Lý giải đường đi hình vòng tròn kỳ lạ của “hậu duệ” bão số 3

Sau khi từ biển vào đất liền Việt Nam, hoàn lưu áp thấp bão số 3 quay ngược ra vịnh Bắc Bộ sang Trung Quốc rồi lại vòng trở lại miền Bắc Việt Nam gây mưa lớn.

Lý giải đường đi hình vòng tròn kỳ lạ của “hậu duệ” bão số 3 - 1

Hướng di chuyển gần giống hình tròn kỳ lạ của vùng áp thấp đang gây mưa ở Bắc Bộ. Ảnh Trung tâm Dự báo KTTVQG.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng nay (25/7), vùng áp thấp đang nằm trên khu vực biên giới Việt-Trung. Trong chiều và đêm nay, vùng áp thấp tiếp tục di chuyển gần hơn về phía nước ta nên ở Bắc Bộ và tỉnh Thanh Hóa sẽ có mưa vừa, có nơi mưa to; khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa to.

Trọng tâm của đợt mưa to này là ngày 25-26/7; tập trung ở 5 tỉnh vùng núi phía Bắc gồm Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu. Tổng lượng mưa dự báo khoảng 50-100mm/ngày.

Chắc hẳn, ít người biết rằng, vùng áp thấp này chính là “hậu duệ” của bão số 3 (Sơn Tinh). Sau khi đổ bộ các tỉnh Bắc Trung Bộ đêm 18 ráng sáng 19/7 vừa qua, bão số 3 đã suy yếu. Tuy nhiên, nó không tan hẳn mà đĩa mây hoàn lưu của bão đã kết hợp với rãnh áp thấp đi qua Bắc Trung Bộ nên hình thành một xoáy thấp hoạt động tại các tỉnh phía tây Bắc Bộ và gây mưa lớn suốt từ 20-21/7.

Vùng xoáy thấp này sau đó dịch chuyển dần từ đất liền theo phía đông ra biển do bị “hút” bởi một cơn bão lớn có tên Ampil được hình thành ở phía đông Philippines. Áp thấp sau đó đi ra vịnh Bắc Bộ và tiếp tục mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, đổ bộ vào Trung Quốc.

Sau khi đổ bộ vào đất liền Trung Quốc, áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp và quay trở lại biên giới Việt – Trung và gây mưa lớn cho các tỉnh vùng núi phía Bắc nước ta.

Có thể nói, vùng áp thấp này di chuyển gần giống hình vòng tròn khá kỳ lạ. Đi từ đất liền nước ta ra biển, sau đó đổ bộ Trung Quốc rồi lại quay lại đất liền nước ta.

Lý giải đường đi hình vòng tròn kỳ lạ của “hậu duệ” bão số 3 - 2

Miền Bắc sắp đón đợt mưa mới trong khi một số nơi vẫn chưa hết ngập (ảnh: Hồng Phú)

Lý giải về đường đi kỳ lạ của áp thấp này, ông Trần Quang Năng - Trưởng phòng dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) cho hay, cơn áp thấp lần này xuất hiện trên dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Trên dải hội tụ nhiệt đới này, liên tục trong tháng 7 đã hình thành các cơn bão và áp thấp nhiệt đới.

“Thông thường, các cơn bão, áp thấp nhiệt đới thường di chuyển từ hướng Đông sang hướng Tây, nghĩa là từ biển sau đó đổ bộ vào đất liền và tan dần. Vùng áp thấp lần này do hệ thống xoáy thuận nằm trên nền dải hội tụ nhiệt đới và chịu sự chi phối tác động của khí quyển trên cao, gió Tây Nam - Đông Bắc. Do đó, nó có hướng hướng di chuyển khó lường”, ông Năng nói.

Theo ông Năng, hướng đi vòng tròn như vùng áp thấp trên cũng từng xảy ra. Đó là cơn bão Goni năm 2009, cũng có quỹ đạo vòng một vòng bên Trung Quốc, sau đó đi xuống vịnh Bắc bộ, rồi mạnh lên đi vòng quanh đảo Hải Nam.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đưa ra cảnh báo, từ ngày 27/7, mưa lớn ở vùng núi và trung du Bắc Bộ có xu hướng mở rộng xuống các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa và có khả năng kéo dài đến đầu tháng 8.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên trong ngày và đêm nay (25/7), ở khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau tiếp tục có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao từ 2-3m; biển động.

Áp thấp quay lại gây mưa to, miền Bắc nguy cơ ”lũ chồng lũ”

Do khu vực này vừa qua đã có mưa lớn liên tục, khả năng “mưa chồng mưa”, “lũ chồng lũ” là rất cao.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Áp thấp nhiệt đới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN