Quốc”. Ông nói: “Đặng Tiểu Bình sau khi được phục hồi đã làm một việc rất quan trọng, đó là quyết định đánh Việt Nam, ảnh hưởng đến mấy chục năm lịch sử sau đó của Trung Quốc. Trước năm 1979, Trung Quốc đã bỏ nhiều công sức giúp Việt Nam đấu tranh chống Mỹ; trong một thời gian dài quan hệ Trung – Việt như anh em một nhà. Đặng Tiểu Bình từng nói, Trung Quốc mở cửa đối ngoại là mở cửa với Mỹ, không mở với Liên Xô hay châu Âu, cũng chẳng với Mỹ La tinh. Vấn đề là ở chỗ, tiền đề mở cửa với Mỹ là phải được Mỹ chấp nhận. Giữa Trung Quốc và Mỹ tồn tại rất nhiều vấn đề, bao gồm viện Triều chống Mỹ, giúp Việt Nam, làm sao Mỹ có thể chấp nhận Trung Quốc? 

Đánh Việt Nam chính là lập công dâng lên Mỹ, khiến Mỹ vui vẻ giang rộng vòng tay và chấp nhận Trung Quốc. Sau khi Đặng thăm Mỹ và hội đàm với Tổng thống Jimmy Carter, đã nói với Carter: chúng tôi quyết định đánh Việt Nam; sau đó Mỹ đưa cho một bản danh mục liệt kê những thứ trang bị quân sự Mỹ cung cấp cho Trung Quốc để đánh Việt Nam. Đẳng cấp của số viện trợ quân sự Mỹ giành cho Trung Quốc khi đó vượt quá đẳng cấp những thứ Mỹ dành cho các đồng minh của họ. Mỹ nhanh chóng nâng cấp Trung Quốc thành quan hệ hữu hảo phi đồng minh, cho Trung Quốc được hưởng đãi ngộ cao hơn cả các nước đồng minh trên nhiều phương diện.

Vì sao Mỹ lại làm như thế? Có hai nguyên nhân: Một là, Mỹ bị xơi quả đắng ở Việt Nam nên căm thù; hai là, Mỹ và Liên Xô nước lửa không dung nhau về ý thức hệ, Việt Nam là anh em của Liên Xô; Trung Quốc đánh Việt Nam cho thấy sự cắt đứt hoàn toàn của Trung Quốc với Liên Xô và chuyển hướng sang Mỹ. Điều này đã đặt cơ sở nền móng cho cải cách mở cửa của Trung Quốc; vì vậy cải cách mở cửa của Đặng Tiểu Bình không phải được quyết định sau khi suy nghĩ giản đơn, mà là xem xét toàn diện cục diện toàn cầu và có sự mạo hiểm nhất định. Liên Xô không động binh với Trung Quốc bởi vì binh lực của họ bố trí ở biên giới Trung – Xô rất mỏng; kỳ thực Liên Xô không hiểu rõ về quan hệ Trung – Mỹ, sợ ném chuột vỡ bình quý, không dám ra tay hành động. Về phía Trung Quốc mà xét, đó là Đặng Tiểu Bình đem vận nước ra đánh cược, rất mạo hiểm”.

Đã 40 năm trôi qua kể từ khi xảy ra cuộc Chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979; hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã bình thường hóa quan hệ, Hiệp định phân định biên giới trên bộ đã được ký kết và công tác phân giới cắm mốc đã hoàn thành, biên giới trên bộ đã thực sự là đường biên giới hòa bình, hợp tác. Hai nước tuy còn một số bất đồng, tranh chấp trên Biển Đông, nhưng hai bên thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, duy trì cơ chế trao đổi, đàm phán để giải quyết. Quan hệ về chính trị, ngoại giao hai bên chặt chẽ; hợp tác về kinh tế, thương mại đang phát triển rất nhanh. Hai nước hiện nay đang tích cực phát triển quan hệ hợp tác toàn diện trên các mặt...

Tuy nhiên, lịch sử là lịch sử! Chiến tranh biên giới phía Bắc là một câu chuyện buồn trong lịch sử, một câu chuyện buồn trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Dẫu vậy, nó vẫn là lịch sử, cầng phải được nhìn nhận với sự thật đầy đủ. Sẽ không thể không nhắc đến ngày 17/2/1979, ngày mà hàng ngàn chiến sĩ, đồng bào chúng ta đã hy sinh để bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Cần thiết phải nhắc để nhân dân ta và các thế hệ sau ghi nhớ, biết ơn và tôn vinh những chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh để bảo vệ biên cương Tổ quốc, như chúng ta đã và sẽ vẫn tôn vinh bao nhiêu anh hùng liệt sĩ trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.  Chiến tranh biên giới tháng 2/1979 không thể bị lãng quên.

Chuyện 2 bé gái chạy quân Trung Quốc lạc cha mẹ 23 ngày trong rừng

Tháng 2.1979, khi quân xâm lược Trung Quốc tràn đến, hai chị em Lê Thị Bẩy (9 tuổi), Lê Thị Bay (7 tuổi) xóm 3, xã Hưng Đạo,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sỹ Hòa ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN