Ký ức cay đắng của “người rừng”
Gần 40 năm sống trong hang đá, “người rừng” đã quá quen việc “ăn hang ở lỗ”, với bóng đêm của rừng già, với những bữa ăn toàn thịt chuột, cùng măng đắng và rau rừng. Ông cũng quen với những cơn gió mùa đông rét buốt như cắt da, cắt thịt. Lúc buồn, ông chỉ có cây sáo làm bạn. Giai điệu trầm mặc từ cây sáo cất lên, nốt nhớ nốt không, vẫn khiến ông xao xuyến. Những lúc ấy, “người rừng” lại ngồi lặng im, đưa ánh mắt nhìn về phía bản Mường xa xa.
Thành “người rừng” vì… hạnh phúc tan vỡ
Kéo chúng tôi ra gốc cây cổ thụ quen thuộc, “người rừng” Đinh Văn Toán tâm sự cùng mọi người với vẻ cởi mở hơn. Gần 40 năm sống trong rừng, ít giao tiếp với xã hội nên trong suốt cuộc nói chuyện, có từ ông nhớ, có từ quên. Ông nói chủ yếu bằng tiếng Mường, thứ tiếng mẹ đẻ của mình. Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của những người dẫn đường, chúng tôi mới được nghe về câu chuyện cay đắng trong cuộc đời của ông Toán. Ông bảo: “Lâu lắm rồi mới có khách ghé thăm, nhưng các anh thông cảm, không phải vì không muốn tiếp chuyện với các anh ở trong 'nhà' tôi đâu. Mà bởi, ra giữa cánh rừng này, tôi thấy lòng mình nhẹ nhàng hơn”.
Ngồi trầm tư một lúc, ông Toán tâm sự: “Tôi tên Đinh Văn Toán, năm nay đã 62 tuổi. Mặc dù sinh ra tại xóm Đá Bia, nhưng trước đây mọi người vẫn thường gọi tôi là Toán “Mực”. Bởi vợ tôi là người ở xóm Mực. Tôi nhập ngũ năm 1970 khi vừa mới lập gia đình được mấy ngày. Năm ấy, miền Nam bước vào thời kỳ cao điểm nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tôi nhập ngũ và được phân công vào đơn vị đặc công, tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Tôi xuất ngũ năm 1975, năm đó cũng là năm cuộc đời tôi gặp nhiều bất bạnh nhất”, giọng “người rừng” trùng lại.
"Người rừng" vui vẻ chia sẻ với những vị khách mới của mình
Nỗi bất hạnh trong cuộc đời của ông Toán, theo ông, đó chính là sự tổn thương trong sâu thẳm tâm hồn. Ông Toán kể: “Trở về từ chiến trường, tôi phải đối mặt với nghịch cảnh phũ phàng. Cha mẹ thì mất, người vợ hiền thảo từng thề non hẹn biển đã quên nghĩa phu thê. Cô ấy đã đi theo người đàn ông khác, cay đắng hơn, đó lại chính là bạn thân một thời từng chăn trâu, cắt cỏ với tôi. Do bị thương, anh ta được xuất ngũ về quê trước. Không hiểu vì cố tình, hay do thông tin sai lệch trong chiến tranh mà khi trở về, người bạn đó đã nói với vợ tôi rằng, tôi đã hy sinh. Thế rồi, chuyện gì đến cũng đã đến. Vợ tôi mặc dù rất đau khổ, nhưng không thể ở một mình mãi được, khi cô ấy vẫn đang ở vào độ tuổi đẹp nhất cuộc đời. Trước sự giúp đỡ tận tình, và những lời hứa hẹn gánh vác trách nhiệm của bạn tôi, cô ấy đã chấp nhận đi bước nữa. Khi trở về, quá cay đắng, tủi nhục, và cảm thấy xấu hổ với làng xóm, tôi bỏ nhà cửa lên hang Lắn này. Thời gian thấm thoát trôi đến giờ đã 40 năm rồi đấy”.
Ông Toán chia sẻ, mặc dù rất đau khổ trước sự phản bội của người vợ, cùng sự giả dối của người bạn thân, thế nhưng bao nhiêu ký ức đẹp đẽ về thời gian yêu nhau giữa hai người, ông vẫn gìn giữ. Đó là lời thề, lời hẹn ước của ông với người vợ năm xưa trước khi lên đường nhập ngũ. Bởi lẽ, ông Toán muốn quên nhưng lời thề bị phản bội năm xưa vẫn cứ ngự trị trong tâm hồn mình. Quên không được, ông đành phải nhớ.
“Ngày chia tay lên đường nhập ngũ, tôi đã hứa với cô ấy: Nếu còn sống trở về, nhất định hằng năm tôi sẽ bắt hai con thú to nhất cánh rừng Lắn, chỉ để lấy đuôi của nó tặng cho vợ mình. Tôi biết đó là món quà kỳ dị, nhưng thời ấy, thú rừng săn dễ lắm. Mỗi cái đuôi của một con thú tôi bắt được, đều mang một ý nghĩa hết sức quan trọng. Nó đánh dấu cho những ngày quan trọng nhất trong năm của vợ chồng tôi. Đó là ngày chúng tôi bắt đầu quen nhau, và ngày chúng tôi về ở với nhau… Mặc dù, hiện nay không còn là vợ chồng nữa, cô ấy cũng đã chuyển vào Nam sinh sống cùng gia đình, nhưng với tôi, lời hứa sẽ chẳng thể nào quên”, ông Toán xúc động nhắc lại những kỷ niệm đã qua.
Bí ẩn sau những chiếc đuôi thú
Theo chia sẻ của “người rừng”, ông có sở thích cắt lấy cái đuôi con thú khi săn được rồi treo lên gác bếp. Nhưng ông không bao giờ bắt các con thú lớn mà thường chỉ giết thịt loài chuột, loài sóc. Đến nay, thịt chuột rừng, cũng là một món thường xuyên xuất hiện trong các bữa ăn hàng ngày của “người rừng”. “Những con thú lớn bẫy được, tôi thường thả đi. Con nào không may mắn bị chết, tôi sẽ chôn nó dưới một gốc cây cổ thụ. Thú rừng cũng như con người vậy, có sinh mạng, có “gia đình”, cũng có tình cảm. Bởi thế, nếu tôi giết nó, đồng nghĩa với việc tôi chia rẽ cuộc sống gia đình của chúng sao”, ông Toán tâm sự.
Nơi ở của "người rừng" Đinh Văn Toán
Ngày nào cũng vậy, “người rừng” thường dậy rất sớm, rồi túc tắc chuẩn bị đồ nghề đi săn. Bắt được con thú nào, ông lại lấy đuôi của nó treo lên gác bếp cho thật khô. Ông bảo: “Tôi treo đuôi của các con vật lên gác là để tính ngày, tính tháng và tính năm. Theo đó, mỗi ngày tôi sẽ bắt được một con chuột. Thịt của nó thì dùng làm thức ăn hàng ngày, còn đuôi tôi lại treo lên “gác bếp” để đánh dấu cho một ngày đã qua. Còn để đánh dấu cho một tháng, tôi sẽ bắt và cắt đuôi một con sóc. Và cứ thế, một năm sẽ là đuôi một con vật to hơn. Ngày trước, thú rừng dễ kiếm lắm không như bây giờ. Với lại, ngày ấy tôi còn khỏe, tôi không lo sợ mấy con thú dữ. nhưng giờ thì khác, già rồi nên tôi chỉ kiếm mấy con thú nhỏ thôi”.
Ông Toán cho biết thêm, thường thì ông chỉ bắt chuột và rắn. Có những hang, ông chỉ cần đi qua hít hít vài cái là biết có chuột, hoặc có rắn hay không. Thậm chí, nhiều hang chuột, ông Toán còn biết trong hang có chuột đực hay chuột cái. Theo “người rừng”, đó không chỉ là kinh nghiệm, là bản năng sinh tồn nơi rừng sâu, mà còn là những bí mật mang tên “bùa chú”, mà chỉ những người Mường Ao Tá mới biết. Để phân biệt giữa hang rắn và hang chuột, theo người rừng cũng khá đơn giản. Với chuột, không chỉ là vết chân đi, mà còn là mùi. Chuột thường có mùi hôi đặc trưng của nó. Còn rắn thì chỉ cần “nghe” thấy mùi tanh nồng thì ông có thể biết là rắn cạp nong, cạp nia, hay loài rắn hổ chúa hung dữ. Với biệt tài của mình, tự bản thân “người rừng” cảm thấy xứng đáng được tôn làm “chúa tể”, hay làm “vua” của cánh rừng Lắn đầy bí ẩn. “Có lẽ ở khu vực rừng Lắn này, tôi đã trở thành “vua chuột” rồi cũng nên. Không có ngóc ngách nào ở vùng núi đá này là không có dấu chân tôi, loài chuột ở đây có lẽ chỉ cần “ngửi” thấy mùi của tôi là bọn chúng đã cao chạy xa bay mất”, nói rồi ông Toán cười khà khà ra vẻ khoái chí.
Để thích nghi với cuộc sống ở rừng, từ những năm đầu đặt chân đến khu rừng Lắn, cho đến tận những ngày hôm nay, món ăn duy nhất và cũng là món trở nên quen thuộc nhất với ông Toán là rau rừng, măng nứa và thịt chuột. Ngày mùa, ông bắt được chuột nhiều hơn. Ăn không xuể, ông làm thịt rồi treo lên gác bếp phơi khô. Những hôm nào nhớ bản, ông lại lui cui xuống núi, rồi không quên xách theo mấy con chuột khô làm hàng hóa trao đổi một số thực phẩm với người dưới bản. Ông bảo: “Tôi chủ yếu đổi lấy rượu để uống thôi, ở trong rừng sâu này nhiều lúc buồn, nhâm nhi với thịt chuột khô treo gác bếp cũng thấy thú vị”.
Gần 40 năm sống trong cánh rừng già, những tưởng ông Toán quên hết những nếp sinh hoạt, cùng những bản năng của một con người bình thường. Thế nhưng, sau bao nhiêu năm, dù con người ông đã thay đổi, ông già hơn, xa lạ với mọi người hơn. Đặc biệt, con người ông trở nên “rừng rú” hơn. Ấy vậy, trong sâu thẳm tâm hồn người rừng vẫn chứa chan đầy cảm xúc, đặc biệt mỗi khi có ai đó nhắc lại những ký ức đẹp đẽ trong cuộc đời mình.
_____________________
Đón đọc kỳ tới: Tiết lộ của “người rừng” về “bùa gọi thú" kỳ lạ