Lễ tang Mandela: Dày đặc lính bắn tỉa, đặc nhiệm

Kế hoạch an ninh cho lễ tang ông Mandela đã được bí mật chuẩn bị từ nhiều năm nhằm đảm bảo an toàn cho các nguyên thủ tham dự.

Ngày 10/12, hàng chục ngàn người Nam Phi, hơn 90 tổng thống và thủ tướng, nhiều nhân vật nổi tiếng khác đều đang đổ về một nơi: sân vận động trung tâm ở Johannesburg, nơi họ sẽ tham dự lễ viếng Nelson Mandela, người anh hùng của dân tộc Nam Phi.

Công tác đảm bảo an ninh cho sự kiện này đã được tăng cường tối đa. Nhà chức trách Nam Phi đã thực hiện các quy trình an ninh tối đa trong khi các vị tổng thống trên thế giới chuẩn bị tham dự lễ viếng nhà lãnh đạo chống chế độ phân biệt chủng tộc của Nam Phi.

Lễ tang Mandela: Dày đặc lính bắn tỉa, đặc nhiệm - 1

Đặc nhiệm Nam Phi đang tăng cường an ninh tại sân vận động Johannesburg

Với kế hoạch an ninh đã được bí mật xây dựng trong nhiều năm, chính phủ Nam Phi hiện đang huy động một đơn vị đặc nhiệm của quân đội, các đội bắn tỉa và chó nghiệp vụ để đảm bảo an ninh tối đa cho sân vận động này. Trên bầu trời, trực thăng và chiến đấu cơ của quân đội thường xuyên bay lượn kiểm soát tình hình từ trên không.

Thiếu tướng Xolani Mabanga, người phụ trách chiến dịch an ninh trong lễ tang của ông Mandela tuyên bố: “Nếu có bất cứ kẻ nào dám quấy rối hay ngăn cản lễ tưởng niệm và đưa cựu tổng thống của chúng tôi tới nơi an nghỉ cuối cùng, kẻ đó chắc chắn sẽ bị xử lý.”

Nhà chức trách Nam Phi không công bố chi tiết về kế hoạch an ninh như số lượng cảnh sát, binh sĩ được huy động, các biện pháp đề phòng nhằm phát hiện vũ khí và chất nổ tại sân vận động.

Ông Collins Chabane, Chánh văn phòng Phủ Tổng thống nói: “Chúng tôi có thể đảm bảo rằng mọi biện pháp cần thiết đã được thực hiện, đó là lý do nguyên thủ các nước trên thế giới có thể an tâm đến đây để chia sẻ giây phút này với chúng tôi.”

Tang lễ của cố Tổng thống Nelson Mandela có quy mô hoành tráng tương tự như những lễ quốc tang lớn trên thế giới trong những thập niên gần đây như tang lễ của cố Thủ tướng Anh Winston Churchill năm 1965 hay của Giáo hoàng John Paul II năm 2008 với sự tham gia của 4 vị vua, 5 nữ hoàng, 70 tổng thống và thủ tướng cùng 2 triệu người dân.

Trong sự kiện này, nhà chức trách đã huy động vô số máy dò kim loại và khoảng 15.000 nhân viên an ninh đứng theo dõi toàn bộ lễ tang.

Các quan chức Mỹ cho hay họ rất hài lòng với các biện pháp an ninh của Nam Phi. Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Ben Rhodes cho biết ông không có bất cứ lo ngại nào khi chiếc chuyên cơ của Tổng thống Barack Obama bay tới Nam Phi.

Lễ tang Mandela: Dày đặc lính bắn tỉa, đặc nhiệm - 2

Tổng thống Obama và phu nhân đặt chân tới Nam Phi để tưởng niệm ông Mandela

Ông Rhodes cho biết: “Nam Phi đã từng tổ chức World Cup, thế nên họ có kinh nghiệm tổ chức và kiểm soát các sự kiện lớn với nhiều người tham dự, mặc dù đây là sự kiện có một không hai trong lịch sử thế giới xét về số lượng nguyên thủ quốc gia cũng như số người dân Nam Phi tới tham dự lễ viếng.”

Trước khi ông Mandela qua đời, Cơ quan Mật vụ Mỹ đã có những phương án chuẩn bị để Tổng thống Obama có thể đến đây tham dự lễ viếng, và họ đã hoàn thành những công việc phức tạp chỉ trong vòng chưa đầy một tuần lễ. Trong suốt chuyến đi của ông Obama tới Nam Phi, các mật vụ Mỹ sẽ phải đảm bảo an toàn cho chặng đường di chuyển cũng như phòng nghỉ ở khách sạn cho ông.

Lễ viếng ông Mandela được tổ chức ở sân vận động Johannesburg sẽ là sự kiện mở đầu cho một loạt các sự kiện được tổ chức để tưởng nhớ ông Mandela kéo dài đến hết tuần này. Vào Chủ nhật tới đây, Nam Phi sẽ tổ chức lễ quốc tang và an táng ông Mandela tại quê nhà Qunu thuộc tỉnh Eastern Cape của Nam Phi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo CNN) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN