Mỹ tố Nga tiếp tay cho Snowden “ăn cắp”

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ cáo buộc Nga đã tiếp tay cho Snowden để anh này "ăn cắp" các tài liệu mật của Mỹ.

Ngày 19/1, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Mike Rogers đã cáo buộc cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ Edward Snowden là một “tên ăn cắp” và cho rằng Nga đã giúp đỡ anh này lấy trộm tài liệu mật của Mỹ.

Nghị sĩ Rogers tuyên bố: “Tôi tin rằng có lý do để anh ta rơi vào vòng tay chào đón của một cựu nhân viên FSB (cơ quan tình báo Nga) ở Mowscow”, ám chỉ đến Tổng thống Nga Vladimir Putin, người từng là sĩ quan tình báo của Nga. Ông Rogers nói tiếp: “Tôi không nghĩ rằng đó là sự trùng hợp.”

Mỹ tố Nga tiếp tay cho Snowden “ăn cắp” - 1

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Mike Rogers

Ông này cho rằng những điều mà Snowden đã làm “vượt quá khả năng kỹ thuật của anh ta” và có vẻ như “anh ta đã được giúp đỡ để ăn cắp những thứ không liên quan gì đến quyền tự do cá nhân.”

Phát biểu trong chương trình phỏng vấn với đài NBC, ông Rogers nói rằng những hành động của Snowden đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của quân đội Mỹ.

Ông nói rằng những tài liệu mà Snowden lấy của chính phủ Mỹ không liên quan gì tới quyền tự do cá nhân của Mỹ mà chủ yếu tập trung vào các hoạt động quân sự của nước này, và giờ đây những thông tin đó có thể đã lọt vào tay các quốc gia khác.

Hồi tuần trước, Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện Mỹ Michael McCaul cũng cho rằng Snowden “đã được một thế lực nước ngoài tiếp tay.”

Cho đến nay, Snowden vẫn bác bỏ cáo buộc nộp tài liệu mật của Mỹ cho chính phủ Nga, nơi anh này được phép tị nạn tạm thời trong vòng 1 năm. Snowden cũng khẳng định tình báo Trung Quốc cũng không thể chạm được tay vào các tài liệu tuyệt mật này.

Mỹ tố Nga tiếp tay cho Snowden “ăn cắp” - 2

Snowden hiện vẫn đang tị nạn tại thủ đô Moscow của Nga

Tuy nhiên, nghị sĩ Rogers lại cho rằng các tổ chức như al-Qaeda và các quốc gia khác đã thay đổi cách thức liên lạc của mình sau khi những thông tin mật của Mỹ bị Snowden tiết lộ, và Mỹ sẽ phải chi hàng tỉ USD để xây dựng lại khả năng do thám của mình.

Trong một bài phát biểu hôm thứ Sáu tuần trước, Tổng thống Obama cho biết ông không muốn chính phủ Mỹ tiếp tục thu thập và lưu trữ thông tin điện thoại của hàng triệu người Mỹ và hạn chế quyền truy cập vào các dữ liệu này của quan chức Mỹ.

Các nhà hoạt động bảo vệ quyền tự do cá nhân ở Mỹ thì cho rằng tuyên bố của ông Obama vẫn chưa trả lời hết câu hỏi quyền tự do của họ sẽ bị hy sinh như thế nào vì lợi ích của an ninh quốc gia.

Ông Alexis Ohanian phát biểu trong chương trình phỏng vấn “Meet the Press” của NBC: “Đó là lựa chọn sai lầm. Chúng ta vẫn có thể an toàn mà không xâm phạm đến quyền tự do cá nhân của công dân.”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo WP) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN