"Ma rừng" và những bí ẩn sau khu rừng âm u

Những tưởng thời gian qua, câu chuyện về cha con người rừng ở tỉnh Quảng Nam là dấu chấm hết cho sự bất hạnh của con người nơi hoang dã. Nhưng cuộc sống luôn tồn tại nhiều điều bất ngờ mà chúng ta khó có thể lường trước. Câu chuyện về số phận của một con người bất hạnh, một “con người” bình thường, bỗng trở thành “người rừng”, khiến chúng tôi không khỏi xót xa.

Khi tình yêu, tình người bị lừa gạt, con người ấy chợt có cảm giác sợ cuộc sống. Ông chạy trốn, thu mình trong nỗi cô đơn, tuyệt vọng. Ông tự dằn vặt bản thân khi không giữ nổi hạnh phúc, không níu được người con gái mà ông yêu thương. Để rồi hang Lắn, nơi vùng núi cao heo hút của xã Tiền Phong, huyền Đà Bắc, thành mái nhà che chở cuộc đời bất hạnh của người rừng Đinh Văn Toán gần nửa cuộc đời.

Bí ẩn “người rừng”

Có lẽ, người dân ở xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, không ai là không biết đến rừng Lắn. Cánh rừng khổng lồ, không chỉ mang đầy vẻ hoang sơ, mà còn chứa đựng bao điều bí ẩn và linh thiêng. Rừng Lắn, từ bao đời nay vẫn sừng sững che chở cho người dân bản Mường, trước những cơn gió mạnh thổi vào từ phía con sông Đà hung dữ. Bởi thế, người dân ở đây cho rằng, rừng Lắn chính là cánh rừng mẹ, bao bọc cho người dân trong thôn bản. Để bảo vệ cho rừng mẹ, người dân bản Phiếu đã thêu dệt nên hàng nghìn câu chuyện mang đầy màu sắc tâm linh với những con “ma rừng” hung bạo… Những câu chuyện kỳ bí tưởng như hoang đường ấy đã khiến nhiều người sợ hãi không dám xâm phạm rừng Lắn, bởi sợ phạm vào điều linh thiêng.

"Ma rừng" và những bí ẩn sau khu rừng âm u - 1

Hành trình tìm kiếm “người rừng” của nhóm PV.

Nhiều người dân sống quanh rừng Lắn cho biết, vào những ngày mưa phùn gió bấc, thậm chí cả những đêm trăng sáng vằng vặc, từ phía cánh rừng mẹ phát ra những tiếng vi vu réo rắt, hoặc những tiếng dìu dặt bi ai lúc trầm, lúc bổng như tiếng sáo của người Mường. Câu chuyện bí ẩn về rừng Lắn chỉ thực sự được làm sáng tỏ sau khi những người con của bản Phiếu đi đào vàng và bị lạc trong rừng. Thời điểm ấy, họ đã hiểu ra rằng, rừng Lắn không chỉ có những câu chuyện tâm linh mà còn là nơi trú ngụ của một con “ma sống” bằng xương, bằng thịt.

Ông Bùi Văn Nguyên, 54 tuổi, ở xóm Trê, xã Tiền Phong là một trong những chàng trai tham gia đào vàng và tận mắt chứng kiến con “ma rừng” sống trong khu rừng mẹ. Nhớ lại những năm 1980, khi người dân thuộc xã Tiền Phong đổ xô đi đào đãi vàng ở con suối Thương, bên cạnh cánh rừng Lắn linh thiêng, ông kể: “Năm đó, tôi cùng 4 anh em nữa tại xóm Phiếu, xóm Mực, xóm Diềm cùng sắm sửa đồ nghề vào rừng tìm sự may rủi. Sau nhiều ngày đào bớ, chúng tôi trở về khi đã kiếm được một số vàng kha khá. Trên đường trở về, chúng tôi bị một nhóm khoảng hơn 10 người truy đuổi. Giữa mong manh của sự sống và cái chết, 5 anh em chỉ còn biết cắm đầu, cắm cổ nhằm thẳng cánh rừng Lắn chạy thoát thân, với mong muốn rừng mẹ sẽ che chở cho mình được bình yên. Trong lúc tình thế nguy cấp, chúng tôi may mắn được một vị cao nhân cứu giúp. Lúc mới nhìn thấy vị cao nhân, mấy anh em chúng tôi suýt nữa bỏ chạy bởi tướng mạo người đó trông như người rừng, râu tóc rậm rạp, mặt mũi, quần áo cáu bẩn. Người rừng với những ngón võ bài bản, nhanh như cắt, tả xung, hữu đột và chỉ 10 phút sau, nhóm người truy sát chúng tôi đã phải sợ hãi bỏ chạy”.

Cũng theo chia sẻ của ông Nguyên, lần đó, nhóm các ông không chỉ được người rừng cứu sống mà người rừng còn dẫn tất cả ra khỏi cánh rừng Lắn trở về. Sau lần ấy, câu chuyện về nguồn gốc người rừng dần được hé mở. Ông Nguyên cho biết thêm: “Từ trước đến nay, câu chuyện ma quỷ gì đó ở rừng Lắn, tôi không tin lắm. Đặc biệt sau lần gặp được con “ma rừng” bằng xương, bằng thịt, tôi càng vững niềm tin hơn. Con “ma rừng” mà người dân vẫn thường đồn thổi, không phải ai xa lạ, mà chính là một người con của bản Mường này. Sau này chúng tôi được biết, con “ma” ấy chính là Đinh Văn Toán, người Mường Ao Tá (một nhóm nhỏ để phân biệt với cộng đồng người Mường ở Hòa Bình, có giọng nói nặng hơn, khó nghe hơn so với các nhóm người Mường khác - PV), ở xóm Đá Bia, xã Tiền Phong. Ông Toán từng tâm sự với chúng tôi, trước khi trở thành người rừng, ông ấy cũng là một người lính đặc công tham gia kháng chiến chống Mỹ khi chúng tôi còn rất nhỏ. Nhưng giờ, ông Toán chẳng còn gì cả”.

"Ma rừng" và những bí ẩn sau khu rừng âm u - 2

“Người rừng” Đinh Văn Toán và nơi trú ngụ của mình.

Theo giải thích của ông Nguyên cùng những người dân địa phương, sở dĩ ông Toán hiện nay chẳng còn gì, cũng bởi do chán nản với cuộc sống, với gia đình và người thân. Trước khi đi, để xóa bỏ những ký ức xưa cũ, ông Toán đã dùng mồi lửa châm vào ngôi nhà của mình. Chọn hang Lắn làm nơi trú ngụ, sống tách biệt với mọi người, ông Toán tự biến mình thành người rừng. Và hiển nhiên, từ khi ông xuất hiện tại rừng Lắn, đã kéo theo hàng trăm câu chuyện hoang đường, đầy ma mị.

Truy tìm “đại bản doanh” người rừng

Tò mò về cuộc sống bí ẩn của người rừng Đinh Văn Toán, cùng những điều bí ẩn về cánh rừng Lắn linh thiêng, chúng tôi quyết định xâm nhập khu rừng cấm, với sự giúp đỡ của một nhóm trai bản. Xóm Phiếu, trời mùa đông chìm trong mây mù. Để đi đến hang Lắn, chúng tôi phải vượt qua rất nhiều đèo dốc, những con đường mòn trơn trượt như đổ mỡ. Từ trung tâm bản Phiếu, để đến được hang Lắn của người rừng có lẽ phải đến hơn 10km đường rừng. Chúng tôi mất đến hơn 3 tiếng đồng hồ leo núi, rồi xuống dốc. Có nhiều đoạn phải vạch lá, xiên rừng xác định vị trí của hang Lắn. Để khỏi bị lạc đường, mấy thanh niên bản phải đã phải dùng ký hiệu để đánh dấu những nơi mà chúng tôi đã đi qua. Sau một hồi lòng vòng, chúng tôi cũng tìm được nơi cư trú của người rừng.

Đặt chân tới “đại bản doanh” của người rừng, điều làm chúng tôi ngạc nhiên đầu tiên không phải là cái hang Lắn đen đúa vì bị ám khói lâu năm của ông Toán, mà bởi chính cái khung cảnh hữu tình nơi đây. Từ dòng suối nhỏ trong suốt chảy ra từ khe núi, đến những vườn rau cải, những khóm mía, cây cau xanh tốt thẳng tắp, mọc cao vút như một bức tranh sơn thủy. Cái gọi là “nhà” của người rừng, thực chất chỉ là một hang đá có độ sâu chừng 5m. Trên đỉnh, có một lớp đá hơi nhô ra phía trước như một mái nhà che nắng che mưa. Bên dưới hang, một lớp bồ hóng dày cộp, đen bóng trông như một đám mây đen kịt, bao trùm lên cuộc đời cay đắng của người rừng vậy.

Trong ngôi “nhà” của mình, người rừng kê hai tấm ván bắc ngang qua hang đá thành 2 tầng. Tấm phía dưới ngay sát bếp lửa, là nơi ông dùng để ngủ vào những ngày đông giá rét. Mùa hè ẩm ướt, để tránh mưa và tránh thú rừng, ông nằm ngủ ở tấm ván phía trên. “Ngôi nhà” nhìn có vẻ sơ sài, nhưng chẳng thiếu thứ gì. Từ những vật dụng nhỏ nhất như chiếc lược, cái bật lửa, chiếc khăn mặt đã ngả sang màu vàng ố… cho đến những hạt lúa giống được treo cẩn thận trên “gác” bếp, rồi những bộ bàn ghế bằng đá được kê rất ngay ngắn, chỉnh tề.

"Ma rừng" và những bí ẩn sau khu rừng âm u - 3

Nơi ở của "người rừng" Đinh Văn Toán

Một người đàn ông đang nằm còng queo trên một tấm ván, ngay cạnh bếp lửa. Không chăn, không chiếu, trên người ông chỉ đắp duy nhất một chiếc áo khoác cáu bẩn. Đó chính là "người rừng" Đinh Văn Toán. Vừa nghe có tiếng người, ông Toán vội choàng tỉnh dậy, định bỏ chạy. Tùng – một người trong nhóm dẫn đường cho chúng tôi vội vàng cất giọng bằng tiếng Mường: “Đây không phải công an đâu, mà là cán bộ đến thăm ông đấy”. Dừng lại, người rừng đáo bằng câu nói cộc lốc: “Cán bộ thì tiếp, công an thì không”. Theo chia sẻ của Tùng, sở dĩ người rừng rất sợ gặp công an vì ông nghĩ công an đến sẽ bắt không cho ông ở trong hang Lắn nữa.

Khi chúng tôi đưa máy ảnh lên chụp, có ánh đèn flash khiến người rừng sợ hãi. Ông nhất định không cho chúng tôi đưa cái mà ông gọi là “cục đen xì xì phát ra ánh sáng” chĩa về phía mình. Sau khi nhờ những người đi cùng giải thích, người rừng mới chấp nhận nói chuyện với chúng tôi một cách khiên cưỡng nhưng không phải tại hang Lắn, mà tại bìa rừng. Nơi này, mới hôm qua thôi ông vừa bẫy được một con thú rất to, rồi lại chôn xuống dưới một gốc cây cổ thụ, để ghi nhớ lại một kỷ niệm đã qua.

_____________________

Đón đọc kỳ tới: Ký ức cay đắng của “người rừng”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đỗ Khuê (Đời sống & Hôn nhân) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN