Lính Mỹ hưởng lương cao chót vót

Dù áp dụng chế độ quân dịch không bắt buộc, nhưng Mỹ vẫn có đội quân lớn thứ hai sau Trung Quốc, với hơn 1,4 triệu lính, chưa kể 848.000 người dự bị, nhờ chế độ đãi ngộ tốt dành cho binh lính.

Những nam nữ thanh niên từ 18 tuổi trở lên (hoặc 17 tuổi nếu được bố mẹ đồng ý) đều có thể đăng ký tham gia quân đội, với thời gian từ 2-5 năm trong Lục quân, 2 năm trong Hải quân, 4 năm trong Không quân và Thủy quân lục chiến.

Năm 2011, tối thiểu mỗi lính Mỹ được trả gần 18.000 USD/năm. Mức lương tối thiểu của một đại đội trưởng với ít nhất 6 năm trong quân đội là hơn 34.000 USD. Dù mức lương này thấp hơn so với thu nhập bình quân đầu người ở Mỹ (hơn 41.500 USD năm 2011), nhưng họ đã không phải chịu bất kỳ chi phí ăn uống, nhà cửa, quần áo nào.

Ngoài lương cơ bản, lính Mỹ còn có thể nhận được một số khoản đặc biệt như khi thực hiện nhiệm vụ khó khăn, có trình độ ngoại ngữ tốt, hay phải ra chiến trường. Những khoản trả thêm này có thể lên tới hàng nghìn USD mỗi năm. Ví dụ, một lính Mỹ giỏi ngoại ngữ có thể được trả thêm 12.000 USD, hay những lính đóng quân ở nơi có điều kiện sống khắc nghiệt hơn ở Mỹ được trả thêm 150 USD/tháng. Họ được đóng bảo hiểm trị giá 200.000-300.000 USD để chi trả cho gia đình họ trong trường hợp họ hy sinh ngoài chiến trường.

Cựu chiến binh Mỹ được nhiều quyền lợi khác như chăm sóc sức khỏe miễn phí trong thời gian nhất định, mua nhà ưu đãi, vay tiền lãi suất thấp, ưu tiên tuyển dụng.

Mỹ là nước chi nhiều nhất cho quốc phòng, với mức 633 tỷ USD năm 2013, bỏ xa mức dự kiến 140 tỷ USD của Trung Quốc trong năm nay.

Bị ghét nếu không đi lính

Trong khi đó, Hàn Quốc quy định nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với những người tuổi từ 20-30, yêu cầu trình độ tối thiểu hết trung học. Những người dương tính với HIV được miễn thực hiện nghĩa vụ. Gần đây, ca sĩ diễn viên nổi tiếng xứ Hàn Bi Rain bị kỷ luật khi đang thực hiện nghĩa vụ quân sự mà vẫn hẹn hò người ngoài, diễn viên Kim Tae Hee.

Lính Mỹ hưởng lương cao chót vót - 1

Ca sĩ Bi Rain (trái) gần đây bị kỷ luật vì hẹn hò với diễn viên Kim Tae Hee khi đang thực hiện nghĩa vụ quân sự

Ngôi sao nhạc pop tên thật là Jung Ji-hoon bắt đầu thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc 2 năm từ năm 2011. Từ chiến tranh 1950-53 đến nay, tất cả đàn ông khỏe mạnh ở Hàn Quốc đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc.

Năm 2004, diễn viên Song Seung-heon bị phản ứng dữ dội khi sự việc anh này tìm cách trốn quân dịch bị vỡ lở. Sự nghiệp của những diễn viên, ca sĩ, người mẫu như Zo In-sung, So Ji-sub và Won Bin… phát triển rực rỡ sau khi họ hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Vì người dân Hàn Quốc cực kỳ ghét người trốn nghĩa vụ, nên những người làm trong ngành giải trí giờ đây cảm thấy họ không nên trốn tránh nghĩa vụ nếu muốn lấy lòng công chúng.

Với lực lượng quân đội đông nhất thế giới, Trung Quốc quy định tất cả công dân của nước này đều có trách nhiệm phải đi nghĩa vụ quân sự. Tất cả những người khỏe mạnh tuổi từ 18-24 đều phải đi nghĩa vụ quân sự 2 năm. Nữ trong độ tuổi 18-19, tốt nghiệp trung học phổ thông và đáp ứng được yêu cầu công việc cụ thể của quân đội cũng có thể nhập ngũ. Gần đây Trung Quốc cho phép phụ nữ đảm trách một số vị trí trên chiến trường. Thế hệ chỉ huy tàu chiến nữ đầu tiên của nước này được đào tạo vào năm 2011.

Chế độ quân dịch bắt buộc ở Trung Quốc chỉ được áp dụng trên lý thuyết. Do dân số quá đông và quá nhiều ứng viên đủ tiêu chuẩn để nhập ngũ nên Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) luôn dư thừa tình nguyện viên. Vì vậy, chế độ quân dịch trên thực tế là không bắt buộc.

Trên thế giới có 103 nước thực hiện chế độ thực hiện nghĩa vụ quân sự không bắt buộc gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Brunei, Canada, Đức, Mỹ, Malaysia, Nhật Bản, New Zealand, Pháp, Thụy Điển, Anh… 8 nước có chế độ quân sự vừa bắt buộc vừa tự nguyện gồm Venezuela, Uganda, Mali…

Việt Nam nằm trong nhóm 13 quốc gia và vùng lãnh thổ có chế độ quân sự bắt buộc và có tuyển chọn, cùng với Mexico, Philippines…

Triều Tiên là nước áp dụng thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự dài nhất (tối thiểu 3 năm, có thể lên tới 10 năm), trong khi các nước chỉ quy định thời quan 6 tháng, 18 tháng, hoặc không quá 3 năm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trúc Quỳnh (tổng hợp) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN