Chuyên gia lý giải nguồn gốc và ý nghĩa của Tết Hàn thực

Sự kiện: Tết Hàn thực

Cứ đến ngày 3/3 âm lịch hằng năm, người Việt lại có thói quen làm bánh trôi, bánh chay dâng lên bàn thờ cúng tổ tiên.

Bánh trôi, bánh chay là thứ không thể thiếu trong ngày Tết Hàn thực tại Việt Nam. Ảnh minh họa.

Bánh trôi, bánh chay là thứ không thể thiếu trong ngày Tết Hàn thực tại Việt Nam. Ảnh minh họa.

Giáo sư Trần Lâm Biền – nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam cho hay, ngày 3/3 âm lịch hằng năm còn được gọi là Tết Hàn thực. “Hàn” có nghĩa là lạnh, “thực” là ăn. Tết Hàn thực có ý nghĩa là ngày Tết ăn đồ lạnh.

“Tết Hàn thực ở Việt Nam được bắt nguồn từ một điển tích của Trung Quốc. Mặc dù bắt nguồn từ Trung Quốc, tuy vậy Tết Hàn thực ở Việt Nam vẫn mang những bản sắc riêng biệt, đậm nét văn hóa người Việt”, GS Biền chia sẻ.

Theo GS Biền, bắt đầu từ tháng 3 hằng năm, thời tiết dần nóng lên, cũng là thời điểm chuyển giao sang mùa hè. Vì thế, để đánh dấu thời điểm này, cứ vào ngày 3/3 âm lịch, người dân làm bánh trôi, bánh chay để cúng tế đất trời, tổ tiên.  Bánh trôi, bánh chay chính là sáng tạo của người Việt.

Mâm cúng ngày Tết Hàn thực thể hiện tấm lòng biết ơn của con cháu đối với tổ tiên. Ảnh minh họa Báo Giao thông.

Mâm cúng ngày Tết Hàn thực thể hiện tấm lòng biết ơn của con cháu đối với tổ tiên. Ảnh minh họa Báo Giao thông.

Nhiều sự tích cũng cho rằng, nguồn gốc của bánh trôi, bánh chay có từ thời Hùng Vương và tục làm hai thứ bánh này để nhắc nhở về sự tích “bọc trăm trứng” của Âu Cơ. Bánh trôi tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con lên rừng theo mẹ. Bánh chạy tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con theo cha xuống biển.

Bánh trôi làm từ bột gạo nếp thơm ngon còn được dâng cúng trong lễ Hai Bà Trưng ngày 6 tháng Ba tại làng Hát Môn (Phúc Thọ - Hà Nội), ngày giỗ tổ Hùng Vương mùng 10 tháng Ba và hội Phủ Giầy tháng Ba lễ Mẫu.

Bánh trôi, bánh chay vừa tượng trưng cho những thức ăn nguội – hàn thực, vừa là sản vật từ những mùa lúa bội thu dâng lên ông bà tổ tiên cầu mong mưa thuận gió hòa. Vì vậy người Việt gọi ngày mùng 3 tháng Ba Âm lịch là Tết bánh trôi - bánh chay.

Trong ngày Tết Hàn thực, người ta thường kiêng lửa, ăn mặn và sát sinh.

Mâm lễ cúng Tết Hàn thực không thể thiếu bánh trôi, bánh chay. Số lượng bánh trôi, bánh chay “chuẩn” nhất trong mâm cúng là 5 hoặc 3 bát bánh trôi, 3 hoặc 5 bát bánh chay. Ngoài ra, cần thêm một chút hương, hoa quả tươi, trầu cau, ly nước sạch…

Nguồn gốc Tết Hàn thực

Chuyện kể rằng vào đời Xuân Thu (770 - 221), vua Tấn Văn Công nước Tấn gặp loạn nên phải bỏ nước lưu vong, sống cảnh nay trú nước Tề, mai ở nước Sở. Bấy giờ, có một hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi theo phò vua đã giúp đỡ nhiều mưu kế. Một hôm, trên đường lánh nạn, lương thực cạn kiệt, Giới Tử Thôi phải lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Vua ăn xong, hỏi ra mới biết đem lòng cảm kích vô cùng.

Giới Tử Thôi theo phò vua Tấn Văn Công trong vòng mười chín năm, cùng nhau nếm mật nằm gai, khổ luyện thành tài. Về sau, Tấn Văn Công giành lại được ngôi vương, trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng rất hậu cho những người có công khi tòng vong nhưng lại quên mất Giới Tử Thôi.

Giới Tử Thôi cũng không oán giận gì, nghĩ mình theo vua phò vua là chuyện nên làm. Ông về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn.

Tấn Văn Công về sau nhớ ra, cho người đi tìm Tử Thôi nhưng vì là người không tham danh vọng, Giới Tử Thôi nhất quyết không quay về lĩnh thưởng.  Tấn Văn Công ra lệnh đốt rừng (để ép Tử Thôi quay về), không ngờ Giới Tử Thôi quyết chí, hai mẹ con cùng chịu chết cháy trong rừng.

Nhà vua hối hận, cho lập miếu thờ. Hằng năm, đến ngày 3 tháng 3 là ngày chết cháy của 2 mẹ con Giới Tử Thôi thì cấm dùng lửa nấu ăn, ngay cả việc làm cỗ cúng cũng phải làm từ hôm trước, đây được coi là ngày Tết Hàn thực.

Nguồn: [Link nguồn]

Dân Thủ đô xếp hàng mua bánh trôi, bánh chay ngày Tết Hàn Thực

Nhiều gia đình ở Hà Nội đã huy động tất cả mọi người ra làm làm bánh trôi, bánh chay để kịp phục vụ nhu cầu của...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Tết Hàn thực Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN