Ngày mai, tòa tuyên án với 86 bị cáo vụ Vạn Thịnh Phát

Theo dự kiến, HĐXX sẽ đưa ra phán quyết đối với bị cáo Trương Mỹ Lan cùng 85 bị cáo khác sau hơn một tháng xét xử.

Ngày mai (11-4), sau hơn một tháng xét xử và nghị án, HĐXX sẽ tiến hành tuyên án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan.

Những giọt nước mắt muộn màng

Với cáo buộc là người chủ mưu, cầm đầu và nắm giữ trên 91% cổ phần ngân hàng SCB từ đó nắm quyền chi phối, điều hành hoạt động của ngân hàng này, bị cáo Trương Mỹ Lan trong suốt quá trình xét xử luôn bình tĩnh trả lời, giải đáp tất cả các vấn đề mà HĐXX, đại diện VKS và các LS đưa ra.

Trước, trong và sau khi bị VKS đề nghị mức án tử hình bị cáo này cũng luôn giữ thái độ bình tĩnh, và chăm chú ghi chép, thể hiện nhớ rất rõ các dự án hợp tác đầu tư, các tài sản của gia đình mình và tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Thế nhưng, trong khoảng 40 phút nói lời nói sau cùng, phần lớn thời gian bị cáo Trương Mỹ Lan đã không kiềm chế được cảm xúc, đã khóc và đau xót cho hoàn cảnh của gia đình mình khi cả chồng và cháu đều bị bắt tạm giam, gia đình tan nát.

“Có nhiều lúc tuyệt vọng, bị cáo đã từng nghĩ đến cái chết..., bị cáo nghĩ hoàn cảnh chồng và cháu cũng đang bị tạm giam như muối xát vào lòng" - bị cáo Trương Mỹ Lan nói.

Bị cáo Trương Huệ Vân (cháu bị cáo Lan) cũng phải thốt lên rằng Trương Mỹ Lan, một người được mệnh danh là người phụ nữ không có nước mắt, tinh thần thép nhưng gần như đã tan nát cõi lòng khi đứng trước HĐXX và xin cho cô mình thoát án tử.

Ngoài ra, rất nhiều bị cáo khác khi nói lời sau cùng cũng rơi lệ. Bị cáo Nguyễn Thị Nhàn (trưởng đoàn thanh tra) khóc vì ân hận, xấu hổ về hành vi của mình. Bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu phó Chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng Nhà nước) nghẹn lời khi xin giảm nhẹ cho các bị cáo là thành viên trong đoàn thanh tra. Còn bị cáo Nguyễn Cao Trí thì tự trách bản thân khi đã có những quyết định sai lầm của một doanh nhân trong bối cảnh cố gắng vượt qua khủng hoảng.

Xuyên suốt quá trình diễn ra phiên toà, chủ toạ cho biết luôn tạo điều kiện tối đa để tất cả các bị cáo trong vụ án khắc phục hậu quả vì vậy mà nhiều bị cáo trong vụ án đã nộp thêm tiền khắc phục hậu quả, trong đó bị cáo Nguyễn Cao Trí Trí là người nộp thêm nhiều nhất với khoảng 70 tỉ đồng, chồng bị cáo Trương Huệ Vân nộp thêm 2 tỉ đồng.

Bị cáo Trương Mỹ Lan là bị cáo duy nhất bị VKS đề nghị mức án tử hình. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Bị cáo Trương Mỹ Lan là bị cáo duy nhất bị VKS đề nghị mức án tử hình. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Căn cứ vào diễn biến tại phiên toà, sự thành khẩn khai báo và các tình tiết giảm nhẹ mới phát sinh của các bị cáo nên đại diện VKS đã thay đổi mức đề nghị đối với 22 bị cáo theo hướng giảm nhẹ mức án so với mức án đề nghị án đầu (giảm từ 1-2 năm).

Tranh luận dân chủ, thượng tôn pháp luật

Trong nhiều ngày diễn ra phần tranh luận giữa đại diện VKS và luật sư (LS), dù đôi lúc hai bên cũng căng thẳng để bảo vệ quan điểm của mình nhưng nhìn một cách tổng quan quyền bào chữa và tự bào chữa của LS và các bị cáo được HĐXX tạo điều kiện trình bày tối đa để đối tranh luận lại với quan điểm buộc tội của đại diện VKS, thể hiện quá trình tranh tụng dân chủ, bình đẳng trước toà.

Đại diện VKS khẳng định bị cáo Trương Mỹ Lan chiếm giữ số lượng lớn cổ phần đủ để chi phối toàn bộ hoạt động của ngân hàng này. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Đại diện VKS khẳng định bị cáo Trương Mỹ Lan chiếm giữ số lượng lớn cổ phần đủ để chi phối toàn bộ hoạt động của ngân hàng này. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Một vấn đề đáng chú ý được hai bên tranh luận là cấu thành tội danh tham ô tài sản và xác định thiệt hại của vụ án vì số tiền thất thoát, số tiền thiệt hại của SCB có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, điều này quyết định đến tội danh và hình phạt của các bị cáo.

Theo đó, LS cho rằng tại SCB, Hội đồng quản trị (HĐQT) và chủ tịch HĐQT mới là người có quyền quyết định mọi hoạt động của ngân hàng, bị cáo Trương Mỹ Lan không phải là người có chức vụ, quyền hạn tại SCB nên không phải là chủ thể của tội tham ô tài sản.

Đối đáp lại, VKS cho biết tính đến tháng 10-2022, bị cáo Lan đã thâu tóm và nắm giữ trên 91% vốn điều lệ của SCB. Tại bảng theo dõi biến động cổ đông và sổ chứng nhận cổ đông thì các cá nhân, tổ chức đứng tên cổ phần tại SCB đều khai đứng tên hộ cho Trương Mỹ Lan.

Ngoài ra, SCB là ngân hàng thương mại cổ phần, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nên cơ quan quyết định cao nhất là Đại hội đồng cổ đông, không phải HĐQT quyết định. Với số lượng cổ phần trên 91% nắm giữ, Trương Mỹ Lan là người nắm quyền hạn của Đại hội đồng cổ đông và là người chủ mưu, cầm đầu, điều hành toàn bộ hoạt động tại SCB, thoả mãn các yếu tố cấu thành của tội tham ô tài sản.

Về phần xác định thiệt hại của vụ án, đại diện VKS cho biết không dùng kết quả định giá của Công ty Hoàng Quân để xác định thiệt hại mà áp dụng các biện pháp điều tra, sổ sách, tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án để xác định thiệt hại. Không nhất thiết án phải thông qua hội đồng định giá trong tố tụng hình sự mới xác định được thiệt hại của vụ án.

Chỉ 1 người trong đoàn thanh tra bị truy tố tội nhận hối lộ

Trong số các bị cáo là cựu cán bộ ngân hàng chỉ có bị cáo Đỗ Thị Nhàn bị truy tố tội nhận hối lộ vì đã nhận từ ngân hàng SCB 5,2 triệu USD.

Theo đại diện VKS, bị cáo Nhàn trong quá trình thanh tra SCB biết thực trạng rất xấu của ngân hàng này đã lợi dụng những sai phạm của SCB, thông qua Võ Tấn Hoàng Văn hai lần gặp bị cáo Trương Mỹ Lan để thông báo và đưa ra các biện pháp đối phó giúp cho Trương Mỹ Lan che dấu các sai phạm.

Hành vi làm trái công vụ của Đỗ Thị Nhàn là xuyên suốt trong quá trình thanh tra, là phương thức, thủ đoạn để bị cáo Nhàn thực hiện thành công hành vi nhận hối lộ và đủ yếu tố cấu thành tội nhận hối lộ.

Nguồn: [Link nguồn]

Bị cáo Bùi Anh Dũng khóc nói về những chiêm nghiệm của mình từ trại tạm giam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo SONG MAI ([Tên nguồn])
Vụ án Vạn Thịnh Phát Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN