Lạ kỳ tộc người đếm thời gian theo tiếng sấm

Bản Văng Môn (xã Nga My, huyện Tương Dương, Nghệ An) là nơi sinh sống của cộng đồng dân tộc ít người nhất xứ Nghệ - tộc người Ơ Đu cùng bao biến cố thăng trầm đã phải mưu sinh mòn mỏi để bảo tồn nòi giống, tập tục văn hoá. Nơi thâm sơn cùng cốc này còn bao câu chuyện huyền thoại mà nhiều người chưa biết.

Nỗi nhớ bản cũ

Từ thị trấn Hòa Bình (huyện Tương Dương), vượt chặng đường dài gần 70km chúng tôi đến bản Văng Môn - nơi duy nhất còn lại vỏn vẹn khoảng gần 600 nhân khẩu dân tộc Ơ Đu. Theo lịch sử ghi lại, khoảng thế kỷ XIV, tộc người Ơ Đu (ở khu vực phía Tây của Nghệ An, giáp Lào) có một xã hội khá phát triển, họ sống bằng nghề làm ruộng, chài lưới, phát nương làm rẫy, đào đãi vàng và buôn bán trên sông.

Lạ kỳ tộc người đếm thời gian theo tiếng sấm - 1

Cụ Lo Văn Bằng nhớ về bản cũ. Ảnh: H.H

Trải qua nhiều biến cố lịch sử, sau Cách mạng tháng Tám, họ mới quy tụ về sinh sống ở bản Xốp Pột, Kim Hòa, xã Kim Đa. Một vài hộ thì sinh sống rải rác ở bản Tạ Xiêng (xã Kim Tiến), bản Xiêng Hương (xã Xá Lượng), thuộc huyện Tương Dương.

Đến năm 2006, để nhường chỗ xây dựng công trình thủy điện Bản Vẽ, người Ơ Đu đã rời bản Xốp Pột về tái định cư ở bản Văng Môn. Già làng Lo Văn Bằng (82 tuổi) bùi ngùi kể: “Ngày đó, thực hiện chủ trương làm nhà máy thuỷ điện, người Ơ Đu ta lên đây ở. Con em trong bản có điều kiện đi học thuận lợi hơn, đi lại dễ dàng hơn, có xe ô tô vào tận nơi. Nhưng nhớ bản cũ lắm! Thỉnh thoảng ta cũng ngồi thuyền quay về bản cũ, nhưng tất cả đã ngập chìm trong nước của lòng hồ rồi”.

Tính thời gian theo tiếng sấm

Ơ Đu, theo tiếng Thái có nghĩa là: thương lắm. Người Ơ Đu còn có tên gọi khác là Tày Hạt (nghĩa là: đói rách). Mặc dù cuộc sống của người Ơ Đu khắc nghiệt, nhưng tộc người này đã có những nét văn hóa đặc sắc… với quan niệm về vũ trụ, tín ngưỡng, cách tính thời gian riêng…

Cách tính thời gian của người Ơ Đu không theo lịch thông thường mà theo tiếng sấm. Đối với người Ơ Đu, bắt đầu năm mới, bắt đầu vụ gieo trồng là khi có tiếng sấm đầu tiên vang rền trên bầu trời. Sấm nghĩa là năm mới đến. Sấm nghĩa là mùa gieo trồng bắt đầu... Tiếng sấm có mặt trong tất cả mọi sinh hoạt, nghi lễ thiêng liêng… và theo suốt cuộc đời người Ơ Đu từ lúc sinh ra cho đến  lúc chết đi.

Trong những tập tục cổ xưa nhất của người Ơ Đu, lễ mừng tiếng sấm năm mới là lễ hội thiêng liêng nhất trong năm. Lúc này, người dân Ơ Đu tề tựu tại bản làng mổ trâu, giết lợn cúng tế thần linh, mong cho một năm mới an lành, no đủ... Nghi lễ đầu tiên trong ngày có tiếng sấm là phong sắc, phong tước cho các chức sắc trong bản như trưởng họ, già làng, các chức sắc trong giới thày mo và đổi tên cho những người đàn ông đã trưởng thành. Khi trẻ em sinh ra phải đợi cho đến khi nghe tiếng sấm đầu đời mới được đặt tên, bắt đầu tính tuổi.

Lạ kỳ tộc người đếm thời gian theo tiếng sấm - 2

Chị Mạc Thị Tím, Bí thư chi bộ bản Văng Môn: “Để khôi phục lại nét đẹp văn hoá nơi thâm sơn cùng cốc này không hề đơn giản”. Ảnh: H.H

Định cư tại bản Văng Môn gần 10 năm, nhưng nhiều phong tục cũ vẫn được người Ơ Đu gìn giữ nguyên vẹn. Đó là khi có khách lạ đến chơi thì thủ tục đầu tiên là phải đến nhà trưởng bản để “thưa chuyện và báo cáo”. Người lạ mặt sẽ không được ở qua đêm, hay qua trưa khi không có sự đồng ý của trưởng bản. Món ăn đặc sản của người Ơ Đu đãi khách quý là món “pá pọc” và hũ rượu “lậu sả thô”. Món “pá pọc”  được đựng trong ống nứa có hoa văn bên ngoài, bên trong chứa rau, cà, hoa chuối, thịt heo, thịt chuột… Còn “lậu sả thô” là loại rượu được làm từ  gạo nếp, đựng ủ lên men như rượu cần.

Mỗi khi có dịp vui, họ lại dùng ống bưng đập xuống sàn nhà thay nhịp rồi cùng nhau múa hát: “Nào chúng ta bên nhau, mời hỡi ai say sưa”. Tuy nhiên hiện nay, lễ hội tiếng sấm cũng như nhiều tập tục khác của người Ơ Đu đã bị đánh mất. Bao nhiêu năm, nó chỉ có thể tồn tại trong nỗi nhớ, trong ý thức tự nhiên, bền bỉ truyền đời.

Câu hỏi “đi tìm thời gian đã mất”?

Trước sự mai một và nguy cơ biến mất những giá trị văn hoá độc đáo của tộc người ít nhất này, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ dân tộc Ơ Đu. “Dự án hỗ trợ, phát triển dân tộc Ơ Đu” với nhiều chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, đời sống, văn hoá, giáo dục, công tác khuyến nông, khuyến lâm… đã được triển khai trong nhiều năm qua.

Bên bếp lửa bập bùng, cụ Lo Văn Bằng không ít trầm tư: “Trong bản, người biết nói tiếng Ơ Đu chỉ đếm đầu ngón tay thôi, nhưng cũng không nói với nhau nhiều, vì các con các cháu đều nói tiếng Thái, tiếng Khơ Mú. Mình nói tiếng Ơ Đu chúng không hiểu. Ngôn ngữ của người Ơ Đu đang mất dần trong đời sống sinh hoạt rồi. Buồn lắm!”.

Cụ Lo Văn Nghệ (80 tuổi) - một trong những cao niên nơi đây kể lại, từ năm 2008, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã mở được nhiều lớp dạy tiếng Ơ Đu cho các thế hệ trẻ. Tuy nhiên, kết thúc lớp học chỉ 30-40% học viên nói được và chỉ là thứ ngôn ngữ giao tiếp, chào hỏi thông thường. Theo cụ Nghệ, nếu học đầy đủ ngữ nghĩa của tiếng Ơ Đu phải mất ít nhất 2 năm. Ngoài ra, sau khi học xong, phải được giao tiếp thường xuyên, nếu không dễ quên dần.

Ông Vi Tân Hợi - người nhiều năm nghiên cứu về dân tộc Ơ Đu cho hay, việc bảo tồn và phát triển tộc người Ơ Đu hiện nay đang chỉ mới dừng lại ở mặt nâng cao đời sống vật chất, còn về yếu tố văn hóa thì chưa mấy hiệu quả. Có hai nguyên nhân chính do ý thức bảo tồn của đồng bào còn hạn chế, nguồn lực đầu tư chưa nhiều. Hiện tại nước bạn Lào có khoảng 2 vạn người Ơ Đu đang sinh sống tại tỉnh Xiêng Khoảng. Họ vẫn còn giữ được trang phục truyền thống và ngôn ngữ Ơ Đu với vốn từ phong phú. Huyện cũng đã tổ chức nhiều buổi giao lưu để trao đổi, học hỏi những nét đặc trưng về văn hoá, phong tục. “Để bảo tồn những giá trị văn hoá của người Ơ Đu, trước hết phải khôi phục lại nền tảng không gian văn hóa: Quy hoạch lại bản Văng Môn ngày nay theo kiểu cấu trúc không gian làng bản của người Ơ Đu cổ xưa; tập quán sinh hoạt, tín ngưỡng; ngôn ngữ và phục dựng một số lễ hội quan trọng”, ông Hợi tâm sự.

Đã gần 10 năm kể từ ngày người Ơ Đu rời bỏ dòng Nậm Nơn đi tái định cư, cuộc sống nhiều thay đổi, tập quán canh tác cũng có nhiều đổi mới. Ngoài lúa rẫy trên nương, họ đã biết chăn nuôi, biết trồng keo chờ ngày thu hoạch, chứ không phụ thuộc vào tôm cá dưới sông và rau măng trên rừng. Thế nhưng, người Ơ Đu vẫn mang một nỗi buồn khó nói hết thành lời và những ngôi nhà màu vàng được đánh số giống y hệt nhau tựa lưng vào núi u uẩn nỗi niềm của thời gian đã mất…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồ Hà (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN