Nạn côn đồ ở phòng cấp cứu

Sự kiện: Tin nóng

Nghề bác sĩ trực cấp cứu nhọc nhằn nhưng còn khổ hơn nữa là nơm nớp lo côn đồ có thể hành hung bất cứ lúc nào.

Chiều 24-10, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, BS Võ Hùng Cường, Giám đốc Bệnh viện (BV) Đa khoa Xuân Lộc (Đồng Nai), cho biết vụ hỗn chiến xảy ra trước khoa Cấp cứu của BV đêm 23-10 thực sự vượt tầm kiểm soát của lực lượng bảo vệ. Tuy nhiên, nhờ sự xử lý nhạy bén của kíp bảo vệ và hỗ trợ kịp thời của công an địa phương nên tình huống xấu không xảy ra.

“Ngày mai ra viện lấy tí huyết”

“Khi thấy hai nhóm thanh niên cầm hung khí xông vô BV, một bảo vệ nhanh chóng gọi điện thoại cho công an địa phương. Song song đó, một bảo vệ khác la lớn “công an tới, công an tới”. Nghe tới công an, cả hai nhóm ngưng đánh và nhìn dáo dác một hồi khá lâu. Do không thấy bóng dáng công an, hai nhóm tiếp tục lao vào đánh. Tuy nhiên, ngay lúc đó công an địa phương xuất hiện nên cả hai nhóm bỏ chạy” - BS Cường kể.

Theo BS Cường, trước đó BV Đa khoa Xuân Lộc có tiếp nhận ba người bị thương do đánh nhau. Cả ba sau đó đã được chuyển viện. “Người bị thương và những người trong hai nhóm đánh nhau có quan hệ hay không đang được công an làm rõ. Mặc dù vụ việc đánh nhau lần đầu xảy ra tại đây nhưng tâm lý nhân viên y tế của BV hơi lo lắng. Quan trọng là làm sao để sự việc tương tự đừng tái diễn” - BS Cường nói.

Trước đó, khoảng 23 giờ một ngày giữa tháng 10-2016, khoa Cấp cứu BV Đa khoa Bình Dương tiếp nhận một nạn nhân máu me đầy người do xô xát, mình mẩy xăm chằng chịt.

Nạn côn đồ ở phòng cấp cứu - 1

Nạn côn đồ ở phòng cấp cứu - 2

Nhân viên y tế cấp cứu nạn nhân bị tai nạn và con dao bấm người này mang theo. Ảnh: TRẦN NGỌC

Nạn nhân được một người bạn ở trần “hộ tống”. Người này cũng dính đầy máu, lưng xăm con rồng to tướng đi nghênh ngang trong phòng cấp cứu. Sau khi thăm khám cho nạn nhân, một chị điều dưỡng đưa người ở trần tờ giấy đóng tiền. Thấy tay người này dính máu, chị điều dưỡng đề nghị rửa tay để không làm dơ tờ giấy. “Giấy tờ đâu, cứ đưa tôi. Dính một ít máu me có gì mà sợ” - người ở trần gằn giọng.

Chị điều dưỡng tiếp tục yêu cầu người ở trần rửa tay. Tuy nhiên, người này tỏ thái độ thách thức. Một điều dưỡng khác nói nhỏ với chị điều dưỡng: “Đụng phải thứ dữ rồi. Thôi, chị đưa giấy cho anh ta đi để khỏi mang họa”.

Cầm tờ giấy, người ở trần không đi đóng tiền mà cứ đứng gần nạn nhân. Sau khi cả hai nhỏ to, người ở trần lớn tiếng cốt để mọi người trong phòng cấp cứu nghe được: “Mày yên tâm, tụi tao “rải” người quanh đây (trước phòng cấp cứu BV - PV) hết rồi, tụi nó không dám xông vô đâu. Hôm nay nó xin mày ít máu, ngày mai ra viện mày lấy tụi nó lại tí huyết”.

Mặc dù người ở trần không đóng tiền nhưng bác sĩ trực vẫn cho nạn nhân chụp CT Scan, MRI, uống thuốc… Hơn hai tiếng sau, cả nạn nhân và người ở trần ngang nhiên bỏ về, không thanh toán số tiền điều trị gần 800.000 đồng. “Họ dữ dằn và ngang tàng lắm, bác sĩ và điều dưỡng yên lặng là hơn. Buộc họ đóng tiền có khi gặp chuyện không hay. Số tiền họ không đóng cuối cùng BV phải chịu. Nhưng điều đáng sợ là nạn nhân bị dân anh chị vào tận phòng cấp cứu truy sát. Khi đó nhân viên y tế rất dễ bị vạ lây” - bác sĩ trực lắc đầu.

Mang hung khí vô phòng cấp cứu

PV Pháp Luật TP.HCM từng tận mắt chứng kiến cả nạn nhân lẫn dân chơi mang dao, cây sắt vô phòng cấp cứu của BV Đa khoa Đồng Nai.

Khoảng 1 giờ ngày 2-10, một thanh niên độ 30 tuổi máu me đầy đầu, xăm trổ nửa người nằm bất động trên băng ca được điều dưỡng đẩy thẳng vô khu vực dành cho bệnh nặng. Nạn nhân lập tức được cho thở máy, đo nhịp tim, truyền dịch… Thấy túi quần nạn nhân cộm cộm, bảo vệ BV đưa tay vô và lôi ra con dao bấm sắc lạnh. “Chuyện này chúng tôi gặp hoài. Sẵn dao trong người, khi có chút rượu là hung hăng đâm chém” - anh bảo vệ nói.

Vài phút sau, một thanh niên trạc 28 tuổi, người đầy máu cũng được đưa vô cấp cứu. Trong lúc nhân viên y tế đang chăm sóc nạn nhân này thì một thanh niên độ 25 tuổi xăm trổ đầy người từ ngoài ngông nghênh tới thẳng chỗ nạn nhân.

Thấy anh này đi qua đi lại, hỏi người nhà nạn nhân câu này câu nọ, lại đưa cặp mắt dữ dằn nhìn quanh. Một bảo vệ BV phát hiện điều này liền báo thêm vài bảo vệ khác để kịp thời ứng phó nếu chuyện không hay xảy ra.

Một lúc sau anh này bước ra ngoài. Nghe kể lại chuyện vừa chứng kiến, một điều dưỡng nói mặc dù thấy anh thanh niên mang hung khí vô phòng cấp cứu nhưng vẫn chú tâm xử lý vết thương nạn nhân. “Chúng tôi cũng sợ bị chém nhầm hoặc vạ lây lắm chứ. Nhưng biết làm sao bây giờ, trách nhiệm chúng tôi là cứu sống nạn nhân mà” - điều dưỡng này nói.

Phòng cấp cứu không phải là nơi để “xử” người

Thông thường, phòng cấp cứu chỉ cho người nhà bệnh nhân vào trong, người ngoài thì không. Thế nhưng nhiều lúc bệnh nhân quá đông, bảo vệ lại ít nên người ngoài len lén vô phòng cấp cứu. Chúng tôi phải nhỏ lời mời họ ra ngoài. Đối với những thanh niên mang hung khí chúng tôi càng phải giải thích kỹ càng. Cư xử không khéo dễ xảy ra chuyện ngoài ý muốn. Nói thật phòng cấp cứu BV là nơi cứu người. Nhưng đôi khi lại là nơi dân anh chị tìm đến để… “xử” người. Điều này thật đáng sợ!

Một bảo vệ BV Đa khoa Đồng Nai

Để tránh ảnh hưởng tính mạng của mọi người nói chung và nhân viên y tế nói riêng khi có những tình huống xô xát xảy ra trong BV, từ lâu BV có sự phối hợp chặt chẽ với công an xã và công an huyện. Thực tế cho thấy khi nhận được yêu cầu hỗ trợ từ phía BV, công an địa phương có mặt kịp thời và giải quyết vụ việc nhanh chóng, không ảnh hưởng bất kỳ ai.

BS VÕ HÙNG CƯỜNG, Giám đốc BV Đa khoa Xuân Lộc (Đồng Nai)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trần Ngọc (Pháp luật TP.HCM)
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN