Người dân Đà Nẵng lo phải sống chung với lũ nhiều ngày

Mưa lớn tiếp diễn đã khiến nhiều khu dân cư ở Đà Nẵng tiếp tục ngập sâu trong nước. Trong khi dự báo trong những ngày tới sẽ có mưa, lũ khiến người dân nơm nớp lo phải sống chung với lũ dài ngày.

Khu chợ Hoà Cầm (quận Cẩm Lệ) bị nước tấn công trong đêm. Ảnh: Thanh Trần

Khu chợ Hoà Cầm (quận Cẩm Lệ) bị nước tấn công trong đêm. Ảnh: Thanh Trần

Đến chiều 14/10, nhiều khu vực tại Đà Nẵng vẫn bị nước bủa vây. Đặc biệt, tại khu dân cư ở đường Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu), 1.700 hộ dân với hơn 5.110 nhân khẩu đã được các lực lượng đưa đến nơi tránh lũ an toàn ngay trong đêm. Đây là khu vực ngập sâu và được xem là “rốn lũ” tại Đà Nẵng.

Tương tự, tại khu vực Khe Cạn (quận Thanh Khê) nơi dự án cống thoát nước vướng đền bù giải tỏa cả chục năm nay chưa thể xong khiến nước ngập cao, người dân phải kê đồ và di dời người ra khỏi vùng nguy hiểm.

Trong khi đó, để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, Điện lực đã tiến hành cắt điện tại các khu dân cư ngập sâu để đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ rò rỉ điện. Đến chiều ngày 14/10, một số khu vực dân cư ở Đà Nẵng nước ngập sâu, dân vẫn chưa có điện trở lại.

Lực lượng chức năng sơ tán người dân ra khỏi những vùng ngập sâu. Ảnh: Thanh Trần

Lực lượng chức năng sơ tán người dân ra khỏi những vùng ngập sâu. Ảnh: Thanh Trần

Tại huyện Hòa Vang, hàng trăm nhà dân bị ngập, ruộng đồng trắng xoá. Nhiều nhất tại các xã Hòa Nhơn, Hòa Sơn, Hòa Phong. Một số tuyến đường nước dâng cao cả mét bị phong toả. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng cho hay, có hơn 3.700 người dân được sơ tán đến nơi an toàn. Trong đó phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) nhiều nhất với gần 3.200 người.

Trong ngày lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã phân công nhau đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống mưa, ngập lụt tại các vũng trũng thấp.

Có mặt tại khu vực dân cư ở đường Mẹ Suốt, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã yêu cầu chính quyền quận Liên Chiêu tăng cường, huy động thêm lực lượng, phương tiện khẩn trương di dời người dân nhất là người già, trẻ nhỏ ra khỏi vùng thấp, ngập lụt, vùng có nguy cơ.

Sau khi di dời dân, cần phải bố trí lực lượng canh gác, không để người và phương tiện đi vào vùng ngập sâu, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân.

Dù nước đã rút bớt nhưng kiệt trước nhà vẫn ngập sâu. Ảnh: Giang Thanh

Dù nước đã rút bớt nhưng kiệt trước nhà vẫn ngập sâu. Ảnh: Giang Thanh

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu các quận huyện, đơn vị chức năng duy trì triển khai các hoạt động ứng phó với mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất... Tăng cường các hoạt động sơ tán nhân dân, nhất là tại các khu vực nguy hiểm trước 16h. Đảm bảo lương thực, thực phẩm cho nhân dân vùng bị ngập lụt, sạt lở đất và tại các địa điểm sơ tán dân, không để người dân bị thiếu đói, mưa rét…

Rạng sáng 14/10, Công an quận Liên Chiểu đã tiếp cận ngôi nhà có người mắc kẹt tại kiệt 161 đường Mẹ Suốt do nước chảy xiết. Lực lượng chức năng đã sử dụng phao tròn, áo phao, dây cứu nạn cứu hộ để di chuyển 12 người mắc kẹt tại đây đến nơi an toàn.

Mực nước tại hiện trường lúc lực lượng chức năng tiếp cận sâu từ 0,8m đến 2,2m. Sau gần 1,5 tiếng ứng cứu, lực lượng chức năng đã đưa 2 người già, 9 trẻ em và 1 phụ nữ thoát khỏi nơi nguy hiểm.

Cuốc bộ gần 2km từ Ủy ban phường về lại nhà, bà Văn Thị Thuận (59 tuổi, tổ 36 phường Hòa Khánh Nam) ngỡ ngàng khi nước ở trước nhà vẫn ngập gần 1 mét. Ngồi trong điểm sơ tán, nghe mọi người kháo nhau nước rút bớt, bà khấp khởi mừng, vội trở về nhà để dọn dẹp và lấy thuốc men, quần áo.

Ướt đẫm trong dòng nước đỏ au, bà Thuận ngao ngán nhìn cái sân trước nhà vẫn ngập lưng đầu gối, đồ đạc trôi lênh láng. Cả xóm của bà Thuận đã đi sơ tán hết, trận lụt năm trước khiến ai cũng sợ.

“Cũng vừa tròn đúng một năm, nhắc lại tui vẫn thấy rùng mình. Sống mấy chục năm trên đời, tui chưa thấy trận lụt nào khủng khiếp như vậy. Hồi đó nước ngập đến cổ, hai mẹ con vùng vẫy kêu cứu khắp nơi, may mà vẫn thoát được”, bà Thuận kể lại.

Người dân ôm đồ đạc chạy lũ. Ảnh: Giang Thanh

Người dân ôm đồ đạc chạy lũ. Ảnh: Giang Thanh

Cởi chiếc áo phao ướt đẫm trả lại cho lực lượng dân phòng trước điểm chốt, Cao Nhật Nhơn (SV ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng) đeo chiếc ba lô to chất đầy quần áo, đồ ăn và laptop, chuẩn bị trở lại điểm sơ tán. Tất cả những gì giá trị nhất của cậu sinh viên năm cuối bỏ gọn trong chiếc ba lô. Chiều tối hôm qua, thấy nước bắt đầu dâng lên, Nhơn cùng mọi người trong xóm trọ gom vội ít quần áo chạy lụt.

“Năm ngoái em ở kiệt đối diện chỗ này, trận ngập đó em về quê, đến khi trở ra lại, nhìn phòng trọ ngập bùn muốn nản. Năm nay, em chuyển qua chỗ mới, cũng ngập. Ai cũng rén trận lụt năm ngoái nên giờ cứ thấy nước lên là chạy ngay, không ai dám nán lại lâu”, Nhơn kể.

Đường kiệt ngập nước, chảy xiết, càng vào trong, nước càng sâu và xoáy. Dù biết bơi nhưng Nhơn vẫn sợ, phải cẩn thận tròng áo phao vào mới dám lội. “Vào đến phòng trọ, em cũng gom nhanh đồ rồi trở ra chứ sợ mưa lớn, nước dâng thì chạy không kịp”, Nhơn nói.

Càng về tối, cơn mưa nặng hạt lại xối xả đổ xuống, dòng người ôm theo đồ đạc hối hả lội từ các kiệt, hẻm sâu ra lại đường Mẹ Suốt để về nơi sơ tán với bộn bề nỗi lo.

Theo dự báo của cơ quan khí tượng, thủy văn từ 14 - 16/10, Đà Nẵng tiếp tục có mưa to, mưa rất to và dông. Tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm, có nơi trên 500mm. Trên sông Vu Gia và các sông thuộc TP Đà Nẵng khả năng xuất hiện một đợt lũ.

Trong đợt lũ này, biên độ lũ lên trên thượng nguồn sông Vu Gia đạt từ 4 -6m, hạ lưu đạt từ 1 - 2m. Đỉnh lũ trên sông Vu Gia và các sông thuộc Đà Nẵng ở mức báo động 1 đến báo động 2.

Nguồn: [Link nguồn]

Mưa sầm sập đổ xuống Hà Tĩnh đến Quảng Bình

Dự báo thời tiết miền Trung hôm nay tiếp tục mưa rất lớn, đặc biệt là từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình, có nơi trên 700mm. Miền Bắc có nắng, đêm se lạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo GIANG THANH - NGUYỄN THÀNH - THANH TRẦN ([Tên nguồn])
Lũ lụt ở miền Trung Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN