Người phụ nữ 20 năm nuôi trẻ lạc loài

Ròng rã suốt 20 qua, cô Hà Kim Liên (59 tuổi, trụ trì chùa Vĩnh An Đường, Q10, TP.HCM) đã cưu mang và nuôi dưỡng 10 đứa trẻ bất hạnh bị ba mẹ bỏ rơi hoặc có hoàn cảnh khốn khó. Với đôi bàn tay bé nhỏ của một vị sư nữ, một mình nuôi nấng chục đứa trẻ là điều rất khó khăn và gian khổ.

Người mẹ “bất đắc dĩ”

Trong ngôi chùa nhỏ nằm trên đường Nguyễn Tiểu La (Q10, TP.HCM) vẫn luôn rộn rã tiếng cười của những đứa trẻ thơ lạc lõng được bao bọc bởi một vị sư nữ. Những đứa trẻ này đều gọi vị sư nữ này là mẹ và luôn quấn quýt bên cô suốt ngày. Tình thương bao la của người phụ nữ này đã khiến nhiều người dân sống cạnh đó phải động lòng trắc ẩn khi nhìn thấy sự hi sinh và tấm lòng thương yêu trẻ nghèo của cô.

Chúng tôi có dịp tiếp xúc với cô Kim Liên vào một buổi chiều yên ả giữa một phố thị đông đúc và ồn ào. Tiếp chúng tôi trong gian nhà nhỏ với hai chiếc ghế nhựa giản dị, cô Kim Liên với khuôn mặt phúc hậu, khiêm tốn kể cho chúng tôi nghe về hoàn cảnh bi thương của những đứa trẻ mà cô đưa về nuôi dưỡng. Cô cho biết: Vốn xuất thân từ một đứa trẻ nghèo, gia đình có tới 7 người con nên hoàn cảnh rất khốn khó. Cũng bởi sự nghèo đói và khốn khó mà năm lên 8 tuổi cô đã được ba mẹ gửi vào chùa Vĩnh An Đường nhờ các sư nuôi dưỡng.

Được sự đùm bọc, nuôi dưỡng của những vị sư trong chùa, Kim Liên lớn lên và giờ đây chính cô là người tiếp quản công việc coi sóc ngôi chùa ấy. Ý thức được công lao nuôi dưỡng của những vị sư trước đây đã từng cưu mang mình, cô Kim Liên cũng muốn làm được một điều gì đó để giúp những đứa trẻ có hoàn cảnh khốn khó. Với tâm niệm ấy, cô đã tìm đến những đứa trẻ bị ba mẹ bỏ rơi ở các nhà bảo sinh để đưa về nuôi nấng.

Cô Kim Liên nhớ lại cái ngày nhận đứa trẻ đầu tiên về nuôi dưỡng: “Năm 1993 tôi bắt đầu nhận một đứa con gái từ nhà bảo sanh về nuôi. Đây là quãng thời gian đáng nhớ nhất trong đời tôi vì đó là lần đầu tiên tôi nuôi trẻ. Vì là lần đầu nên không có bất cứ kinh nghiệm nào, những lần nó ốm hay đói tôi rất lo lắng bởi không biết xử trí thế nào. Những lần ấy đều phải nhờ những người dân trong xóm giúp đỡ hoặc phải đưa đến bệnh viện cấp cứu”…

Người phụ nữ 20 năm nuôi trẻ lạc loài - 1

Cô Kim Liên ân cần hướng dẫn cho những đứa trẻ học tập

Cô Liên nở một nụ cười hiền hậu rồi nói tiếp: “Thời gian ấy rất vất vả và cơ cực, vốn từ nhỏ sống trong chùa và không hề biết cách chăm sóc trẻ con như thế nào nên mọi thứ đối với cô lúc ấy đều trở nên khó khăn. Hơn nữa, con bé mà cô xin về lại thiếu tháng, sức khỏe yếu lại bệnh liên miên khiến cô lúc nào cũng lo lắng và để mắt tới nó. Thấy cô không có kinh nghiệm nuôi trẻ, lại bận chuyện coi sóc chùa nên một số phật tử đã giúp cô chăm sóc và nuôi nấng, nhờ vậy mà con bé mới sống được”, cô Liên tâm sự.

Sự hi sinh cao cả và ước mong bé nhỏ

Hiện tại, tổng cộng cô Kim Liên đang nuôi dưỡng 10 đứa con gái và hai bà cụ neo đơn. Và để làm được điều ấy, một phụ nữ bé nhỏ đã phải trải qua không ít những khốn khó, vất vả mưu sinh để nuôi dưỡng những đứa trẻ nghèo này. Cô Kim Liên cho biết, ngoài hai đứa trẻ trên 8 đứa còn lại cô đều nhận từ các nhà bảo sanh trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đem về nuôi. “Sau khi làm mọi thủ tục để nhận nuôi những đứa trẻ này tôi cũng rất lo lắng bởi đã nhận chúng về thì phải làm sao lo được cho chúng ăn học đầy đủ. Nhìn chục đứa trẻ nheo nhóc, gầy yếu mà cô không kiềm lòng được và cô nhủ với lòng mình là phải chăm lo cho những đứa trẻ tội nghiệp này…

Cô Kim Liên còn nhớ những tháng ngày khốn khó mà mình đã trải qua: “Những năm đó chùa nghèo, lại có thêm 10 đứa trẻ nên việc lo đủ cái ăn cho chúng là điều rất khó khăn. Thời gian ấy, có lúc cô phải đi vận động các nhà hảo tâm quen biết với chùa để có đủ lương thực, thực phẩm… và cô phải cặm cụi một mình đi lượm củi về nhóm bếp nấu cho những đứa trẻ ăn. Lúc đó, thấy vị sư nữ một mình nghèo khổ nuôi những đứa trẻ nghèo nên những người xung quanh đã ủng hộ tiền, thức ăn… để phụ cô Liên nuôi những đứa trẻ ấy.

Mặc dù có nhiều sự giúp đỡ của người dân sống xung quanh nhưng chừng ấy vẫn không đủ để chăm lo cho 10 đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn. Và để có thể lo cho những đứa trẻ này, cách đây 12 năm cô Kim Liên đã quyết định mở một quán cơm chay để có tiền nuôi đàn con thơ, cũng là nơi để các con qua ba bữa mỗi ngày. Nói về việc này cô Kim Liên tâm sự: “Sợ các con đang tuổi lớn, ăn chay không đủ dinh dưỡng nên cô đã nhờ người nấu thức ăn mặn cho con ăn thêm để có sức khỏe. Tôi thì suốt mấy chục năm đều ăn chay nhưng những đứa trẻ này cần sức để lớn, để học nên tôi dành riêng cho chúng những phần ăn đầy đủ dinh dưỡng hơn. Thế nhưng, mỗi tháng những đứa trẻ này đều ăn chay 2 ngày để tu tâm tu trí”.

Được biết, những đứa trẻ được cô Kim Liên nuôi dưỡng đều đặt tên theo họ Hà của cô, riêng cô chị lớn Hà Kim Linh vẫn giữ tên cũ theo di nguyện của mẹ ruột. Với những khó khăn tưởng không thể vượt qua trên đôi vai bé nhỏ của một vị sư nữ, thế nhưng những đứa trẻ mà cô Liên mang về nuôi dưỡng đều được cô chăm sóc chu đáo như những đứa con ruột thịt của mình. Những đứa trẻ này giờ đây, ngoài giờ học ở trường, mười cô gái còn được học thể dục, tiếng Anh, tiếng Hoa, thổi sáo, nữ công gia chánh… do cô và những người tình nguyện đến chùa dạy miễn phí. Cô Liên cũng cho biết, nhiều người thấy hoàn cảnh của cô nên đã giúp đỡ cô bằng những bữa ăn chay tại quán cơm chay của cô trên đường Nguyễn Tiểu La (Q.10, TP.HCM).

Khi nhận nuôi các con, sư nữ Kim Liên chưa bao giờ có ý định ép buộc các con phải theo con đường tu hành. Cô chỉ mong chúng học hành thành tài, sau này có thể lo lắng cho bản thân và giúp đỡ được những người nghèo khác. Cô cũng âm thầm ước nguyện, trong mười đứa sẽ có một đứa có duyên với con đường tu đạo, kế nghiệp trụ trì chùa và lo cho những người nghèo khó.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hà An (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN