Nghị sĩ Hy Lạp “nổi loạn” vì “gói cứu trợ nhục nhã”
Nhiều nghị sĩ đảng cầm quyền kiên quyết không chịu từ bỏ những lời hứa chống thắt lưng buộc bụng đã đưa ra với cử tri.
Ngày 14.7, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đang phải đối mặt với một cuộc “nổi loạn” của các nghị sĩ trong chính đảng cầm quyền Syriza của mình sau khi chính phủ nước này chấp nhận các điều kiện mà châu Âu đưa ra để đổi lấy “gói cứu trợ nhục nhã”.
Chỉ vài giờ sau khi chính phủ Hy Lạp đồng ý từ bỏ chính sách chống thắt lưng buộc bụng của mình để chấp nhận đàm phán với châu Âu về gói cứu trợ 86 tỉ euro, người ta đã bắt đầu nghi ngờ về việc Thủ tướng Tsipras có thể giữ được đoàn kết trong chính phủ và đảng Syriza hay không.
Những điều kiện mà các chủ nợ châu Âu đưa ra trong cuộc họp khẩn cấp xuyên đêm qua đã buộc ông Tsipras phải từ bỏ những lời hữa chấm dứt tình trạng thắt lưng buộc bụng mà ông đã đưa ra với các cử tri trước khi đắc cử.
Thay vào đó, chính phủ Hy Lạp sẽ phải thông qua điều luật cắt giảm trợ cấp, tăng thuế giá trị gia tăng, và hạn chế chi tiêu công. Ngoài ra, Hy Lạp còn buộc phải đặt việc bán 50 tỉ euro tài sản công dưới sự giám sát của các chủ nợ nước ngoài và đưa gói đề xuất này ra trước Quốc hội vào thứ Tư tới đây.
Để gói đề xuất này qua được “ải” Quốc hội Hy Lạp, ông Tsipras sẽ phải dựa vào phiếu bầu của các đảng đối lập thân châu Âu khi vấp phải sự phản đối của rất nhiều nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền Syriza của ông. Việc ông Tsipras phải dựa vào các đảng đối lập khiến người ta nghi ngờ về tương lai của chính phủ, và mở ra khả năng về một cuộc bầu cử trước thời hạn.
Các nghị sĩ cánh tả trong đảng Syria đã thực hiện một cuộc “nổi loạn” cùng với đảng Hy Lạp Độc lập khi tuyên bố rằng họ sẽ không bao giờ vứt bỏ những lời cam kết mà họ đã đưa ra trong cuộc bầu cử hồi tháng Một.
Ông Panos Kammenos, Chủ tịch đảng Hy Lạp Độc lập tuyên bố: “Chúng tôi không thể nhất trí với gói đề xuất đó. Nền dân chủ nghị viện có những nguyên tắc riêng, và chúng tôi ủng hộ những nguyên tắc đó”.
Trong cuộc họp của các nghị sĩ đảng Syriza vào hôm nay, Bộ trưởng Năng lượng Panagiotis Lafazanis và Thứ trưởng Lao động Dimistris Stratoulis có thể sẽ bị cách chức vì sự phản đối của họ đối với gói cứu trợ. Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội Zoe Constantinopoulou cũng có thể là một rào cản đáng kể đối với ông Tsipras khi ông này kiên quyết không chịu nhượng bộ trước các đòi hỏi của châu Âu.
Nếu ông Tsipras không qua được “ải” Quốc hội và không thống nhất được gói cứu trợ với các chủ nợ châu Âu, nền kinh tế Hy Lạp sẽ bắt đầu sa xuống vực, khi các ngân hàng gần như sụp đổ vì hết tiền mặt, buộc chính phủ nước này phải tự in đồng tiền drachma của mình và rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu eurozone.
Tuy nhiên các bộ trưởng tài chính châu Âu rất tự tin rằng Hy Lạp sẽ đạt được thỏa thuận với họ và không phải rời khỏi eurozone. Đổi lại, Athens sẽ phải đáp ứng một thời gian biểu ngặt nghèo để thực hiện những cuộc cải cách về thuế, trợ cấp, cắt giảm ngân sách cũng như thực hiện luật ngân hàng EU, điều có thể khiến nhiều người Hy Lạp gửi tiền trong các ngân hàng trắng tay.