Miền đông Ukraine chuẩn bị bỏ phiếu
Các tay súng thân Nga chiếm tòa thị chính ở Donetsk và Luhansk đã tập trung người dân địa phương tổ chức một cuộc bầu cử ngày hôm nay (11/5) để “tìm kiếm quyền tự chủ” từ chính phủ Kiev, một cuộc trưng cầu có thể gây chia rẽ ngay cả những người vốn ủng hộ điện Kremlin.
Không giống như ở Crimea, bán đảo đã sáp nhập Nga hồi tháng Ba vừa qua, người nói tiếng Nga chỉ chiếm thiểu số trong những khu vực khác ở Ukraine. Kết quả của những cuộc bỏ phiếu gần đây cho thấy, đa số người dân đều tin tưởng chính phủ Kiev, kể cả ở khu vực miền đông khi chính phủ Kiev tiến hành các chiến dịch chống ly khai và liên kết với Moscow.
Tuy nhiên, cuộc đối đầu bạo lực trong những ngày gần đây giữa lực lượng ly khai, cảnh sát Ukraine và lực lượng quân sự đã làm gia tăng căng thẳng. Những người thân Nga từ đó đã hiểu thêm rằng chính phủ lâm thời Ukraine có thể đe dọa tới quyền tự chủ và sự an toàn của những người nói tiếng Nga.
Lực lượng ly khai thân Nga trên một chiếc xe bọc thép thu được của quân đội Ukraine trên đường phố Mariupol.
Khi các cuộc đụng độ đẫm máu xảy ra, lực lượng thân Nga yêu cầu phải có một cuộc đối thoại quốc gia để chuyển Ukraine thành nhà nước liên bang, theo đó các khu vực sẽ tự do hoạch định chính sách kinh tế, đối nội và đối ngoại của riêng họ. Bên cạnh đó, các khu vực nói tiếng Nga, vốn có quan hệ truyền thống với Moscow, sẽ được phép hoạt động độc lập, ko phụ thuộc vào các chính sách của chính phủ Kiev nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại với Liên minh châu Âu EU. Tuy nhiên, yêu cầu thay đổi trong liên minh chính trị này đã bị điện Kremlin phản đối.
Mặc dù cuộc trưng cầu dân ý diễn ra hôm nay không được công nhận nhưng nó thể hiện mong muốn tột cùng của những người dân nói tiếng Nga về việc ly khai và sáp nhập vào Moscow. Nhưng mong muốn này lại phụ thuộc chủ yếu vào quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trước đó, người đứng đầu điện Kremlin đã bị chính quyền Ukraine và phương Tây cáo buộc tác động vào căng thẳng ở miền đông Kiev dẫn tới việc mất ổn định trong khu vực này.
Cả thế giới đang chờ đợi phản ứng từ điện Kremlin
Tuần trước, ông Putin đã kêu gọi lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine trì hoãn việc trưng cầu dân ý để Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu có thêm thời gian tìm ra một giải pháp ngoại giao hợp lý cho cuộc xung đột.
Tuy nhiên, lãnh đạo tự xưng của tổ chức do lực lượng ly khai thành lập gọi là “Cộng hòa Nhân dân Donetsk”, ông Denis Pushilin, đã từ chối lời khuyên của Tổng thống Putin. Ông Pushilin tuyên bố ủng hộ nhân dân địa phương tách ra khỏi Kiev và tự quyết định cho tương lai của khu vực họ.
Sẽ không có giám sát viên quốc tế nào tham gia giám sát cuộc trưng cầu dân ý sắp diễn ra hôm nay. Vì vậy tính minh bạch và hợp pháp của cuộc bầu cử chắc chắn sẽ vấp phải nhiều lời chỉ trích.
Một khảo sát gần đây do Trung tâm nghiên cứu Pew trụ sở tại Washington và Viện Cộng hòa quốc tế thực hiện cho thấy, phần lớn những người ở phía đông và phía nam đều thiên về ý kiến xây dựng quốc gia Ukraine thống nhất.
Trong cuộc điều tra tại Donetsk, chỉ có 16% người dân địa phương được hỏi nói họ ủng hộ quân đội chiếm đóng tại các tòa nhà chính phủ. Một cuộc thăm dò do Viện Cộng hòa quốc tế tiến hành cho thấy chỉ 4% người dân ủng hộ việc tách ra khỏi Ukraine để sáp nhập Nga.
Cuộc bỏ phiếu cũng có thể trở thành một động thái thách thức đối với chính phủ Ukraine, khiến chính quyền nước này buộc phải đưa ra những biện pháp mạnh hơn để trấn áp. Điều này làm cho những người nói tiếng Nga càng thêm sợ hãi và lo lắng về tương lai của họ.
Nếu cuộc trưng cầu ý dân vẫn diễn ra, Tổng thống Putin sẽ phải đối mặt với một sức ép không hề nhỏ trong việc đưa ra quyết định dựa trên kết quả bầu cử. Tổng thống Putin và nước Nga sẽ phản ứng như thế nào và hành động ra sao nếu có kết quả bỏ phiếu? Đó vẫn là một câu hỏi lớn của cộng đồng quốc tế cần lời giải đáp.