Mỹ tiết lộ vụ tấn công lãnh sự quán tại Libya

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 9/10 đã công bố miêu tả chi tiết về thảm kịch xảy ra ở Lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi hôm 11/9 làm bốn người thiệt mạng, trong đó có đại sứ Mỹ Christopher Stevens.

Theo AP, quan chức Mỹ cho biết không có gì bất thường quanh lãnh sự quán này trước cuộc tấn công. Tòa nhà trong bốn dãy thuộc lãnh sự quán mà ông Stevens ở lại được miêu tả là một nơi cư trú lớn với rất nhiều phòng ngủ. Khu nhà này được gọi là khu C - nơi trú ẩn an toàn được rào chắn cách biệt bằng cổng lớn và khóa.

Ông Stevens đến Benghazi hôm 10/9 và ngày hôm sau tổ chức một loạt cuộc họp. Vị khách cuối cùng của ông là một nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ được ông tiễn ra cổng chính lúc 20 giờ 30 ngày 11/9 theo giờ địa phương. Tối hôm đó có mặt tại lãnh sự quán là ông Stevens, giám đốc thông tin Sean Smith, năm nhân viên an ninh mang vũ khí cùng bốn thành viên của một đơn vị du kích Libya làm nhiệm vụ bảo vệ chính quyền địa phương.

Mỹ tiết lộ vụ tấn công lãnh sự quán tại Libya - 1

Tòa nhà tan hoang sau vụ tấn công đêm 11/9 - Ảnh: Reuters

Lúc 21 giờ 40, khi ông Stevens vừa đi ngủ, các nhân viên an ninh nghe thấy những tiếng nổ lớn tại cổng cùng tiếng đạn rát tai. Một số lượng lớn tay súng đã ập vào được bên trong lãnh sự quán. Một bảo vệ đã chạy lên đưa đại sứ và ông Smith vào khu vực an toàn của khu nhà ở. Người này mang theo súng máy M4 và điện đàm. Một số nhân viên an ninh khác muốn vào tòa nhà này nhưng đụng độ với nhóm vũ trang và phải rút lui vào một tòa nhà khác trong lãnh sự quán.

Những kẻ tấn công mang súng máy, lựu đạn, pháo cối đã len lỏi được vào trong khu nhà ở tối om, nhìn qua hàng rào sắt định vào nhưng không thể. Nhân viên bảo vệ ông Stevens quan sát sự di chuyển của chúng bằng khẩu súng sẵn sàng nhả đạn.

Nhóm tấn công đổ những can dầu diesel lên đồ đạc và châm lửa. Tòa nhà ngập chìm trong khói và hơi độc, không khí đen đặc lại. Ông Stevens, Smith và người bảo vệ di chuyển sang một nhà tắm để mở cửa sổ nhưng không có đủ dưỡng khí. Họ quyết định rời đến một phòng ngủ kế bên. Ở ngoài đó là tiếng đạn, khói và những tiếng nổ.

Người bảo vệ bị ngạt khói, không thể thở được nên rời khu nhà trước nhưng khi trở lại anh ta không tìm thấy ông Stevens và Smith. Người này trèo lên một cái thang để lên nóc nhà nhưng kiệt sức và phải gọi điện đàm cho các nhân viên khác đến hỗ trợ tìm kiếm. Một nhóm phản ứng nhanh lần lượt thay nhau bò khắp các ngả và cuối cùng tìm được Smith nhưng ông ấy đã chết. Còn viên đại sứ vẫn không thấy đâu.

Họ đưa xác ông Smith đến một chái nhà, nhưng chái nhà này bị trúng pháo cối và đạn trong nhiều giờ, sụp trần làm một người bị thương, hai nhân viên an ninh thiệt mạng lúc 4g ngày 12/9. Hai người này chính là cựu thành viên đặc nhiệm SEAL nổi tiếng Glen Doherty và Tyrone Woods. Sau đó, đội đặc nhiệm cứu hỏa cho chái nhà này trong vài giờ rồi sơ tán tất cả bằng hai chuyến bay.

Cho đến giờ, quan chức Mỹ chưa rõ đại sứ Stevens được đưa đến bệnh viện bằng cách nào và thi thể của ông được trao lại cho các nhân viên ngoại giao Mỹ ngay trong đêm đó.

“Mỹ không kết luận vụ tấn công liên quan đến bộ phim phỉ báng đạo Hồi”

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ chưa bao giờ kết luận rằng vụ tấn công lãnh sự quán tại Benghazi là do làn sóng phản đối bộ phim ngắn Sự ngây thơ của người Hồi giáo mà một cá nhân người Mỹ làm đạo diễn.

Điều này trái ngược với các thông tin trước đó cho thấy các quan chức Bộ Ngoại giao, trong đó có đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Susan Rice, trong một tuần liền ngụ ý rằng vụ tấn công này là do bộ phim. Sau đó, chính Bộ Ngoại giao đã gửi thông báo chỉ trích Đài truyền hình CNN về việc công bố nhật ký của đại sứ Stevens là “kinh tởm”.

Bảy trang nhật ký của ông Stevens đã nói về nỗi sợ hãi khi tình hình bất ổn ở Libya lên đến mức rất nguy hiểm, có sự xuất hiện của khủng bố và sự bất đồng trong nội bộ lực lượng an ninh các cấp ở Libya - một điều mà chính quyền Obama khó lòng thừa nhận.

Vụ tấn công này là vấn đề lớn trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm nay. Ứng viên Mitt Romney của Đảng Cộng hòa hôm 8/10 đã chỉ trích vụ việc thể hiện sự yếu kém trong chính sách ngoại giao của ông Obama. “Cuối cùng thì chính quyền ông Obama phải thừa nhận vụ tấn công là việc làm chủ ý của lực lượng khủng bố”, ông Romney nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phan Anh (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN