Ngày tàn của "nghề" trộm xác

Pháp trường là nơi tử tù phải nằm lại, người thân không được nhận xác chôn cất. Mặc dù vậy, một loạt các vụ trộm xác rúng động dư luận do dân có máu mặt quanh trường bắn Long Bình tổ chức vẫn được truyền miệng qua nhiều người, thậm chí còn có những thêm thắt ly kỳ.

Đến trường bắn Long Bình bây giờ người ta đều nhắc đến tên Ba Soan như “ông chủ” của chốn hoang vu ghê rợn này. Gặp Ba Soan không khó bởi này nào ông cũng lui tới trường bắn.

Từ giữ xác

Ba Soan, 57 tuổi, người dong dỏng cao, đen nhẻm, gương mặt hốc hác và sắc lạnh. Mái tóc bối đuôi ngựa và những hình xăm trên người tạo cho ông một vẻ sương gió dáng dấp dân anh chị. Ông gần như gắn bó cả đời với pháp trường này. Ông kể, lúc trước ông làm nghề khâm liệm tử thi trường bắn. Mỗi lần hành sự được trả 200.000 - 300.000 đồng. Hồi đó đây là khoản tiền kha khá nên nhiều thời điểm có tới 40 người “hành nghiệp”. Nhưng rồi cũng rơi rụng hết vì không chịu nổi cái nghề hãi hùng máu lạnh đó. Duy chỉ có ông là trụ lại lâu nhất.

Ngày tàn của "nghề" trộm xác - 1

Mộ Phước “tám ngón” tại Long Bình

Dẫn khách đến ngôi mộ “khang trang” nhất trường bắn với bia đá láng bóng nằm dưới bóng cây ghi: Nguyễn Hữu Thành. Sinh: 1971, mất ngày 22/10/1996, ông nói: “Mộ Phước “tám ngón”, giang hồ khét tiếng một thời, cũng nổi tiếng nhất còn lại ở nghĩa địa này”. Cái tên Phước “tám ngón” là một nỗi kinh hoàng tại TP HCM và các tỉnh lân cận của thập niên 90 thế kỷ trước với những vụ giết người cướp của không ghê tay. Phước “tám ngón” bị bắt và tuyên án tử hình. Trong thời gian chờ thi hành án, hắn đào thoát khỏi nhà tù Chí Hòa và tiếp tục giết người. Mãi đến lần xét xử thứ hai, Phước “tám ngón” mới thật sự bị loại ra khỏi xã hội. “Ít hôm sau khi xử bắn, đàn em Phước “tám ngón” khắp nơi kéo đến tính đào xác hắn đem về”, ông Ba Soan kể. Sau một hồi đào bới, xác đại ca Phước lộ lên trương sình và sặc mùi tử khí nên họ vứt cuốc xẻng chạy toán loạn. Ông đích thân tẩm liệm xác Phước rồi chôn lại lần nữa. Từ sau vụ Phước “tám ngón”, Ba Soan kiêm nhiệm vụ bảo vệ luôn cái nghĩa địa này. Ông nhiều lần đụng độ với các băng nhóm khác mon men đến đào trộm xác đàn anh, ông trùm sau các vụ xử tử. Pháp trường trở thành đất dữ.

Đến trộm xác


Mặt Ba Soan bỗng đanh lại khi nghe tôi hỏi về mộ của Năm Cam và đồng bọn. Thật ra, tôi biết Ba Soan tên thật là Lữ Phụng Sơn, một trong nhóm 9 người trực tiếp tham gia vào cuộc trộm xác Năm Cam và đồng bọn gây rúng động vào năm 2004. Ba Soan cùng 6 chiến hữu khác nằm dưới trướng của Phạm Quốc Thanh (tự Thanh "Mập") và Lê Hoàng Phước (tự Tỷ). Rạng sáng 3/6/2004, sau khi Năm Cam và đồng bọn bị thi hành án, Thanh và Tỷ đã đặt vấn đề với gia đình ông trùm dịch vụ lấy xác đem về chôn cất.

Ba ngày sau, thân nhân của Năm Cam đến pháp trường để mở cửa mả thì thấy mộ của Châu Phát Lai Em đã được dọn bằng phẳng. Đang hốt hoảng thì được thông báo xác của Lai Em đã được đưa đến nghĩa trang Gò Dưa an táng với giá 60 triệu đồng. Đi cùng đợt với Lai Em là xác của Phạm Văn Minh (tức Minh "Bu") với giá 55 triệu đồng. Nhóm trộm xác ngỏ ý tiếp tục đưa xác của Năm Cam và Hữu Thịnh ra khỏi pháp trường với giá 140 triệu đồng. Sau khi gia đình đồng ý, nhóm “thổ địa” này hì hục đào bới trong đêm và đến sáng hôm sau thì xác ông trùm đã được mang đi thiêu tại Biên Hoà, Đồng Nai.

Sau vụ trộm xác kinh thiên động địa, người ta mới vỡ lẽ xác của một loạt các tử tù “đại gia” trong các vụ án kinh tế như Phạm Huy Phước, Lê Hữu Cảnh và Trần Quang Vinh (Tamexco) hay Tăng Minh Phụng và Phạm Nhật Hồng (Epco) cũng đã “bốc hơi” khỏi pháp trường từ trước đó. Đường dây trộm xác lần lượt được bị triệu tập điều tra nhưng sau đó vụ án rơi vào im lặng. Ba Soan thật thà kể số tiền từ các vụ trào trộm xác nghe thì nhiều nhưng trừ chi phí rồi chia chác chẳng còn lại là bao. “Ngày ấy làm phần vì miếng cơm manh áo phần nữa vì tội nghiệp gia đình đình tử tội”, ông lắng giọng phân trần.

“Bản đồ sống” hoàn lương

Bây giờ các chiến hữu ngày trước đều đã rã đám và không còn tơ tưởng đến cái nghề nguy hiểm ấy nữa. Riêng Ba Soan vẫn bám trụ lại nơi u ám này. Từ nhiều năm qua, mỗi vụ tử hình ông đều có mặt. Tử tù nào nằm lại không thấy người thân thích ông ghi lại rồi tìm đến quê quán báo tin cho thân nhân. “Công việc” khiến ông có khi lùng sục khắp miền Đông Nam Bộ, có khi lặn lội tận miền Tây. Nhiều người thất lạc tin tức thân nhân biết tin vừa mừng vừa đau đớn, người cảm ơn ông nhưng cũng có người trách cứ vì mang đến hung tin. Ông mặc kệ, cứ làm cái việc đó như là một món nợ đời. Có lần báo tin cho gia đình tử tù nghèo mạt sống ở vỉa hè bặt tin con nhiều năm ở Đồng Nai. Họ nhận tin rồi chỉ biết sụt sùi vì không lên thăm con được. Ba Soan cám cảnh móc tiền cho họ rồi trở về pháp trường lập mộ, cúng viếng cho tử tù cẩn thận.

Trường bắn không còn được sử dụng từ lâu. Ba Soan như cái “bản đồ sống” biết rành rọt vị trí của các tử tù để giúp các gia đình tìm kiếm người thân. Bây giờ pháp trường không còn nghiêm ngặt như trước, thân nhân muốn bốc mộ ông cũng sẵn lòng giúp. Người ta cho tiền ông nhận nhưng cũng chừng mực, chẳng bao giờ đòi hỏi. Ai nghèo khổ hoặc ở xa không có điều kiện lui tới nếu có lời nhờ vả, ông đều nhang khói cho tử tù đều đặn. “Nghĩa tử là nghĩa tận, chết rồi thì coi như đã trả hết tội cho đời. Để họ làm những hồn ma hiu quạnh vất vưởng thì tội lắm!”, Ba Soan chạnh lòng. Ông bảo cũng vì cái ý nghĩ ấy mà quyết gắn bó với nơi này cho đến khi nào pháp trường thật sự được dẹp bỏ và những vong hồn kia được siêu thoát.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Kiến Giang ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN