Nga rục rịch rút quân khỏi biên giới Ukraine
Sau khi rút quân, Nga sẽ gia tăng áp lực ngoại giao để giành ảnh hưởng ở Ukraine.
Ngày 31/3, Nga đã phát tín hiệu với phương Tây rằng họ đang rút quân khỏi khu vực biên giới với Ukraine, một động thái thể hiện sự nhượng bộ của Moscow sau chiến dịch ngoại giao quyết liệt của Mỹ và phương Tây suốt mấy tuần qua.
Chính phủ Đức cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo với Thủ tướng Angela Merkel qua điện thoại rằng ông đã “ra lệnh rút một phần” lực lượng quân sự đang đóng quân ở biên giới phía đông Ukraine.
Nga bắt đầu rút một phần lực lượng ra khỏi biên giới Ukraine
Bộ Quốc phòng Nga cho biết một tiểu đoàn bộ binh đã được lệnh rút khỏi vị trí đóng quân gần biên giới Ukraine về căn cứ cách đó khoảng 1.300 km. Các quan chức Ukraine nói rằng khoảng 20.000 quân Nga đã rút ra khỏi khu vực biên giới trong những ngày gần đây, tuy nhiên vẫn còn khoảng 40.000 quân được duy trì tại khu vực này.
Hồi tuần trước, các quan chức phương Tây đã lo sốt vó khi phát hiện Nga đang rầm rộ điều quân tiến sát biên giới với Ukraine, khiến họ lo sợ rằng Kremlin đang chuẩn bị cho một đợt tiến quân khác vào lãnh thổ của quốc gia láng giềng lớn nhất ở phía tây. Họ cho rằng chiến dịch quân sự lần này sẽ quyết liệt hơn rất nhiều cuộc sáp nhập không tiếng súng ở Crimea.
Những động thái điều quân quy mô lớn này của Nga càng khiến giới ngoại giao phương Tây tin rằng ông Putin đang hy vọng vào việc sử dụng lực lượng quân sự của mình như một lá bài mặc cả nhằm ngăn chặn Ukraine không ngả về quỹ đạo của phương Tây.
Các quan chức Nga khẳng định rằng họ không có ý định tiến quân vào Ukraine, tuy nhiên Nga vẫn bảo lưu quyền được bảo vệ cộng đồng người Nga thiểu số sinh sống ở miền đông Ukraine. Theo các chuyên gia phân tích, để đổi lấy việc giảm bớt sức ép quân sự, sắp tới đây Moscow sẽ “chiến đấu” quyết liệt hơn trên mặt trận ngoại giao để áp đặt ảnh hưởng của mình lên tương lai của Ukraine.
Binh sĩ Nga tại Crimea
Trong một cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã hối thúc việc thay đổi hiến pháp ở Ukraine, trong đó cho phép các tỉnh có quyền tự trị lớn hơn và chịu ít ảnh hưởng hơn từ Kiev. Mỹ và Ukraine lo ngại rằng công thức này có thể trao cho Nga một quyền phủ quyết “vô hình” đối với hệ thống chính trị của Ukraine.
Mặc dù Nga đã bắt đầu rục rịch rút quân, song động thái này vẫn chưa đủ để trấn an các quan chức phương Tây rằng mối đe dọa quân sự ở Ukraine đã qua đi. Người phát ngôn NATO lên tiếng: “Chúng tôi vẫn chưa thấy hoạt động nào khiến chúng tôi tin rằng một đợt rút quân lớn đang được thực hiện.”