“Kỹ sư lớp 7” chế trực thăng phun thuốc trừ sâu
Theo tính toán, chiếc máy bay này có thể bay cao 300 mét trong 5 giờ liên tục và chở được 200 kg.
Ông Thỏa trên chiếc máy bay tự chế của mình. Ảnh: Phan Ngọc
Với mục đích phun thuốc trừ sâu cho các cánh đồng trên diện tích lớn, tham gia dập lửa chữa cháy rừng… ông Lê Văn Thỏa, thị trấn Quỳ Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An đã tự mình chế tạo chiếc máy bay trực thăng. Theo tính toán chiếc máy bay này có thể bay cao 300 mét trong khoảng 5 giờ liên tục và chở được 200 kg.
Cứ hơn 1 năm lại nâng cấp tay nghề sửa chữa
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo miền núi huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), do hoàn cảnh gia đình gặp quá nhiều khó khăn nên học hết lớp 7, ông Lê Văn Thỏa (SN 1965, trú Khu Công nghiệp thị trấn Quỳ Hợp, huyện Quỳ Hợp) đã tạm gác chuyện học hành của mình. Sau khi nghỉ học, ông đi bộ đội rồi được đơn vị phân vào lớp sửa chữa vũ khí đạn dược. Đến tháng 7/1987, ông xuất ngũ với giấc mơ trở về quê nhà lập nghiệp nhưng do “tay trắng” nên giấc mơ đó đã không thực hiện được.
Quá chán nản vì không biết làm gì để phụ gia đình, ông Thỏa quyết định ra Hà Nội tìm kiếm việc làm thêm. Cũng từ đây, duyên số đưa người đàn ông này đến với nghề sửa chữa xe đạp. “Lúc đó, mọi người đang chủ yếu đi xe đạp, nhiều xe hư hỏng nên tôi nảy sinh ra ý định mua một bộ đồ vá săm về quê làm nghề sửa chữa, vá săm xe đạp. Thời gian đầu đông khách kiếm ăn được, nhưng một thời gian sau cái nghề này cũng nhanh bị lạc hậu”, ông Thỏa nhớ lại ngày đầu lập nghiệp.
Sau đó, ông Thỏa quyết định cùng bạn bè vào rừng đào vàng. Kiếm được ít vốn, người đàn ông này tiếp tục đầu tư thêm máy móc, đồ nghề để mở quán kết hợp sửa chữa xe đạp và xe máy. Hơn một năm sau, ông lại thấy xe ô tô, xe tải trên địa bàn bắt đầu hoạt động nhiều, ông tiếp tục mua thêm máy móc để chuyển sang nghề sửa chữa ô tô. “Thật ra, lúc đó tôi mua một chiếc xe tải để chở hàng thuê nhưng không ăn thua, xe lại hư hỏng nhiều quá. Mỗi lần xe hư tôi lại tự sửa chữa nên thành ra quen việc luôn”, ông Thỏa kể.
Bà Trần Thị Bảy (SN 1973, vợ ông Thỏa) cũng cho biết, cứ khoảng một năm, ông Thỏa lại chuyển sang làm một nghề khác. Mỗi lần như vậy ông đều tự học hỏi, rút kinh nghiệm trong quá trình làm chứ không qua một trường lớp nào. Nhiều lần sửa chữa xe cho khách hàng nhưng bị hư hỏng thêm do chưa quen, ông Thỏa đều vui vẻ đền bù lại cho khách hàng và cho rằng đó như là một khoản tiền học phí học nghề của mình. Năm 2005, ông Thỏa lại tiếp tục chuyển sang nghề sửa chữa máy công trình sau khi nhận thấy nhu cầu của người dân thay đổi.
Chế tạo máy bay để… phun thuốc trừ sâu
Chiếc trực thăng được chế tạo từ động cơ ô tô 4 chỗ với giá 120 triệu đồng. Ảnh: Phan Ngọc
Đứng nhìn chiếc máy bay trực thăng thô sơ đã hoàn thành 70% công đoạn do chính tay mình chế tạo, ông Thỏa cười và khiêm tốn “tôi làm cho vui, thỏa mãn được niềm đam mê”.
Ý tưởng hết sức độc đáo này bắt đầu được nhen nhóm từ lúc ông tình cờ xem được đoạn video một ông lão chế tạo máy bay trực thăng trên mạng internet một ngày đầu năm 2015. Cũng trong thời điểm này, khi biết người dân đang đau đầu việc phun thuốc trừ sâu cho những cánh đồng ngô rộng lớn, ông Thỏa lại quyết tâm và có thêm mục đích trong việc hiện thực hóa ý tưởng của mình.
“Lúc đó cũng có người chế tạo ra máy phun thuốc rồi nhưng mà vẫn không hiệu quả lắm. Tôi nghĩ máy bay trực thăng có thể bay được ở tầm thấp sẽ rất phù hợp trong việc phun thuốc trừ sâu cho những cánh đồng rộng lớn. Nó cũng có thể sử dụng để tham gia lấy nước phục vụ công tác chữa cháy rừng ở địa bàn và tuần tra, bảo vệ rừng khá tốt”, ông Thỏa cho biết.
Sau khi phác thảo bản vẽ trên giấy, tháng 8/2015, người đàn ông này bắt đầu đi đến các quán phế liệu thu mua lại các đồ vật có thể làm phụ kiện cho chiếc máy bay của mình. Để tìm động cơ cho máy bay, ông Thỏa đã quyết định mua lại một chiếc ô tô 4 chỗ Toyota để lấy phụ kiện. Hai cánh quạt chính có chiều dài 5 mét được ông đặt đúc ở Nam Định. Việc khó khăn nhất là tìm bộ côn li để làm quay cánh quạt đẩy phía sau máy bay sao cho phù hợp.
Sau gần 9 tháng tự mình mày mò chế tạo, tháng 5/2016, ông Thỏa quyết định đưa chiếc máy bay trực thăng của mình ra chạy thử trên đường. Chiếc máy bay chạy êm với vận tốc đạt tối đa 70 km/h trên đường nhựa. Tuy nhiên, khi chủ nhân của chiếc máy bay này dự định cất cách thử thì phát hiện lỗi ở phần sau cánh quạt đẩy nên việc bay thử đã bị hủy, ông lại cặm cụi tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện.
“Hiện có thể xem là đã hoàn thành được 70% công đoạn. Khi chạy thử máy chạy khá tốt và êm, 2 cách quạt chính dùng để nâng máy bay cũng quay rất tốt. Tuy nhiên, do phần cách quạt đẩy phía sau lại chưa được ổn do còn quá yếu nên tôi phải tạm dừng kế hoạch bay thử để sửa chữa lại một chút”, ông Thỏa cho biết.
Để hoàn thành chiếc máy bay này, ông Thỏa đã phải bỏ ra chi phí 120 triệu đồng. Tuy nhiên, khi nói về tính thực tế của nó, ông Thỏa cho hay: “Thực ra tôi làm trước hết là để thỏa niềm đam mê của mình, sau nữa là mong nó có thể áp dụng vào thực tế để phục vụ cho những công việc thiết thực”, ông Thỏa cho hay.
Máy bay của ông Thỏa có chiều dài 3,5 mét; cao 2,7 mét; phần rộng nhất là 2,2 mét. Khung, vỏ được uốn hàn bằng sắt và tôn. Theo tính toán của ông Thỏa, khi hoàn thành, máy bay có thể bay ở độ cao 300 mét trong vòng 5 giờ liên tục với vận tốc đạt 100 km/h. Máy bay có thể chở được 1 người và 200 kg/lần vận chuyển. Với kết quả trên, chiếc máy bay trực thăng này có thể phục vụ phun thuốc trừ sâu cho các cách đồng ngô trên một diện tích lớn. Hoặc có thể sử dụng để phục vụ công tác chữa cháy rừng, hay tuần tra bảo vệ rừng cũng sẽ đạt được hiệu quả cao.
Năm 2015, ông Thỏa còn sáng chế ra máy doa lỗ di động. So với thị trường Mỹ, một cỗ máy doa có thể mất tới 500 triệu đồng nhưng với máy của ông chỉ mất có 50 triệu để hoàn thiện và hoạt động tốt. Chiếc máy này đã được Bộ KH&CN cấp bằng sáng chế. Trước đó, người thợ cơ khí này cũng đã chế tạo thành công máy tiện đá, máy búa rèn, máy cắt đá bằng dây... phục vụ cho hầu hết các cơ sở khai thác đá trên địa bàn, cùng nhiều cơ sở chế tạo máy móc trong và ngoài tỉnh. |