Lạ lùng đến chết vẫn chưa… cưới xong vợ

Tục cưới của người Khùa ở xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) có nhiều nghi lễ rất lạ. Để có được một vợ, người đàn ông phải tổ chức cưới đến 3 lần.

Từ lời mời của một người bạn, chúng tôi đã phượt xe máy gần trăm km, qua hàng chục dốc đèo, khe suối lên xã miền núi Trọng Hóa dự đám cưới của một đôi trai gái người Khùa.

Nửa đêm, đốt đuốc đi... bắt dâu

Khi tôi có mặt, ngôi nhà sàn của chú rể Hồ Vay nằm trên đỉnh đồi ở bản La Trọng đã rất đông đủ. Mọi người đang vây quanh bếp lửa bên chum rượu cần. Thấy khách lạ, chủ nhà vồn vã mời cùng tham gia tiệc rượu cần.

Khi ngấm men rượu, vừa mới chợp mắt, thì già Moong, bố của chú rể lắc nhẹ: "Dậy đi bắt dâu thôi”. Thắc mắc thì già Moong giải thích: “Bắt dâu vào nửa đêm để cầu mong đôi vợ chồng được hạnh phúc cả đời".

Lạ lùng đến chết vẫn chưa… cưới xong vợ - 1

Đoàn bắt dâu đang rời khỏi nhà gái

Hòa vào đoàn hơn 20 người đốt đuốc đi bắt dâu, chúng tôi đi bộ gần 3 cây số mới đến nhà cô dâu Hồ Thị Xuân ở bản K Ing. Nhưng lạ thay, đoàn đi bắt dâu không ai được vào nhà cô dâu mà vào một nhà khác ở bên cạnh. Rồi bên nhà gái cử người đến tiếp chuyện.

Bên bếp lửa, hai họ chuyện trò rôm rả, uống rượu cần, nhảy múa. Tại đây, một vài đôi trai gái sau khi trò chuyện cảm thấy hợp nhau thì dắt nhau đến chỗ khác tâm sự tiếp. Ai không tìm được bạn, hoặc không có nhu cầu tìm bạn thì nằm ngủ.

Khoảng 6 giờ sáng, lễ bắt dâu mới được tiến hành. Khi vào bắt dâu, chỉ có 2 người phụ nữ họ nhà trai được lên nhà gái. Những người còn lại, kể cả chú rể cũng phải ở dưới cầu thang chờ. Khoảng 10 phút sau, cô dâu đã được 2 người phụ nữ nhà trai bắt đi.

Lạ lùng đến chết vẫn chưa… cưới xong vợ - 2

Đoàn bắt dâu trên đường về

Sau khi đoàn bắt dâu đi chừng 30 phút, đại diện nhà trai là những người đàn ông có “tiếng nói” trong họ mới bước lên nhà gái làm lễ sánh duyên cho đôi uyên ương trẻ.

Từ trong chiếc Cà - nhăng (giỏ làm bằng tre) mang theo, một thanh kiếm được rút ra đặt xuống manh chiếu giữa sàn nhà. Ở phía chuôi kiếm là hai chuỗi hạt được quấn tròn. Từ đáy Cà - nhăng, một nắm tiền lẻ cũng được lấy ra đặt lên mâm lễ. Thanh kiếm hướng vào cột nhà tượng trưng cho niềm tin vào sự sắt son cũng như khả năng làm rường cột của chú rể.

Sợi chỉ buộc… hạnh phúc

Khi đoàn bắt dâu trở lại đến nhà trai, bên chum rượu cần, đôi vợ chồng trẻ sum vầy quanh chiếc cà – tôốc (mâm đan bằng tre) cùng với mọi người.

Sau đó ít phút, theo hướng dẫn của người mai mối, hai vợ chồng trẻ cùng quỳ, cúi đầu xuống chiếu, hướng tay về phía góc nhà. Trên chiếc giường là 3 người đàn ông, trong đó có một người mai mối và hai người trưởng tộc của hai họ đang bàn bạc chuyện đại sự.

Lạ lùng đến chết vẫn chưa… cưới xong vợ - 3

Nghi lễ buộc sợi chỉ vào tay cho đôi vợ chồng trẻ

Điều đặc biệt, trong "mâm thượng" này, hai người trưởng tộc không được nói chuyện trực tiếp với nhau mà chỉ được nói chuyện thông qua chủ tọa (người không họ hàng với hai bên). Người chủ tọa này sẽ chuyển lời qua lại cho 2 người đối diện sau một cái chắp tay xin phép.

Khi cô dâu chú rể đến bên chiếc cà-tôốc. Mọi người đang trò chuyện bỗng im bặt. Hai sợi chỉ được buộc vào tay của cô dâu chú rể trong tiếng vỗ tay râm ran của mọi người.

Hồ Xuông, người mai mối nói: "Từ nay nó (cô dâu) là người của nhà trai. Sợi chỉ này sẽ buộc hai người vào nhau. Nó là lời hẹn thề, mỏng nhưng không đứt. Họ sẽ phải yêu thương nhau suốt đời".

Theo người Khùa, khi cưới, ông mai, bà mối sẽ thay cha mẹ hai bên làm tất cả mọi thủ tục. Và trong cuộc sống lỡ có xảy ra chuyện bất hòa gì thì cũng chính người mai mối này phải có trách nhiệm hòa giải.

Cưới… 3 lần mới được vợ

Sau bữa tiệc mừng hạnh phúc cho đôi vợ chồng trẻ, già Hồ Moong không quên dặn: "Anh đã đến uống rượu chúc mừng cho các con của già, cả núi rừng, cả bản làng đều nhớ. Già muốn các con để lại địa chỉ để khi cưới lần 2, lần 3 già biết để còn mời các con lên dự cho trọn vẹn”.

Lạ lùng đến chết vẫn chưa… cưới xong vợ - 4

Cô dâu và chú rể đang uống rượu mừng ngày cưới

Tập tục bao đời nay của người Khùa là cưới vợ phải cưới 3 lần mới xong. Trong đời người đàn ông Khùa, ai cũng phải cưới 3 lần mới được bản làng chính thức coi là đã có vợ. Phong tục cưới lần thứ 2 và thứ 3 cũng gần giống lần đầu nhưng lễ vật giá trị hơn, thường thì sẽ mổ bò, lợn.

Thời gian tổ chức lễ cưới lần hai, lần ba thì không cố định. Chỉ khi nhà trai có của ăn, của để, đủ tiền sắm lễ vật thì cưới. Cũng vì thế, như Hồ Thoong ở bản Hà Vi, 60 tuổi rồi mà mới cưới xong vợ. Thế nên, chuyện cháu đi đám cưới ông bà không phải là chuyện hiếm. Thậm chí một số người nghèo khó đến khi chết rồi mà vẫn chưa cưới xong vợ.

Như trường hợp của bà Hồ Thị Bay bị nhà chồng "bắt" từ năm 19 tuổi. Hai vợ chồng cưới xong lần 1 và lần 2 thì đã hơn 70 tuổi. Rồi đột nhiên chồng qua đời. Bà Bay vẫn được người trong bản cho là chưa có chồng bởi chồng bà vẫn chưa cưới được lần thứ 3. Vì thế, sau đó, con cái của bà đã phải thay cha làm lễ cưới mẹ cho đủ 3 lần.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trần Văn - Duy Tuấn (Vietnamnet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN