Mẹ đóng chuồng nhốt hai con thích khoả thân
Hai con trai của bà đều bỗng thích khoả thân chạy vào rừng. Bà phải đóng chuồng nhốt con.
Thích khoả thân chạy vào rừng
Khe Chà Hạ (bản Hào, xã Yên Hòa, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) lở lói, đục ngầu. Người đàn bà khoác chiếc áo có màu như nước khe chẳng để ý khi tôi nhắc tên bà Lương Thị Châu. Nhưng nhắc chuyện có hai đứa con thích lột quần áo chạy vào rừng thì chị nhanh nhảu: “Hết mấy nóc nhà ni (này - PV) là đến thôi. Bà ấy khổ lắm”.
Vào nhà, bà Châu đang ngồi bên chiếc chuồng gỗ được ghép bởi những thanh gỗ, mét (cây luồng), bên trên được lợp mái bằng lá. Loáng thoáng có bóng gì đó trong chuồng. Lại gần nhận ra đó là một người đàn ông ở trần, nước da màu đất loang lổ. Vân vân miếng xôi, bà Châu nhúi vào cho con.
Anh Xánh cưới vợ được 1 ngày thì bỗng dưng lột hết đồ chạy vào rừng sâu
Nhanh như cắt, người trong chuồng vứt nắm xôi ra ngoài. Bà Châu lê bước, cúi nhặt nắm xôi, rồi tỉ mẩn nhặt từng hạt đất, cất vào trong giỏ. Bà tâm sự: “Gần 10 năm ni bị nhốt, hắn lúc nào cũng thế mà. Có hôm nhịn đói cả ngày có chịu ăn chi (gì) mô (đâu)”.
Bà Châu đau xót nhốt anh Xánh
Câu chuyện với tôi bị ngắt quãng bởi chốc chốc lại nghe tiếng kêu re ré, quằn quại của con trai bà, anh Lô Văn Xánh (36 tuổi) - trong chuồng gỗ phát ra.
Bà Châu kể năm 2001, Xánh cưới vợ được một ngày thì bỗng biến mất. Bà đi dò hỏi cả ngày thì có người bảo con bà lột hết đồ chạy vào sâu trong rừng rồi.
Thương bà Châu, người dân trong bản đã tập hợp nhau lại, chuẩn bị lương thực để tìm Xánh. Mọi người đi bộ mấy ngày trời. Tưởng thất bại thì bất ngờ nghe thấy tiếng người ở trên cao.
Nhìn lên ngọn cây cổ thụ cao vút thì thấy có người ở trần, đôi mắt sáng quắc nhìn chăm chăm về phía họ. Rồi cười. Tiếng cười rờn rợn.
Chốc lát, người dân xác định đấy là Xánh.
Sau nhiều tiếng đồng hồ, mọi người đã đưa được Xánh về nhà. Nhưng vừa đến đầu ngõ, Xánh đã chạy thẳng vào bếp lấy con dao nhọn ra chửi bới rồi đuổi người chém.
Dân bản đã phải đi bộ mấy ngày trời mới tìm được anh Xánh trong rừng sâu
Nhốt con chuồng gỗ, mời thầy “đuổi ma”
Theo bà Châu vào nhà, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy người đàn ông nửa ở trần, chỉ độc mặc chiếc quần đùi nằm trên giường, đôi mắt man dại.
Bà tiến lại gần cầm chiếc quạt quạt cho con, bảo: “Hắn là Lô Văn Kèo, năm ni 45 tuổi rồi. Nhưng cứ như đứa trẻ, chẳng biết làm chi. Hắn nằm im như thế là tui hết khổ rồi”.
Vậy là không chỉ anh Xánh, mà cứ theo lời kể thì bà Châu có đến hai người con thích “nuy”. Anh Kèo là anh của Xánh, lúc sinh ra cũng bình thường như bao trai bản khác. Cũng khỏe mạnh, lanh lợi, lọt vào mắt của nhiều sơn nữ cùng trang lứa.
Vậy nhưng năm lên 17 tuổi (năm 1984), anh Kèo cũng bỗng dưng mất tích. Bà Châu và dân bản đi tìm phát hiện Kèo trong rừng sâu, không mảnh vải che thân.
Mọi người đưa về nhà nhưng sau đó Kèo lại dùng dao chém người nên bà Châu nhờ người đóng chuồng gỗ nhốt anh Kèo vào đó.
“Thằng Kèo giờ cũng đỡ rồi. Không phải nhốt chuồng nữa. Nhưng giờ thằng Xánh lại như anh trai hắn”, nước mắt bà Châu trào ra.
Cũng như anh Xánh, anh Kèo chưa một lần được đưa đến bệnh viện để khám
Khi xảy ra chuyện, bà Châu đã đi mời thầy cúng về để bắt “con ma” cho các con của mình. Bệnh tình không giảm mà hiện đã qua 5 thầy cúng và có hàng chục con lợn đã bị làm thịt. Nhiều tài sản của vợ chồng bà Châu cũng đã “đội nón” ra đi.
Thậm chí, bà cũng đã phải bán căn nhà gỗ để trả nợ số tiền đã vay để nhờ thầy cúng. Không có nhà, vợ chồng con cái được người dân giúp dựng mái nhà xộc xệch ở tạm.
Tôi hỏi bà Châu các con bị bệnh gì. Bà lắc đầu không biết. “Tui chưa đưa con đi bệnh viện. Xuống đó tiền nhiều lắm mà gia đình không có đâu. Hơn nữa dân làng bảo chúng nó (hai con bà Châu-PV) bị ma ám đấy”, người mẹ này nói trong tiếng nấc khi nhìn hai đứa con của mình.
Ông Lô Văn Môn - Bí thư chi bộ bản Hào cho biết: Vợ chồng bà Châu có 6 người con nhưng chỉ có hai người bị bệnh. Các con khác của bà có muốn giúp đỡ mẹ cũng không được vì cuộc sống cũng khó khăn. Chồng bà đau yếu nên cũng không cáng đáng được nhiều. Để giúp gia đình bà, dân bản đã đóng chuồng gỗ để nhốt các con bà khi bị bệnh. Ngoài ra còn gom gạo, ngô cho gia đình bà. Mới đây, gia đình bà Châu được Nhà nước hỗ trợ tiền và được người dân giúp đỡ nên đã dựng được chỗ ở gọi là nhà. |