Lãnh đạo châu Âu họp khẩn về khủng hoảng người tị nạn

Liên minh châu Âu (EU) gồm 28 nước thành viên dự kiến mở các cuộc họp khẩn để thảo luận về cuộc khủng hoảng người tị nạn đang làm "chao đảo" Lục địa già vào ngày 14.9 tới đây.

Lãnh đạo châu Âu họp khẩn về khủng hoảng người tị nạn - 1

Một bé gái giơ cao tấm bìa viết "Chúng tôi muốn tới Đức" khi người tị nạn mắc kẹt tại trạm xe lửa Bicske  ở Hungary ngày 4.9.2015 biểu tình yêu cầu giới chức trách Hungary cho phép họ lên tàu tới Đức.

Theo VOA News, các bộ trưởng của Liên minh châu Âu sẽ tổ chức một phiên họp không chính thức vào hôm nay (5.9) để thảo luận về những thách thức đang ngày càng nghiêm trọng liên quan tới vấn đề di dân mà châu Âu đang phải đối mặt.

Sau đó, ngày 14.9 tới, giới lãnh đạo EU sẽ mở các cuộc họp khẩn cấp để thảo luận về vấn đề này. Các nhà lãnh đạo Pháp, Đức và Ý đang kêu gọi các nước thành viên EU chia sẻ trách nhiệm một cách đồng đều và công bằng trong vấn đề di dân.

Lời kêu gọi trên bị một số quốc gia như Hungari, Áo, Hy Lạp... phản đối vì các nước này không muốn tiếp nhận thêm người tị nạn.

Lãnh đạo châu Âu họp khẩn về khủng hoảng người tị nạn - 2

Một nữ cảnh sát Hungari đứng chắn trước nhóm người tị nạn biểu tình tại trạm xe lửa Bicske ở Hungary ngày 4.9.2015 yêu cầu giới chức trách Hungary cho phép họ lên tàu tới Đức.

Cộng hòa Macedonia, Serbia, Hungary và Áo hôm qua (4.6) vừa nhất trí ký thỏa thuận để áp dụng chung các biện pháp đối phó với cuộc khủng hoảng người di cư và người tị nạn ở đất nước của họ. Thỏa thuận cũng quy định các nước này sẽ hợp tác với nhau để giải quyết các thách thức nhân đạo đang khiến giới chức trách 4 nước "đau đầu".

Thỏa thuận được ký kết tại thành phố Ohrid (Cộng hòa Macedonia) sau cuộc họp của các bộ trưởng nội vụ của Macedonia, Serbia, Áo và Thứ trưởng Nội vụ của Hungary.

Ngày 31.8, Hungary đã tạm ngừng các chuyến tàu đi đến Tây Âu và huy động cảnh sát có vũ trang giải tán đám đông người tị nạn ra khỏi các nhà ga xe lửa.

Hàng nghìn người tị nạn mắc kẹt tại nhà ga xe lửa Hungary, không thể đến Tây Âu, chủ yếu là Đức đã tổ chức các cuộc biểu tình yêu cầu chính quyền Hungary để họ "ra đi".

Ngày 4.9, hàng trăm di dân giận dữ la ó phản đối cảnh sát có vũ trang trấn áp và xua đuổi họ ra khỏi một trạm xe lửa ở Hungary. 

Một người tị nạn Syria chia sẻ: “Người ta đuổi chúng tôi ra khỏi trạm xe lửa. Chúng tôi không muốn ở lại Hungary. Chúng tôi muốn đi sang Đức”.

Lãnh đạo châu Âu họp khẩn về khủng hoảng người tị nạn - 3

Di dân giận dữ la ó phản đối cảnh sát tại trạm xe lửa Keleti ở Budapest, Hungary ngày 3.9.2015.

Tuyệt vọng vì bị mắc kẹt ở nhà ga xe lửa Keleti (Hungary), một số người di cư thậm chí quyết định đi bộ tới Đức. Khoảng cách từ Keleti (Hungary) tới Đức là khoảng 480 km.

"Điểm dừng chân tiếp theo là Áo. Những đứa trẻ của chúng tôi đã rất mệt mỏi. Hungary thật tệ. Chúng tôi phải rời đi bằng cách nào đó. Chúng tôi sẽ rất hạnh phúc nếu cuối cùng chúng tôi đến được Đức", Osama, một người tị nạn người Syria 23 tuổi chia sẻ. 

Trong khi đó, cậu bé Aylan Kurdi, 3 tuổi đến từ Syria bị chết đuối và trôi dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ hôm 2.9 trên hành trình vượt biển tìm kiếm miền đất hứa ở châu Âu đã khiến cả thế giới chấn động và xót thương. Cậu bé đã trở thành biểu tượng của cuộc khủng hoảng người tị nạn.  

Lãnh đạo châu Âu họp khẩn về khủng hoảng người tị nạn - 4

Người tị nạn mắc kẹt tại trạm xe lửa Bicske  ở Hungary ngày 4.9.2015

Ông Stephan Ryan, thuộc Hội Chữ thập đỏ Budapest nhấn mạnh, bé trai người Syria dường như đã trở thành người thay đổi tư duy ở châu Âu.

"Đối với nhiều người trên thế giới, khi họ thấy đám đông người di cư và người tị nạn, họ có thể cảm thấy sợ hãi. Họ có thể lo sợ đám đông di dân sẽ tác động đến xã hội của họ, công việc cũng như nền kinh tế của nước họ. Tuy nhiên, một gương mặt cụ thể nổi lên giữa đám đông khổng lồ và thái độ của công chúng (về các di dân) nhìn chung đến nay đã tích cực hơn", ông Ryan nhấn mạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Đăng ([Tên nguồn])
Khủng hoảng nhập cư vào châu Âu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN