Người phụ nữ đổi đời nhờ bới được 11 cây vàng từ bãi rác

Trong khi bới rác, chị Nguyễn Thị Ngà (34 tuổi, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) tình cờ nhặt được… một cơ hội đổi đời.

Hôm đó, trong lúc mải mê bới tìm rác từ một chiếc xe tải vừa tập kết về, chị phát hiện túi bóng màu xanh chứa đầy giẻ rách. Xé cái túi ra, chị ngỡ ngàng thấy một miếng vàng và một dây gồm 10 miếng màu vàng giống nhau, tất cả đều in rõ chữ SJC 9999. Nhiều năm trôi qua, món lộc trời ấy đã giúp cả gia đình chị đổi đời, cuộc sống ngày một sung túc.

Nhặt được vàng từ đống rác

Thời gian trôi qua, câu chuyện đổi đời kỳ lạ của chị Ngà vẫn được nhiều người nhớ nằm lòng. Tìm về xã Bắc Sơn, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy ngôi nhà mới khang trang, khuôn viên được quy hoạch gọn gàng, đẹp đẽ. Ngoài sân, chị Ngà đang cặm cụi phân loại đống phế liệu ngổn ngang để mang ra đại lý bán. Vừa thoăn thoắt gom phế liệu, chị Ngà vừa tươi cười kể cho chúng tôi nghe câu chuyện may mắn “bới rác” tìm được số vàng khổng lồ một cách chi tiết và tỉ mỉ.

Người phụ nữ đổi đời nhờ bới được 11 cây vàng từ bãi rác - 1

Chị Ngà chia sẻ với phóng viên

Chị Ngà sinh ra và lớn lên trên đất Bắc Sơn. Đây là nơi tập trung nhiều người nhặt rác nhất Hà Nội, trong đó xóm Trại đóng góp lực lượng đông đảo nhất. Chị Ngà cho biết: “Năm 1998, vợ chồng tôi cưới nhau chỉ có hai bàn tay trắng. Ra ở riêng, chúng tôi phải đi làm thuê làm mướn rồi vay mượn thêm xây dựng căn nhà nhỏ. Ngôi nhà thành hình thì cũng là lúc, gánh nợ oằn vai đè xuống, khiến hai vợ chồng chỉ biết bảo nhau quần quật làm lụng”.

Cưới nhau được hai năm, thấy người làng đổ xô đi nhặt rác, chị Ngà cũng thôi việc làm thuê, ngày ngày đạp xe lên đường. Thấm thoắt, chị tính nhẩm đã gắn bó với nghề bám bãi rác được 14 năm. Chị nhớ lại: “Hồi đó, bãi còn cho bới theo ca ngày, từ 12h trưa đến 17h chiều. Rác sinh hoạt đổ lộn xộn cùng chất thải công nghiệp, y tế nên lắm khi bới được cả mẫu bệnh phẩm của người sau phẫu thuật. Làm nhiều quá quen tay, có thời gian bụng mang dạ chửa đến tháng thứ bảy nhưng tôi vẫn vác bao tải, móc sắt đi bới rác”.

Vận may nối tiếp vận may, trong suốt 14 năm hành nghề bới rác, chị Ngà còn nhiều lần gặp may khác. Chị vẫn thi thoảng nhặt được tiền, lần ít là 100.000 đồng, 200.00 đồng. Cách đây ba năm, chị Ngà còn nhặt được 200 USD và 5 triệu đồng. “Tôi tìm ra 'mẫu số chung' là tiền thường nằm trong những chiếc ví cũ, trong gối, trong gói giấy, túi xách và phong bì. Lắm khi có cái phong bì quên chưa bóc đã bị quẳng nhầm ra bãi rác, trong đó còn ghi rõ “Chúc mừng hạnh phúc hai cháu” hay “Kính viếng vong hồn cụ”…”, chị Ngà hài hước chia sẻ. Nhưng có lẽ, kỷ niệm không thể nào quên trong đời làm nghề của chị vẫn là lần nhặt được 11 cây vàng.

“Tôi vẫn còn nhớ như in cái ngày 25/12 Âm lịch, giáp Tết năm 2009, thời điểm cả nghìn người bới rác phải căng sức tranh thủ làm kẻo bãi đóng cửa hết tuần. Đang bới số rác chiếc xe tải mới tập kết về, tôi phát hiện một túi bóng màu xanh, trong đó có chứa đầy rẻ rách và những thứ vớ vẩn. Xé túi ra, tôi thấy một miếng rời màu vàng và một dây gồm 10 miếng màu giống như thế. Tất cả đều in rõ chữ SJC 999 của công ty vàng bạc gì đó ở Sài Gòn”.

“Giấu cái dây trị giá 11 lượng vàng và trong bao tải chứa rau thừa, tôi đem một miếng vào cho anh bảo vệ bãi rác xem vì vẫn nghi ngờ đó là vàng giả. Từ nhỏ tới giờ, tôi có được nhìn, được cầm đến vàng đâu. Sau khi lấy dao gọt một tí ở bên cạnh, anh bảo vệ xác định đó chính là vàng thật. Lúc đó, tôi thấy mình lâng lâng, cảm giác vừa mừng, vừa sợ. Cái nghề bới rác này có chăng nhặt nhạnh lại chỉ là những thứ thừa thãi, vụn vặt, bẩn thỉu nhất người ta bỏ đi chứ ai ngờ lại nhặt được cả dây vàng. Cầm trong tay 11 cây vàng, số tài sản lớn nhất trong đời, tôi vừa đạp xe về, vừa suy nghĩ miên man. Cả khối tài sản kếch xù như thế, vợ chồng tôi quần quật làm lụng hết đời cũng chẳng tích cóp nổi”, chị Ngà kể lại.

Người phụ nữ đổi đời nhờ bới được 11 cây vàng từ bãi rác - 2

Ngôi nhà khang trang được xây dựng và sửa sang sau khi chị Ngà nhặt được “lộc trời”.

Đổi đời sau khi được lộc “trời cho”

Người dân đang dần bỏ nghề bám bãi rác

Ông Đặng Quốc Hưng (Trưởng thôn nơi chị Ngà sinh sống) cho biết: “Thời điểm mấy năm trước, theo con số thống kê có khoảng 200 hộ trong thôn tham gia bới rác với trên 300 lao động. Trước đây, chính quyền có chủ trương tuyên truyền cho người dân không đi nhặt rác vì ô nhiễm nhưng cả trăm người phản đối kịch liệt. Bới rác là nghề kiếm miếng ăn nuôi sống bao người nơi đây. Nhiều người giàu lên nhờ nghề bới rác. Hiện nay, các công ty may, công ty điện tử mọc lên nhiều nên số người tham gia bới rác đã giảm đáng kể”.

Tin chị Ngà nhặt được vàng lan đi rất nhanh, anh em họ hàng, những người bạn cùng đi nhặt rác kéo đến chật nhà để chúc mừng. Vợ chồng chị Ngà lo lắng lắm bởi các cụ vẫn hay nói: “Nhặt được bạc thì sang, nhặt được vàng thì lụi”. “Ngay sau khi mang vàng về nhà, vợ chồng tôi quyết định bỏ ra 10 triệu đồng để làm lễ tạ trời đất, ông bà tổ tiên. Sau đó, vợ chồng tôi thịt ngay con lợn đang nuôi, làm 20 mâm cỗ thiết đãi họ hàng, làng xóm một bữa ra trò”, chị Ngà chia sẻ.

Sau đó, vợ chồng chị Ngà đi xuống phố Nỉ (Sóc Sơn) bán vàng. Chị vẫn nhớ, giá vàng khi ấy là 27 triệu đồng/lượng. “Tổng số vàng vợ chồng tôi bán được là 297 triệu đồng”, chị kể. “Với số tiền đó, vợ chồng tôi cũng coi như mình may mắn. Nghĩ thế, chúng tôi biếu tiền bố mẹ, để ông bà an dưỡng tuổi già, hỗ trợ các anh em đang có nhu cầu làm ăn… coi như lộc trời chia cho mỗi người một chút”. Số tiền còn lại, vợ chồng chị trang trải nợ nần từ ngày làm nhà và sửa sang quy hoạch lại nhà cửa, sắm sửa đồ đạc trong nhà đầy đủ.

Khi ấy, thấy nhà người ta cũng đi bới rác mà xây nhà cao, cửa rộng, vợ chồng chị cũng tính làm nhà tầng. Nhưng suy đi tính lại, chị Ngà lại cho rằng nên biến số tiền còn lại thành vốn làm ăn. “Mua sắm, tiêu pha, xây nhà thì 11 cây vàng chứ gấp 10 lần số ấy rồi cũng tiêu tán. Mình là dân lao động nên nghĩ cách để đẻ ra tiền. Có như vậy, “lộc trời” mới không bị uổng phí”, chị Ngà tâm sự. Thế rồi sau nhiều đêm trăn trở, anh chị quyết định dốc toàn bộ số tiền mua thuyền đi hút cát. Một năm sau, việc làm ăn trục trặc, hai vợ chồng phải bán thuyền nhưng may mắn thu hồi được vốn bỏ ra ban đầu. Từ ấy, chị Ngà tần tảo trở lại nghề bám bãi rác. Số tiền còn dư, anh chị gửi tiết kiệm cho các con ăn học, tuyệt không tiêu phạm vào.

Ngồi tâm sự với chúng tôi, chị Ngà bảo: “Mỗi ngày, tôi nhặt đủ loại, từ sắt, rau cho heo, củi mang về phân loại bán. Nhờ vậy, thu nhập bình quân cũng được 150.000 đồng/ngày. Thu nhập ấy, cộng thêm công lao động của chồng đã giúp gia đình có cuộc sống ổn định. Tôi vẫn thầm nghĩ, nền tảng ngày hôm nay có được chính là nhờ biết chắt chiu vận may nhặt được 11 cây vàng năm đó. Nhưng có lẽ, hạnh phúc lớn nhất không phải là vàng mà chính là những đứa con ngoan ngoãn, học hành. Con cái, xét đến cùng, mới là điều quan trọng nhất trong cuộc đời”.

Hiện tại, chị Ngà đang nộp đơn xét tuyển vào công ty may tại Thái Nguyên. Nhiều năm làm ở bãi rác, giờ nghỉ chị cũng thấy tiếc. Nhiều người còn khuyên chị cứ túc tắc mà đi làm, số lại may mắn, biết đâu còn nhặt được tài sản khác quý giá nữa nhưng chị không mặn mà. “Cháu lớn năm nay đang học lớp 8, nó hay động viên viên tôi tìm việc khác để làm. Con gái lo mẹ làm ở trong môi trường ô nhiễm sẽ bị ảnh hưởng tới sức khỏe. Nghe con nói, tôi cũng thấy hợp lý nên mới quyết định chuyển nghề”, chị Ngà lý giải.

Mặt trái cuộc mưu sinh

Tâm sự về ý định bỏ nghề bới rác, chị Ngà chia sẻ: “Nghề nhặt rác cũng tiềm ẩn rất nhiều hiểm nguy”. Ai ra bãi rác cũng muốn có bát cơm ăn chứ không ai muốn húp cháo nên cạnh tranh nhau quyết liệt lắm. Trước đây, xe ô tô vừa đổ, người dân đã lao vào làm, lắm khi rác trùm kín cả người. Giờ thấy nguy hiểm, xí nghiệp ra quy định xe đổ xong mới cho người vào bới, thế mà vẫn có trường hợp hít phải khí độc, ngất lịm phải đi cấp cứu.

Rồi có nhiều trường hợp giẫm phải đinh, phải mảnh sành, bơm kim tiêm rất nguy hiểm. Tiền nhặt rác không nổi tiền chi phí thuốc men nên tôi quyết định chuyển qua nghề khác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Khuê (Đời sống & Hôn nhân)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN