Kỳ công nuôi chó biển ở Nha Trang

Để nuôi dưỡng, không bị bệnh thì những chó biển (hải cẩu) phải được lắp máy lạnh để ngủ, ăn hải sản tươi sống mỗi ngày.

Mỗi lần thấy kỹ sư Đặng Trần Tú Trâm (cán bộ Pòng Kỹ thuật nuôi sinh vật biển - Viện Hải dương học Nha Trang) thì những chú chó biển liền nhảy chồm lên sủa ong ỏng. Gắn bó nhiều năm với các chú chó biển, cán bộ Viện Hải dương học Nha Trang coi loài sinh vật này là một phần không thể thiếu trong cuộc sống.

Đỏng đảnh, năn nỉ mới ăn

Hiện nay, Viện Hải dương học Nha Trang đang nuôi dưỡng 2 chú hải cẩu được đưa về từ ngư dân Thừa Thiên Huế và Ninh Thuận năm 2010 và 2011. Hai chú hải cẩu này hiện đang được nuôi dưỡng với chế độ chăm sóc đặc biệt. Khi mới đưa về, chú hải cẩu đưa từ Thừa Thiên Huế chỉ nặng 25 kg đến nay đã nặng gấp đôi. Hai chú được nuôi trong lồng kính, mở máy lạnh gần như liên tục. Viện cũng tạo bãi cát và hồ tắm để các chú thư giản.

Khi chúng tôi đến thăm, một chú giở chứng không chịu ăn. Còn một chú thì leo lên bãi cát nhìn về phía phòng của cán bộ. Chỉ cần thấy bóng dáng thân thuộc là chú chó biển này chồm lên, sủa liên tục. Chị Trâm cho biết mỗi sáng từ 8 giờ 30 đến 9 giờ, chiều 2 giờ đến 3 giờ là các chú hải cẩu đứng ngóng trông cán bộ vì đến giờ ăn.

Kỳ công nuôi chó biển ở Nha Trang - 1

Hồ tắm và bãi cát cho các chú chó biển vui chơi

Mỗi lần mở cửa cho ăn là lúc mà du khách đến xem đông nhất. Tuy nhiên, ai bước vào chuồng đều bị các chú lao vào tấn công, sủa inh ỏi. Chị Trâm cho biết các chú chó biển rất nhạy cảm. "Mỗi lần dọn vệ sinh chuồng mà lỡ miệng nạt nộ là các em tủi thân, lơ là ăn uống. Khi đó phải vuốt ve, năn nỉ nhỏ nhẹ mãi các em mới chịu ăn. Đỏng đảnh lắm"- chị Trâm chia sẻ. Theo chị Trâm, đến nay 2 chú hải cẩu này còn chưa được xác định giới tính vì chúng chỉ cho sờ nhẹ, vuốt ve phần đầu.

Kỳ công nuôi chó biển ở Nha Trang - 2

ChịTrâm là một trong số ít người được hải cẩu cho sờ lên người

Kỳ công nuôi chó biển ở Nha Trang - 3

Các chú chó biển rất thích được vuốt ve chăm sóc

Nuôi dưỡng hải cẩu nhiều năm, theo chị Trâm hải cẩu thích chơi đùa với bóng, thích được vỗ về, vuốt ve. Như loài chó, hải cẩu cũng thích gãi ngứa, vỗ đầu và liếm tay người chăm sóc.

Thức ăn của chú hải cẩu phải là cá đánh bắt gần bờ vì chị Trâm lo sợ cá xa bờ không được tươi. Vì vậy mà ngày nào các cán bộ Viện Hải dương học cũng đi chợ mua cá đối, cá liệt chỉ, cá ngân, cá nục... Sau đó, cá được bỏ đầu, ruột mới cho hải cẩu ăn. Mỗi lần cho ăn khoảng 3 kg cá. Nhiều lần các chú còn đói, nhào lên đòi ăn sau khi đã hết khay thức ăn.

Lắm kỳ công

Tính đến nay, Viện Hải dương học đã có 20 năm nuôi chó biển với 6 con. Đầu tiên từ năm 1998, ngư dân Quảng Ngãi và Quảng Bình giao 2 hải cẩu đi lạc mà họ bắt được cho viện đưa về nuôi dưỡng. Tuy nhiên, con hải cẩu ở Quảng Ngãi chỉ sống được 5 tháng thì chết. 5 ngày sau đến lượt con hải cẩu từ Quảng Bình cũng chết theo. Thời gian đầu, cán bộ Viện Hải dương học chưa biết nuôi hải cẩu như thế nào, chủ yếu là mò mẫm.

Đến năm 2008, ngư dân Quảng Ngãi tiếp tục bắt được một chú chó biển đi lạc. Lần này Viện Hải dương học đã lắp máy lạnh cho hải cẩu và nuôi chung với rùa biển. Tuy nhiên, cũng chỉ được 2 năm thì con hải cẩu này ra đi. Đến năm 2016, ngư dân Quảng Nam cũng đưa về 1 chú hải cẩu nhưng do sức khỏe yếu nên chỉ nuôi được 50 ngày thì chết.

Kỳ công nuôi chó biển ở Nha Trang - 4

Cán bộ Viện Hải dương học chăm sóc hàng ngày và phải viết giải trình nếu có gì khác thường

Do đó, với 2 chú hải cẩu đang nuôi dưỡng, các cán bộ Viện Hải dương học Nha Trang gần như lúc nào cũng nơm nớp lo lắng. Ông Chu Anh Khánh, lãnh đạo Phòng Kỹ thuật nuôi sinh vật biển, cho biết mới đầu các chú hải cầu đem về nuôi dưỡng đều rất hoảng sợ, không chịu ăn. Cán bộ viện phải thường xuyên lui tới mua những món khoái khẩu của hải cầu để "dụ", dần lâu các chú "quen hơi" mới chịu ăn.

Hải cẩu cũng thường xuyên bị stress khi vào mùa thay lông (thường tháng 12) hoặc thay đổi môi trường sống như thay đổi chuồng trại, tiếng ồn… Các chú hải cẩu cũng thường bị bệnh đường ruột, đi phân lỏng. Khi đó các cán bộ phải tiêm thuốc kháng sinh, bổ sung vitamin...

"Vừa rồi, bão số 12 phải làm lại nhà cho hải cẩu mất 2 ngày, không có máy lạnh nên 1 chú "buông" không ăn uống gì. Cán bộ phải mua mực tươi, món khoái khẩu của hải cẩu để nhét thuốc, men tiêu hóa vào. Chú còn lại thấy chú kia được ăn mực là lập tức lơ cá ngay. Vậy là phải bỏ cá mua thêm mực cho tụi nó"- ông Khánh kể.

Kỳ công nuôi chó biển ở Nha Trang - 5

Kỳ công nuôi chó biển ở Nha Trang - 6

Rất đông du khách thích thú với các chú hải cẩu khi tham quan Viện Hải dương học

Từ khi có các chú hải cầu, du khách đến Viện Hải hải dương học Nha Trang rất vui, đông hơn hẳn. Các chú được mọi người rất quan tâm. Lãnh đạo Viện Hải dương học cũng quy hoạch xây dựng khu mới rộng khoảng 200 m2 để các chú có điều kiện được chăm sóc, vui chơi chứ không nuôi chung với rùa biển như hiện nay.

"Không ngày nào chúng tôi không lo lắng. Tụi nó có việc gì là phải viết giải trình ngay. Nói thật, mới đầu là trách nhiệm mà lãnh đạo giao phó, nhưng bây giờ thấy thích và gắn bó với tụi nhỏ. Nhiều lúc thứ bảy, c0hủ nhật không phải ngày trực tôi cũng ghé qua ngắm đôi mắt long lanh của chúng. Xem chúng có những biểu hiện gì khác thường hay không"- chị Trâm bộc bạch.

Đột nhập trang trại nuôi sư tử, hổ trắng, tê giác ở Nghệ An

Nơi đây hiện nuôi nhốt 18 loài động vật quý hiếm, nhập từ nước ngoài về với hơn 100 cá thể.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kỳ Nam (Người lao động)
Tết Nguyên đán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN