Lính phạt xe không chính chủ, sếp xin lỗi dân

Quy định xử phạt xe không chính chủ đang dừng, nhưng CSGT một vài địa phương vẫn tự ý áp dụng. Đến khi người dân kêu oan thì các lãnh đạo mới "tá hỏa" vì cấp dưới làm sai.

Phạt sai “do bận đi học văn hóa”

Chị Phan Thị Thu Thủy - Sinh viên Trường Trung cấp Âu Việt (quận Gò Vấp, TPHCM) cho biết, tối 24/12/2012, khi đang điều khiển xe máy biển kiểm soát 77Y3 - 2610 lưu thông trên đường 147 (phường Hiệp Phú, quận 9) thì bị một xe máy ở phía sau tông tới. Chị Thủy bị ngất xỉu tại chỗ và được người dân đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Quân Dân Miền Đông.

Sau đó, Cảnh sát Giao thông quận 9 có mặt tại hiện trường và đưa 3 chiếc xe máy về trụ sở công an quận 9. Trung úy Ngô Thanh Tùng là người thụ lý hồ sơ. Đến khi ra viện, chị Thủy đến cơ quan công an quận 9 để trình bày sự việc vụ tai nạn.

Lính phạt xe không chính chủ, sếp xin lỗi dân - 1

Chị Thủy ngồi (bên phải) trình bày sự việc tại cơ quan công an

Tại đây chị xuất trình giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, chứng minh nhân dân và bảo hiểm xe rồi ra về. Ngày hôm sau chị đến xin lấy xe ra thì Trung úy Tùng nói: “Xe chưa chuyển quyền sở hữu, muốn lấy ra phải đóng phạt 1 triệu đồng”.
 
Trung úy Tùng cho rằng chị Thủy không đứng tên trong giấy đăng ký xe, nên khi nào có tiền thì đến đóng phạt mới được lấy được xe. Nhận thấy việc xử phạt của Trung úy Tùng không đúng theo qui định, chị Thủy viết đơn trình bày sự việc đến báo đài.

Ngày 2/1, Thượng tá Nguyễn Văn Độ - Đội trưởng CSGT quận 9 và Thiếu tá Nguyễn Văn Hoàng – Phó đội trưởng sau khi nghe chị Thủy giãi bày vụ va quẹt giao thông và bị phạt lỗi lái xe không chính chủ. Tại đây, Thượng tá Độ cho rằng:

“Có thể Trung úy Tùng chưa nắm rõ việc tạm dừng lỗi phạt xe không chính chủ do bận đi học văn hóa. Nếu biên bản có ghi mức phạt lỗi như vậy, khi trình lên chắc chắn tôi sẽ không ký vào. Thay mặt Ban chỉ huy Đội CSGT quận 9 chúng tôi xin lỗi người dân. Trong cuộc họp tới, chúng tôi sẽ nhắc nhở, phổ biến triệt để xuống để tất cả anh em cán bộ chiến sĩ nắm rõ vấn đề nhằm thực hiện cho đúng”.

“Từ khi ra Nghị định 71 đến nay, CSGT quận 9 chưa xử phạt lỗi xe không sang tên đổi chủ nếu là xe đang di chuyển trên mặt đường bình thường. CSGT chủ yếu phạt lỗi người dân đi đăng ký xe mà trễ hạn chưa chuyển tên, hoặc những trường hợp đặc biệt như vi phạm tai nạn giao thông nghiêm trọng cần xác minh nguồn gốc xe. Tuy nhiên, những trường hợp đó chúng tôi chỉ xử phạt trước khi có quyết định đề nghị tạm dừng không phạt lỗi xe chưa chuyển quyền sở hữu” - Thượng tá Độ cho biết thêm.

Tại đây, chị Thủy viết bản cam kết khẳng định xe trên được ba mẹ mua lại của một người ở quê. Trong hồ sơ cơ quan cũng yêu cầu chị cho biết nơi thường trú, trường đang theo học và thông tin cha mẹ đang ở quê để sau này có chuyện gì xảy ra thì dễ kiểm chứng.

“Do chưa cập nhập thông tin mới”

Lính phạt xe không chính chủ, sếp xin lỗi dân - 2

Ban giám đốc Công an TPHCM gởi công văn chỉ đạo các đơn vị tạm ngừng xử phạt lỗi xe không chính chủ

Trước đó, vào tối 28/11/2012, anh Nguyễn Văn Chiến, quê Bình Định, dựng chiếc xe máy BKS 54P3 - 4493 ngồi uống nước trên vỉa hè cùng người bạn tại khu phố Thống Nhất 1, phường Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Lúc này một đoàn kiểm tra hành chánh gồm công an khu vực, bảo vệ dân phố, dân phòng đến đề nghị kiểm tra giấy tờ.
 
Anh Chiến đưa chứng minh nhân dân, bảo hiểm xe và giấy phép lái xe do Nguyễn Thị Kim Liên (ngụ 2/47 Phạm Qúi Thích, quận Tân Phú, TPHCM) đứng tên. Sau khi xem xét xong, Trung sĩ Lê Khắc Chí - Cảnh sát khu vực - ký lỗi phạt "xe không chuyển quyền sở hữu theo quy định", mức phạt là 1 triệu đồng và tạm giữ phương tiện 7 ngày.

Ngày 30/11/2012, tại công an phường Dĩ An, anh Chiến trình bày sự việc và đưa các giấy tờ liên quan để kiểm tra. Sau khi đối chiếu hợp lý, Trung tá Phạm Ngọc Dũng - Trưởng công an phường đề xuất trả xe và không đóng tiền phạt. Sau đó, Trung tá Dũng đại diện cơ quan xin lỗi đến anh Chiến.

Ngoài ra, vị lãnh đạo này cho rằng có thể do trình độ nghiệp vụ anh em chiến sĩ chưa đáp ứng được nhu cầu công việc, chưa cập nhật thông tin mới về việc xe không chuyển quyền sở hữu. Mặc khác, một phần do lực lượng cán bộ chiến sĩ ít, trong khi công việc thì nhiều nên khâu xử lý vi phạm giao thông cũng còn hạn chế.

Trung sĩ Lê Khắc Chí là chiến sĩ nghĩa vụ tạm tuyển sau 2 năm làm công an viên, hiện chưa được cấp bảng tên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Du Nguyễn (Gia đình & Xã hội)
Xử phạt xe không chính chủ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN