Ly kỳ chuyện bà hai nhường con cho bà cả

Cơn ghen trong lòng bà Thủy chất chứa từ ngày này sang ngày khác, từ tháng này sang tháng khác, từ năm này qua năm khác. Cứ mỗi lần bà Tự sinh thêm đứa con là cơn ghen ấy lại lớn hơn, nhiều hơn, khiến bà Tự nhiều lần muốn bỏ cuộc...

Đại gia đình ấy không thể có một kết thúc viên mãn như ngày hôm nay nếu không nhờ những người con gái lớn của bà cả vẫn dấm dúi đến thăm hỏi mẹ hai, người mà họ vẫn gọi là “cô” nhưng lại xưng “con” một cách trìu mến...

Khi cơn ghen tự nhiên... biến mất

Từ ngày bà cả lên cơn ghen tuông, mọi hoạt động liên quan giữa hai nhà dường như ngừng hẳn. Bà Thủy ngay lập tức cấm những đứa con của mình qua lại với nhà trên kia. Bảy cô con gái của bà, phần vì sợ mẹ, phần vì thương mẹ hai nên vẫn cố gắng giấu mẹ lên giúp đỡ bà Tự trông em, lấy củi, làm giúp vài công ngày mùa.

Bà Tự kể: “Ngày ấy, mẹ chúng nó hung dữ bao nhiêu thì chúng nó lại tốt với tôi bấy nhiêu. Gần như mỗi khi bà Thủy bảo đi đâu là chúng nó lại cố gắng bớt thời gian hoặc làm qua loa để có thể vào nhà tôi, thăm nom các em. Mỗi lần đến, mấy đứa đều mang cho tôi không thứ nọ thì quà kia. Đi lấy được ít măng, chúng cũng phải đi đường vòng để giấu giếm cho mẹ hai ít nhiều, vì nếu về qua nhà thì sẽ không được đi nữa, hoặc có được đi nữa thì cũng không thể mang măng đến cho “cô”. Nhiều khi, chúng nó đi từ chiều mà cũng phải vác cái đèn pin theo để dự phòng qua thăm tôi về muộn. Hình như bà Thủy cũng biết được ít nhiều việc các con gái giấu bà đi thăm mẹ hai nên đã mấy lần tỏ ý giận dỗi các con”.

Nói đến đây bà Tự dừng lại, hỏi bà Thủy: “Ngày ấy, các con có về khuyên giải gì chị không”? Bà Thủy bảo: “Chúng nó chả nói suốt ấy chứ nhưng cơn nó lên rồi, biết làm thế nào được. Nhiều khi nghe chúng nó khuyên lơn, tôi phát bực lên, quát cho một trận rồi dằn dỗi không ăn cơm nữa. Chúng nó có vẻ sợ nên từ bấy thấy ít đi lại trên ấy”. Bà Tự chép miệng: “Hèn gì, tự nhiên em thấy chúng nó qua lại thưa hẳn đi, định bụng gặp sẽ hỏi mà cứ lu bu, với lại thời gian không có nhiều để mà hỏi”.

Ly kỳ chuyện bà hai nhường con cho bà cả - 1

Nhà bà cả là trung tâm hội họp (Ảnh T.G)

Bà Tự một mình nuôi mấy đứa con. Thi thoảng, ông Như vẫn đến giúp đỡ việc nọ việc kia nhưng bà vẫn thấy trống trải... mà cũng đành chịu vì bà phận làm lẽ. Bà bảo: “Từ ngày về làm lẽ, tôi chưa một lần cãi lại hay to tiếng với bà ấy bao giờ, có thể vì bà ấy thấy mình hiền nên… làm tới” (cười – PV).

Cho tới khi bà Tự đẻ thêm đứa nữa thì mối quan hệ giữa bà cả và bà hai rẽ sang một bước ngoặt hoàn toàn khác. Bà Tự nhớ lại: “Ngày tôi mới đẻ xong tự nhiên thấy 2 đứa con gái lớn của bà Thủy vào thăm và bảo: “Dân làng gặp chúng con nói chuyện con mới biết”. Sau hôm ấy về, không biết 2 đứa đã nói gì với mẹ mà từ bấy giờ thái độ của bà ấy khác hẳn”. Dừng lời, bà Tự quay sang đùa với bà Thủy: “Chị nhỉ, không biết ngày ấy các con nói gì mà chị thay đổi hẳn thái độ với em” (?). Bà Thủy không trả lời, miệng vẫn nhai trầu và lắng nghe cuộc chuyện trò của chúng tôi như thể mình không phải là một nhân vật của câu chuyện.

Bà Tự kể tiếp: “Ngay ngày hôm sau, bà ấy lại đi bộ lên nhưng không phải để chửi mắng mà hỏi thăm nhẹ nhàng lắm. Từ bấy giờ, chị em tôi lại đi lại với nhau, bà Thủy thay đổi hẳn, tốt bụng như Bụt ấy. Có gì ngon, bà đều dành để mang lên cho con nhà tôi. Đi chùa về được lộc hai quả chuối, bà cũng tự mình mang lên. Đi ăn đám cưới có quà, bà cũng gói lại mang lên cho mấy đứa nhà bà hai. Tôi nhớ nhất là một buổi trưa tháng 6 nắng rát mặt, mấy mẹ con đang ở nhà tránh nắng thì thấy bà Thủy đội trên đầu một chiếc thúng đi vào nhà. Hóa ra, bà ấy giấm được mấy nải chuối chín nên mang cho mẹ bà ấy một nải, mẹ tôi một nải và mang vào nhà cho tôi một nải nữa. Đấy, đã bảo mà, bà ấy tự nhiên đổi tính, hiền như Bụt thật ấy. Nhưng cũng lạ, cái ngày nhà tôi xây nhà, bà ấy vẫn còn cơn ghen, thế mà vẫn cho các con bà ấy qua lại giúp tôi làm việc nọ, việc kia”.

Ly kỳ chuyện bà hai nhường con cho bà cả - 2

Bà cả và con gái. (Ảnh T.G)

Chuyện đặc biệt của nhà ông Như...

Ra lều ở để… tránh cả hai bà

Bây giờ, bà cả ở một ngôi nhà khang trang, bà hai cũng một nhà khang trang không kém, thì ông Như lại ra ở ngoài cái lều tạm bợ được làm để trông 17ha ao mà gia đình đấu thầu được từ hợp tác xã. Ông bảo “Tôi đã lo đâu vào đấy rồi, bà nào cũng nhà cửa đàng hoàng, các con trên dưới hòa thuận, đấy là hạnh phúc lớn lắm mà tôi có được sau cả một đời cố gắng vì vợ con. Giờ già rồi không thể để họ ganh tỵ ông ở nhà này, ông ở nhà kia nữa, nên tôi ra lều ở cho công bằng”.

Có lẽ, dân làng cùng thôn xóm nhà ông Như không hiểu ông đã “tề gia” như thế nào mà bây giờ hai bà vợ của ông thân nhau hơn hai chị em gái. Đi đâu cũng hai bà đi với nhau, làm gì cũng hai bà cùng gánh vác. Đám cưới, đám giỗ nào cũng là ông ở nhà, hai bà nắm tay đi. Mọi người hẳn nghĩ là ông có uy lắm. Nhưng không, ông bảo: “Từ ngày cưới các bà về, toàn các bà mắng tôi chứ tôi chưa mắng được các bà câu nào. Tôi làm lẽ các bà chứ có phải các bà ấy làm lẽ tôi đâu”.

Nghe ông Như nói, hai bà nhìn nhau rồi cùng cười. Thấy vợ vui, ông cũng cười theo hai người đàn bà của đời mình. Gương mặt người đàn ông 75 tuổi thoạt nhìn có vẻ khắc khổ, nhưng khi ông cười mới thấy những nét hạnh phúc, rạng rỡ hiện lên đằng sau những nếp nhăn.

Nhưng nhà ông Như không chỉ đặc biệt ở việc hai bà vợ thân nhau hơn chị em gái mà còn ở chuyện bà hai “nhường con” cho bà cả. Bởi người con trai của bà Tự (người là nguồn cơn làm dậy sóng cơn ghen kéo dài đến hàng chục năm của bà cả), người đã sống với bà gần ba chục năm nay, người mà bà Thủy chưa một lần chăm sóc lại “tự nhiên” dọn đến sống với mẹ cả, bắt đầu từ ngày có gia đình riêng. Ngay cả ngày cưới anh, thì mọi nghi thức, lễ lạt cũng tổ chức ở nhà bà cả, dâu đón về thẳng nhà bà cả, không “ngó nghiêng” gì đến căn nhà mà chú rể đã sinh ra và lớn lên. Nhưng hai bà vẫn vui vẻ theo sự sắp xếp của chồng vì họ hiểu “nhà có gia quy”.

Bà Tự kể rằng, đất trên nhà bà rộng lắm nên bà đã bàn với ông sẽ làm 2 căn nhà trên ấy cho 2 đứa con trai, nhưng ông Như gạt đi, quyết rằng “đứa con trai cả phải về ở với mẹ cả”. Chỉ một lời thôi, cả nhà răm rắp nghe theo. Như sợ người mẹ sinh ra mình chạnh lòng, ngày quyết định về nhà mẹ cả ở, người con trai cả của bà Tự bảo với bà rằng: “Con ở đâu thì con cũng có trách nhiệm lo cho thầy (cha - PV), bầm (mẹ cả - PV) và mẹ. Mẹ cứ yên tâm và tin tưởng ở con nhé”.

Ngày con trai cả của bà Tự sinh đứa con đầu lòng, thương mẹ cả mắt mờ, chân chậm, anh bèn đưa vợ con về nhà mẹ đẻ chăm sóc cho tiện nhưng chỉ được một tháng là gia đình nhỏ ấy lại nhất nhất khăn gói đòi về nhà mình, cứ như mặc nhiên, đấy mới là nơi có người mẹ đẻ của họ vậy. Và thế là từ đấy, mỗi lần đi xa về hoặc về thăm nhà thì nơi nghiễm nhiên cặp vợ chồng trẻ ấy về là nhà mẹ cả. Ông Như hỏi: “Cô có thấy ai sướng như bà Thủy không? Bà ấy chẳng phải làm gì cả, không phải nuôi con một ngày thế mà về già được có con trai ở bên chăm sóc, lo lắng”. Tôi cứ suy nghĩ mãi về câu nói của ông Như, bà Thủy sướng thật, nhưng chúng tôi nghĩ rằng đấy là một cái kết có hậu hiếm hoi cho những người đàn bà ở vào hoàn cảnh trớ trêu... Không phải bỗng dưng mà xã hội ngày nay chỉ một vợ, một chồng!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Phúc Nhi (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN