Nga dọa trả đũa vì bị châu Âu gia hạn trừng phạt
Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) vừa đạt được thỏa thuận sơ bộ để gia hạn trừng phạt Nga thêm 6 tháng nhằm tiếp tục gây áp lực lên Moscow để giúp ổn định tình hình ở Đông Ukraine. Ngay sau đó, Điện Kremlin mạnh mẽ cảnh báo, Moscow sẽ trả đũa động thái trên dựa trên nguyên tắc "ăn miếng trả miếng".
"Thông điệp gửi đến các giới chức Nga nói chung và Tổng thống Putin nói riêng là EU đang tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ Ukraine và gây áp lực lên Nga. Các quốc gia thành viên EU đã cho thấy, họ có thể đưa ra các quyết định nhạy cảm nhờ sự đoàn kết một lòng", ông Raimundas Karoblis, đại sứ của Litva tại EU cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Các nước thành viên Liên minh châu Âu vừa nhất trí với thỏa thuận sợ bộ gia hạn trừng phạt Nga thêm 6 tháng.
Về phần Nga, đáp trả, Phát ngôn viên Điện Kremlin, Dmitri Peskov tuyên bố Moscow sẽ chính thức trả đũa quyết định gia hạn trừng phạt của EU.
Ông Peskov nhấn mạnh, các biện pháp trả đũa sẽ "dựa trên nguyên tắc ăn miếng trả miếng".
"Nguyên tắc ăn miếng trả miếng là quy luật phổ biến, nhưng vẫn cần phải đợi quyết định chính thức (của EU) được đưa ra. Đến nay vẫn chưa có quyết định nào cả", Phát ngôn viên Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố trước báo giới.
Phát ngôn viên Kremlin Dmitry Peskov
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov nhấn mạnh, việc EU gia hạn trừng phạt Nga nằm trong dự liệu của ông.
"Chúng tôi đã dự đoán rằng, các biện pháp trừng phạt sẽ được gia hạn", ông nói với các phóng viên ở Moscow.
Bloomberg dẫn lời 2 quan chức Nga giấu tên cho biết, Moscow có kế hoạch đáp trả EU bằng cách cũng tiếp tục duy trì các lệnh cấm nhập khẩu một loạt các loại rau củ, trái cây, thịt và các sản phẩm sữa từ EU.
Một quan chức cho hay, Nga đã tìm thấy nguồn sản phẩm thay thế và do đó, có thể tiếp tục duy trì lệnh cấm nhập khẩu một số mặt hàng từ EU trong trường hợp cần thiết.
Những biện pháp trừng phạt nhắm vào các lĩnh vực năng lượng, quốc phòng và tài chính của Nga được EU áp đặt vào tháng 7.2014 - 4 tháng sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào lãnh thổ nước này.
Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi đầu tháng này đã vận động các đồng minh châu Âu không giảm nhẹ những biện pháp trừng phạt đã áp đặt nhắm vào Nga hồi năm 2014, cho đến khi Moscow chứng tỏ các nỗ lực nhằm thiết lập lại hòa bình, ổn định ở Đông Ukraine.
Những biện pháp trừng phạt Nga năm ngoái được xem là phản ứng mạnh mẽ nhất mà EU nhắm vào Moscow kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.