Ngư dân kể lại giây phút cứu phi công Su-30MK2 giữa biển

"Tôi nghe tiếng kêu cứu văng vẳng giữa biển khơi. Cùng lúc đó giữa biển xuất hiện một đốm lửa nhỏ".

Ngư dân kể lại giây phút cứu phi công Su-30MK2 giữa biển - 1

Ngư dân Phạm Xuân Lệ chia sẻ về việc cứu sống thiếu tá Nguyễn Hữu Cường trên biển khơi

Đến thời điểm hiện tại, đoàn cứu hộ đã đưa thiếu tá Nguyễn Hữu Cường vào đất liền an toàn. Ông Phạm Xuân Lệ - chủ tàu cứu sống phi công Cường đã kể lại khoảnh khắc phát hiện, cứu người phi công này.

Có mặt tại một trụ sở thuộc Quân Khu IV, ngư dân Phạm Xuân Lệ cho biết: “Khoảng hơn 4h sáng 15/6, trong lúc đang đánh bắt cá tại vùng biển Nghệ An - Hà Tĩnh, tôi đã nghe tiếng người kêu cứu văng vẳng giữa biển khơi. Cùng lúc đó giữa biển xuất hiện một đốm lửa nhỏ”.

Ông Lệ kể tiếp, nghĩ có chuyện chẳng lành, ngay lập tức ông đánh thức anh em trên thuyền dậy, bật ga mạnh chạy thẳng về hướng có tiếng kêu cứu. Lúc tiến lại gần, ông Lệ đã phát hiện ra đó là một người đàn ông (thiếu tá Nguyễn Hữu Cường) đang nổi trên một chiếc phao cứu sinh có phát sáng.

“Tôi nhận thấy người gặp nạn đang mặc áo phao cứu sinh, tay đưa lên cao ra hiệu. Lúc gặp chúng tôi, sức khỏe anh vẫn ổn định, với vẻ mặt rất vui khi biết mình được cứu. Cùng lúc, hai anh em trên tàu giúp đỡ kéo người này lên tàu", ông Lệ kể lại.

Cũng theo ông Lệ, vị trí thiếu tá Cường được cứu cách Cửa Sót 56 hải lý nên việc bơi vào bờ là không thể. Vì vậy nếu không được cứu kịp thời thì tính mạng phi công này sẽ bị đe dọa.

Sau khi đưa thiếu tá Cường lên thuyền, mọi người ôm nhau vui mừng khôn xiết. Khi nghe ông Cường kể lại sự việc, lâp tức ông Lệ điện báo cho các lực lượng chức năng trên bờ về việc phát hiện cứu sống phi công này, đồng thời báo vị trí để lực lượng chức năng cứu phi công còn lại.

Ông Lệ chia sẻ thêm: “Rất may lúc đó biển lặng, và chiếc phao phát sáng nếu không, tôi sẽ không cứu được anh Cường”.

Được biết, ông Lệ cùng bảy ngư dân khác đã ra khơi đánh cá được bốn ngày. Sau khi cứu được phi công Nguyễn Hữu Cường, tàu của ông Lệ đã cập cảng Cửa Hội lúc 13h ngày 15/6.

Hỏi về việc cứu được thiếu tá Cường, ông Lệ xúc động nói thêm: “Đối với tôi, đây là kỷ niệm hạnh phúc nhất cuộc đời. Là một ngư dân, lênh đênh trên biển nếu cứu được một người là trong người tự hào và lưu luyến lắm. Tôi mong sao, anh Khải (thượng tá Trần Quang Khải) cũng sẽ sống sót trở về”.

Ngư dân kể lại giây phút cứu phi công Su-30MK2 giữa biển - 2

Ông Nguyễn Văn Mạnh (anh trai phi công Cường)

Ngồi bên ngư dân Lệ, ông Nguyễn Văn Mạnh (anh trai của phi công Cường) xúc động tâm sự: “Xin gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến anh Lệ và các thuyền viên, các lực lượng chức năng đã cố gắng cứu sống em trai tôi. Tôi mong sao anh Khải cũng sẽ sống sót trở về như em tôi”.

Cũng trong chiều 15/6, ngư dân Phạm Xuân Lệ đã được các cơ quan chức năng thưởng nóng về việc cứu sống phi công Nguyễn Hữu Cường.

Hiện tại, các cơ quan chức năng đang tập trung hết lực lượng ra biển để cứu phi công Trần Quang Khải.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Cảnh ([Tên nguồn])
Máy bay Su-30MK2 và CASA 212 gặp nạn trên biển Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN