Lãnh đạo sở sẽ từ chức nếu giải ngân chậm gói hỗ trợ tiền thuê trọ

Sự kiện: Thời sự

Tới hết hôm nay (12/8), nếu người lao động (NLĐ) nào đã được phê duyệt mà chưa nhận được tiền hỗ trợ thuê nhà, lãnh đạo sở xin từ chức, đó là cam kết của ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sơn La.

Sáng 12/8, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến đôn đốc các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà ở cho NLĐ theo Quyết định 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng. Hội nghị diễn ra khi chỉ còn 4 ngày (kể cả cuối tuần) sẽ hết hạn nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ (hết ngày 15/8).

Địa phương viện đủ lý do

Tại hội nghị, lần đầu tiên Bộ LĐ-TB&XH công bố công khai danh sách các địa phương chưa giải ngân, giải ngân chậm, giải ngân nhanh. Cụ thể, có 2 địa phương không có NLĐ thuộc diện hỗ trợ là Lai Châu và Điện Biên. Riêng Cao Bằng báo cáo tới nay chưa nhận được đề nghị hỗ trợ nào. Có 4 địa phương đã nhận hồ sơ, duyệt hỗ trợ nhưng chưa giải ngân, gồm: Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La và Phú Yên.

Có 10 địa phương giải ngân tỷ lệ rất thấp, gồm: An Giang, Hải Phòng, Bình Định, Nghệ An, Vĩnh Long, Thanh Hoá, Bắc Ninh, Quảng Trị, Quảng Nam và Bình Thuận.

Thuộc nhóm chưa giải ngân đồng nào dù đã phê duyệt danh sách hỗ trợ, ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sơn La xin nhận khuyết điểm.

Theo ông Tuấn Anh, địa phương có 13 công nhân nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ và đã được duyệt. Tuy nhiên, tới nay chưa giải ngân do doanh nghiệp đề nghị đợi nhận hỗ trợ 1 lần cho cả 3 tháng, thay vì nhận hàng tháng.

“Tôi hứa tới 17h ngày 12/8 (hôm nay) sẽ chi trả xong và hoàn thành việc hỗ trợ. Nếu sau 17h mà NLĐ nào được phê duyệt nhưng chưa nhận được tiền hỗ trợ, lãnh đạo sở xin từ chức”, ông Tuấn Anh cam kết.

Những địa phương bị điểm tên chậm giải ngân gói hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động.

Những địa phương bị điểm tên chậm giải ngân gói hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động.

Cũng nằm trong nhóm 10 địa phương giải ngân gói hỗ trợ thấp nhất cả nước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn cho biết, lãnh đạo địa phương nhận thức và thấu hiểu về tầm quan trọng của chính sách này và rất quan tâm chỉ đạo triển khai.

Tuy nhiên, địa phương có số giải ngân thấp so với kế hoạch do thực tế số NLĐ thuộc diện hỗ trợ thấp hơn dự kiến ban đầu. Ban đầu địa phương dự kiến hỗ trợ khoảng 15 nghìn NLĐ, tổng số tiền khoảng 25 tỷ đồng, thực tế tới số NLĐ thuộc diện hỗ trợ thấp hơn nhiều. Lãnh đạo Quảng Nam cam kết sẽ hoàn thành nhận hồ sơ muộn nhất ngày 15/8 và giải ngân tiền hỗ trợ tới tay người lao động trong tháng 8 này.

Lãnh đạo một số địa phương, Sở LĐ-TB&XH khác cũng cho biết, quá trình triển khai chính sách cho thấy số NLĐ thuộc diện hỗ trợ tiền thuê nhà thực tế thấp hơn dự kiến ban đầu, nên nếu so số tiền đã giải ngân với số kế hoạch rất thấp, nhưng so với số hồ sơ đã nhận lại đạt cao.

Cụ thể, như Đồng Nai, Long An, Kiên Giang… dự kiến số NLĐ thuê trọ thực tế chỉ bằng 50% kế hoạch dự kiến ban đầu; một số địa phương có số lượng NLĐ lớn, ban đầu cũng dự kiến nhiều, nhưng thực tế triển khai số lượng ít hơn, như TPHCM, Bình Dương, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang…

Những địa phương có tỷ lệ giải ngân hỗ trợ tiền trọ cao, xếp theo số tiền thực tế và tỷ lệ giải ngân thực tế so với dự kiên ban đầu.

Những địa phương có tỷ lệ giải ngân hỗ trợ tiền trọ cao, xếp theo số tiền thực tế và tỷ lệ giải ngân thực tế so với dự kiên ban đầu.

Phía các địa phương cũng cho biết, thời gian đầu triển khai chính sách còn chậm, do địa phương phải tạm ứng kinh phí để chi hỗ trợ, nên thiếu nguồn lực, từ giữa tháng 7 khi ngân sách trung ương chuyển tạm ứng cho địa phương chi hỗ trợ việc giải ngân đã được đẩy nhanh. Có địa phương, do sử dụng tạm ứng ngân sách quận/huyện nên phải thông qua họp Hội đồng nhân dân; thiếu nhân lực kiểm duyệt hồ sơ ở cấp quận/huyện; có tình trạng cán bộ sợ sai nên duyệt chậm, hoặc yêu cầu thêm thủ tục như xác nhận của chính quyền địa phương về ở trọ, tạm trú, tạm vắng; nhiều doanh nghiệp chờ tới cuối mới gửi hồ sơ để tránh phải trình nhiều lần; nhiều hồ sơ thiếu, sai thông tin NLĐ nên phải chuyển trả điều chỉnh, mất nhiều thời gian…

Dù tỷ lệ hồ sơ, số tiền cần giải ngân để hỗ trợ NLĐ tiền thuê trọ tại các địa phương còn rất lớn, nhưng lãnh đạo các địa phương đều cam kết sẽ hoàn thành nhận hồ sơ đúng hạn (muộn nhất hết ngày 15/8), và hoàn thành giải ngân trong tháng 8 này.

Trong khi lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TPHCM đề xuất Bộ LĐ-TB&XH cho cơ chế đặc thù, vì địa phương có số lượng NLĐ và số tiền hỗ trợ lớn, chiếm 1/3 cả nước, nên xin được gia hạn giải ngân tới hết tháng 9.

Hồ sơ nộp sau ngày 15/8 sẽ không còn giá trị

Ông Đào Ngọc Dung khẳng định, Quyết định 08 đã quy định rõ thời hạn nhận hồ sơ tới hết 15/8, nên những hồ sơ nhận sau sẽ không còn giá trị giải quyết. Sau nhận hồ sơ 2 ngày phải duyệt (hoặc trả lại nếu có sai sót); nếu được duyệt sau 2 ngày phải chuyển tiền. Do đó, về lý thuyết, các địa phương phải hoàn thành giải ngân trong tuần tới.

Tuy nhiên, số lượng NLĐ và tiền hỗ trợ còn lớn, nên muộn nhất tới 30/8 các địa phương phải giải ngân xong, không gia hạn hay kéo dài sang tháng 9.

Ông Dung yêu cầu việc giải ngân gói hỗ trợ 6,6 nghìn tỷ đồng tiền thuê nhà trọ cho công nhân phải hoàn thành trong tháng 8 này.

Ông Dung yêu cầu việc giải ngân gói hỗ trợ 6,6 nghìn tỷ đồng tiền thuê nhà trọ cho công nhân phải hoàn thành trong tháng 8 này.

Ông Dung cũng biểu dương 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân gói hỗ trợ đứng đầu cả nước, nhắc nhở 10 địa phương giải ngân thấp. Người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH phê bình nghiêm khắc 4 địa phương tới nay chưa giải ngân được đồng nào dù đã duyệt danh sách hỗ trợ, (dù) các địa phương này chỉ có vài chục NLĐ được hỗ trợ, đáng ra phải là những địa phương hoàn thành đầu tiên.

Qua báo cáo và các đoàn kiểm tra của Bộ LĐ-TB&XH, ông Dung chỉ ra một số nguyên nhân giải ngân gói hỗ trợ tiền thuê nhà chậm, như: Lãnh đạo một số địa phương chưa coi trọng đúng mức gói hỗ trợ này; một số nơi yêu cầu thêm thủ tục không đúng quy định, như thêm giấy đăng ký kinh doanh, tạm trú, tạm vắng, thông qua Hội đồng nhân dân, gây khó cho NLĐ và doanh nghiệp.

Ông Dung đề nghị các địa phương phân công một lãnh đạo tỉnh trực tiếp phụ trách, chỉ đạo triển khai gói hỗ trợ để đảm bảo giải ngân xong trong tháng 8 này. Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục lập các đoàn kiểm tra thực tế triển khai tại một số địa phương trong vài ngày tới, định kỳ công khai danh sách địa phương làm tốt, chưa tốt để đốc thúc.

Trong nhóm địa phương giải ngân đạt tỷ lệ cao nhất cả nước, Bắc Giang dẫn đầu danh sách. Ngoài ra còn các tỉnh thành: Đồng Nai, TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Bắc Giang, Tiền Giang, Long An, Bình Phước, Thái Nguyên, Tây Ninh, Trà Vinh, Lâm Đồng, Ninh Bình, Yên Bái, Quảng Bình, Hậu Giang, Gia Lai.

Nguồn: [Link nguồn]

NÓNG: Đề nghị chi 1.155 tỉ đồng hỗ trợ lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp

Nếu tiếp tục chi trả cho người lao động đủ điều kiện và nộp hồ sơ đề nghị theo đúng quy định với số tiền khoảng 1.155 tỉ đồng thì dự kiến kết dư Quỹ Bảo hiểm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Hữu Việt ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN