Nên khôi phục “cây chủ quyền” ngày Tết?

Cây khẳng định mảnh đất đã có chủ quyền và không có thế lực nào có thể xâm phạm.

Cây nêu khẳng định chủ quyền

Dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, GS Ngô Đức Thịnh có cuộc trao đổi về chủ đề "Tín ngưỡng dân gian qua tục dựng cây nêu" tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Theo GS Thịnh, cây nêu không mang ý nghĩa vui chơi mà thể hiện yếu tố tâm linh. Trước hết, dựng cây nêu ngày tết, dân gian tin rằng, mọi ma quỷ xấu xa bị xua đuổi, may mắn sẽ đến trong năm mới. Ý nghĩa quan trọng nhất là khẳng định chủ quyền thiêng liêng, không có thế lực nào có thể xâm phạm.

Ý nghĩa này xuất phát từ nguồn gốc cây nêu, con người dựng lên là do đức Phật mách bảo để chống lại loài quỷ xâm lược. Cây Nêu do vậy cũng là biểu tượng của chiến thắng con người trước kẻ thù xâm lược. Trước đây, cây nêu còn là biểu tượng sự uy quyền, nhà nào có cây nêu cao nhất là nhà đó có quyền thế nhất.

Nên khôi phục “cây chủ quyền” ngày Tết? - 1

Cây nêu phục dựng tại bảo tàng dân tộc học dịp Tết Quý Tỵ

Mặc dù có ý nghĩa đẹp, nhưng cây nêu ngày tết đã bị mai một. GS. Ngô Đức Thịnh cho rằng, hình ảnh cây nêu mất đi là một sự đáng tiếc trong văn hóa người Việt. Cây nêu chỉ còn bắt gặp lác đác tại một số vùng quê, trong cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng thượng du Bắc Bộ hay Tây Nguyên. Tục dựng và hạ nêu tại nhiều nơi chỉ còn được nhắc đến trong ký ức của những người già hoặc qua sách vở.

Có nên khôi phục?

Theo GS. Ngô Đức Thịnh, cây nêu đã bị mai một từ khoảng vài chục năm trở lại đây. Chiến tranh liên miên, người dân không có điều kiện bày vẽ thủ tục lễ dựng cây, hạ cây. Trên cây nêu cũng có những vật liên quan đến quan niệm về thần kinh ma quỷ, có thời bị coi là mê tín dị đoan. Có quan điểm cho rằng, cây nêu không còn tồn tại vì sự "chiếm ngôi" của đào, quất, vừa là thú chơi, cũng có ý nghĩa tâm linh như cây nêu.

GS. Thịnh cho rằng, cây nêu là một hiện tượng văn hóa đẹp, cần được gìn giữ. “Ở quê tôi  (Nam Định), mặc dù có đào, quất, nhưng cây nêu vẫn còn. Cây quất, đào có ý nghĩa tâm linh, nhưng cây nêu khác ở chỗ khẳng định chủ quyền”, GS. Thịnh nói.

Anh Nguyễn Văn Đoàn, người trực tiếp thực hiện tục dựng cây nêu ở Bảo tàng dân tộc học chỉ ra sự khác biệt, cây nêu trồng ngoài cổng, đào quất trồng trong nhà. Do vậy, sự che chở của cây nêu cao hơn. Ngoài ra, Phật mách bảo con người cách để chiến thắng quỷ, từ đó sinh ra cây nêu, trên cây nêu có áo Cà sa, đó là sự che chở của Phật. Cây nêu càng cao, áo Cà sa càng lớn, sự che chở càng nhiều.

Theo GS Ngô Đức Thịnh, điều kiện xã hội biến đổi, vài năm gần đây bắt đầu trở lại, thành cây cắm lá cờ tổ quốc. Mong rằng cây nêu quay trở lại trong đời sống người Việt. Mất đi cây nêu thật đáng tiếc vì nó chứa nhiều ý nghĩa tâm linh.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng, việc dựng cây nêu bây giờ khó thực hiện được bởi diện tích đất của mỗi gia đình không nhiều, không phù hợp cho những gia đình ở thành phố.

GS. Thịnh chia sẻ, có người hỏi ông rằng, họ muốn kinh doanh cây nêu có được không? “Tôi cho rằng, có thể làm những cây nêu to, nhỏ phù hợp với diện tích đất của các gia đình thành phố. Cũng giống như cây thông noel, kinh doanh cây nêu hoàn toàn có thể làm được. Nhưng vấn đề cần phải bàn xem tổ chức làm sao để trở thành nét đẹp văn hóa người Việt”, ông Thịnh nói.

Tục truyền rằng, ngày xưa Quỷ chiếm toàn bộ đất nước, con người chỉ làm thuê và phải nộp hoa màu cho quỷ. Quỷ ngày càng bóc lột Người quá tay. Con người vì quá khổ cực nên đã cầu cứu Đức Phật giúp đỡ. Sau vài lần Người đánh lừa Quỷ khi trồng khoai, lúa, ngô để lấy phần thu hoạch về mình, Quỷ đòi lại đất, không cho Người làm thuê nữa.

Phật bàn với Người điều đình với Quỷ, xin miếng đất bằng bóng chiếc áo cà sa treo trên ngọn cây tre. Quỷ thấy không thiệt hại gì nên đồng ý. Phật dùng phép thuật để bóng chiếc áo cà sa đó che phủ toàn bộ đất đai khiến Quỷ mất đất phải chạy ra biển Đông. Do mất đất sống nên Quỷ huy động quân vào cướp lại. Trận đánh này bên Quỷ bị thua sau khi bị bên Người tấn công bằng máu chó, lá dứa, tỏi, vôi bột... và Quỷ lại bị Phật đày ra biển Đông. Trước khi đi, Quỷ xin Phật thương tình cho phép một năm được vài ba ngày vào đất liền viếng thăm phần mộ của tổ tiên cha ông. Phật thương nên hứa cho.

Do đó, hàng năm, cứ vào dịp Tết Nguyên đán là những ngày Quỷ vào đất liền, người ta theo tục cũ trồng cây nêu để Quỷ không bén mảng đến chỗ Người cư ngụ. Trên cây nêu có treo khánh đất, có tiếng động phát ra khi gió rung để nhắc nhở bọn Quỷ nghe mà tránh. Trên ngọn cây nêu còn buộc một bó lá dứa hoặc cành đa mỏ hái để cho Quỷ sợ. Ngoài ra, người ta còn vẽ hình cung tên hướng mũi nhọn về phía đông và rắc vôi bột xuống đất trước cửa ra vào trong những ngày Tết để cấm cửa Quỷ...

Dân tộc Kinh dựng cây nêu vào ngày 23 tháng Chạp Âm lịch, đến ngày 7 tháng Giêng Âm lịch mới làm lễ hạ cây nêu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Tết Nguyên đán 2016 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN