Mong manh những mảnh đời không chờ Tết
Với họ, được ăn no và mặc ấm đã là một niềm hạnh phúc lớn lao. Dường như họ chưa bao giờ chờ Tết...
Chỉ còn 2 ngày nữa, chúng ta sẽ bước sang thời khắc của năm mới. Không khí Tết đã len lỏi khắp từng con đường ngõ phố. Với nhiều người đây là thời điểm quý giá để gia đình sum vầy đoàn tụ, vui vẻ bên nhau. Nhưng đâu đó nơi đầu đường, cuối chợ vẫn còn rất nhiều những mảnh đời khó khăn. Với họ, được ăn no và mặc ấm đã là một niềm hạnh phúc lớn lao. Dường như họ chưa bao giờ chờ Tết.
Tết là điều... "xa xỉ"
Trong cái giá rét căm căm của những ngày cuối năm, giữa bãi rác chợ Đông Ba (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế), chúng tôi bắt gặp hình ảnh một cụ bà lớn tuổi đang cặm cụi với công việc thu nhặt giấy vụn ve chai. Bên bãi rác bốc mùi khó chịu, người bình thường khó có thể đứng lâu.
Vậy nhưng hơn 30 năm nay, hình ảnh cụ Nguyễn Thị Thỷ ngày ngày lặng lẽ với công việc vất vả này để nuôi đứa con trai bị bệnh tâm thần đã quá quen thuộc với bà con thương lái trong chợ.
Năm nay bước sang tuổi 78, cái cảm giác háo hức mong đợi Tết đối với cụ Nguyễn Thị Thỷ chỉ còn là những hoài niệm của quá khứ mà nhắc đến chỉ thêm buồn. Đã từ rất lâu rồi, cụ không còn mong chờ những ngày Tết.
30 năm nay cụ Nguyễn Thị Thỷ vẫn gắn bó với bãi rác chợ Đông Ba (Huế). Ảnh: Lê Chung
Lau vội những giọt nước mắt, cụ Thỷ chia sẻ: "Tết đến là lúc gia đình đoàn tụ bên nhau, ai mà không mong hả cháu. Nhưng mỗi nhà mỗi cảnh, khi đói thì người ta chỉ còn biết nghĩ đến cái ăn, với những người như cụ không phải nhịn đói qua ngày là hạnh phúc lắm rồi".
Cụ Nguyễn Thị Thỷ vốn cũng có một gia đình êm ấm, cũng quây quần bên nhau mỗi khi Tết đến xuân về. Nhưng số phận bất hạnh sớm đẩy người phụ nữ trẻ đến cảnh cùng cực.
Năm 33 tuổi người chồng qua đời để lại cụ với 4 đứa con thơ. Ba cô con gái đầu đến tuổi rồi cũng lấy chồng, người vì hoàn cảnh khó khăn không giúp được gì, người vì lấy chồng xa mà mấy mùa xuân trôi qua vẫn chưa thấy về thăm mẹ. Vậy là suốt mấy chục năm nay, cụ lầm lũi một mình nuôi người con trai út lúc điên lúc tỉnh.
Với công việc thu lượm ve chai ở bãi rác, mỗi ngày cụ chỉ kiếm được 30-45 nghìn đồng. Công việc của cụ thường bắt đầu từ tờ mờ sáng cho đến tận đêm muộn.
Nhà ở tận khu tái định cư Hương Sơ, phường An Hòa, TP Huế nên cụ để người con ở nhà một mình gửi hàng xóm thăm nom.
Nhà xa, dùng một chiếc ghế xếp để làm giường, nhặt lại tấm chăn cũ để đắp, cụ ngủ lại luôn ở bãi rác nên vài ngày mới về thăm con được một lần.
Nghe đâu, hơn một tháng nay, người con nửa điên nửa tỉnh đi theo người quen đi làm ăn xa để kiếm tiền giúp mẹ nhưng không thấy tin tức gì.
Vừa phải chạy ăn, vừa phải lo thuốc thang cho người con trai, cuộc sống với người mẹ già quá đỗi vất vả.
Cụ Nguyễn Thị Thỷ năm nay đã 78 tuổi nhưng vẫn lầm lũi với công việc thu lượm ve chai. Ảnh: Lê Chung
Tết năm nay cụ Nguyễn Thị Thỷ sẽ bám trụ ở bãi rác để kiếm thêm chút thu nhập trang trãi cuộc sống. Ảnh: Lê Chung
Vừa nhặt nhạnh những mẫu bìa carton, cụ Thỷ bộc bạch mong muốn của mình trong những ngày cuối năm: "Ngày Tết thu lượm được nhiều hơn ngày thường nên Tết năm nào mệ cũng ở bãi rác này luôn.
Những người sống qua ngày như mệ không mong gì Tết, năm nay chỉ mong thằng con trai bình an trở về. Cầu trời đừng lạnh quá, mệ có đủ sức khỏe kiếm thêm chút thu nhập để ra năm nó không phải đi làm nữa".
"Chỉ mong sao con đủ cái ăn.."
Chia tay cụ Nguyễn Thị Thỷ, chúng tôi lại tình cờ bắt gặp một hoàn cảnh khác cũng vô cùng đáng thương. Đó là trường hợp của gia đình anh Trần Văn Hoàng (44 tuổi) và chị Nguyễn Thị Chín (49 tuổi) ở phường Phú Cát, TP Huế.
Ngôi nhà nhỏ của anh chị nằm một góc trong công viên Trịnh Công Sơn ngay bên chân cầu Gia Hội. Gọi là nhà nhưng đó chỉ là căn lều nhỏ tạm bợ được dựng từ một căn nhà hoang đang phá lỡ dở lợp thêm vài tấm tôn cũ.
Thật khó có thể tin được rằng, căn nhà lụp xụp này là nơi 5 con người chống chọi lại đợt rét kỷ lục vừa qua.
Vợ chồng anh Trần Văn Hoàng và chị Nguyễn Thị Chín trước căn nhà dột nát của mình. Ảnh: Lê Chung
May mắn hơn cụ Thỷ, anh Hoàng và chị Chín có được một gia đình nhỏ êm ấm. Nhưng đã mấy năm nay anh chị và các con chưa có được một cái Tết đúng nghĩa.
Chúng tôi đến nhà khi con gái đầu của anh là cháu Trần Thị Thu Sương và cháu út Trần Hoàng Phụng đang nằm co ro trên giường đợi bố mẹ đi làm về. Phải đợi đến nhá nhem tối, chúng tôi mới thấy chị Nguyễn Thị Chín lọ mọ trở về nhà. Chị Chín hiện đang phải làm thuê đủ việc để trang trải cuộc sống.
Mặt đượm buồn, chị Nguyễn Thị Chín tâm sự: "Vì không có đất nên lâu nay gia đình đành mượn tạm căn nhà hoang để ở. Cũng không có hộ khẩu, bà con láng giềng thương nên cho ở tạm. Đất này cũng sắp thu hồi nên tương lai của cả nhà chưa biết sẽ về đâu. Hai vợ chồng làm cật lực mà không đủ chạy ăn qua ngày".
Trong căn nhà lụp xụp, chật chội chỉ có mỗi chiếc giường là chỗ ngủ duy nhất. Để có đủ chổ cho cả nhà ngã lưng, chị phải đặt thêm một tấm phản sát vách làm nơi ngủ cho chồng và đứa con trai út.
Để không bị dột, dưới lớp tôn rách nát anh Hoàng chồng chị phải giăng chằng chịt những tấm nilon để chống chọi qua những ngày mưa gió. Với gia đình, chuyện ngồi trong nhà mà trên đầu mưa dột dưới chân nước ngập đã là chuyện quá bình thường.
Vì hoàn cảnh quá khó khăn mà ba đứa con anh chị chỉ mới học đến ngang lớp 8 đều phải bỏ học ở nhà làm thêm phụ giúp gia đình.
Căn nhà tạm mà vợ chồng anh Trần Văn Hoàng và chị Nguyễn Thị Chín đang ở đã quá dột nát. Ảnh: Lê Chung
Tâm sự được một lúc thì anh Trần Văn Hoàng chồng chị cũng đi làm về, ăn vội bát cơm anh cởi mở trò chuyện: "Anh làm nghề đạp xích lô, trời trở lạnh nên dạo này khách ế ẩm lắm em à, nhiều hôm ngồi lạnh cả ngày mà không có được khách nào. Mấy bữa nay thu nhập đều phụ thuộc cả vào công việc của vợ".
Khi được hỏi Tết này gia đình đã chuẩn bị được gì chưa, giọng anh Hoàng bỗng chùng xuống: "Nhà cửa thế này có mong chi Tết em ơi, chỉ mong sao con đủ cái ăn là hai vợ chồng vui lắm rồi. Tết mấy năm nay đều vậy cả, cả nhà ngồi nhìn nhau để trông cho nhanh qua ngày còn có việc để làm".
Sau bữa cơm vội, trong cơn mưa phùn lạnh lẽo anh Hoàng lại trở về công việc thường nhật của mình. Chỉ còn vài ngày nửa là hết năm, mong ước của người cha nghèo chỉ mong sao đạp được đều chuyến để kiếm thêm chút ít lo cho những ngày Tết. Khá hơn thì mua cho con được bộ quần áo mới để con bớt tủi thân.
Là người gắn bó với các chương trình giúp đỡ người nghèo và hoàn cảnh khó khăn trong nhiều năm nay, anh Ngô Qúy Nho - Chủ nhiệm Hội từ thiện HFB cho PV Báo Gia đình & Xã hội biết: “Hiện tại ở Thừa Thiên - Huế có khá nhiều hoạt động từ thiện hướng đến người nghèo mỗi dịp Tết đến như chương trình Bánh tét yêu thương – Xuân ấm áp 2016 của Hội từ thiện HFB, nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Vẫn còn rất nhiều mảnh đời khó khăn chưa có Tết đang cần đến sự chung tay giúp đỡ của mọi người”.